Nghi kỵ Trung Quốc, quân đội Miến Điện mua thêm vũ khí của Nga

Giữa quân đội Miến Điện và Trung Quốc luôn có một mối quan hệ hợp tác phức tạp, vì hai bên vẫn ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau.Thái độ nước đôi của Trung Quốc buộc Miến Điện phải tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí Trung Quốc. Cách hành xử hai mặt đó cũng khiến Bắc Kinh khó có thể can dự để làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện.

QUẢNG CÁO

Trên đây là những nhận định chính của chuyên gia về Đông Nam Á, David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po) khi trả lời ban Tiếng Việt, đài RFI.

******

RFI Tiếng Việt : Trước hết xin ông nhắc lại những nguyên nhân nào thúc đẩy quân đội Miến Điện tiến hành cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 ?

GS. David Camroux : Việc chọn ngày đảo chính cũng đơn giản. Ngày 01/02, Nghị Viện mới lẽ ra sẽ phải tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức hồi tháng 11/2020. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn với 83% số phiếu. Đảng do quân đội hậu thuẫn bị thua, chỉ có được 8% số ghế ở Nghị Viện.

Giới quân nhân trước khi đảo chính đã tố cáo có gian lận trong bầu cử và yêu cầu Ủy ban bầu cử kiểm tra lại. Nhưng đề nghị này đã bị chính phủ bà Aung San Suu Kyi và Ủy ban bầu cử bỏ qua. Điều này giải thích vì sao quân đội chọn ngày này để đảo chính.

Giới quân sự muốn thâu tóm hết những phần quyền lực còn lại. Đúng là họ đã có được 25% số ghế ở Nghị Viện và điều này được quy định cho lâu dài, bởi vì không thể sửa đổi Hiến Pháp mà không có sự đồng thuận của quân đội. Hơn nữa, họ giữ trong tay ba bộ chủ chốt : Nội Vụ, Quốc Phòng và Biên Giới. Nhưng họ vẫn muốn chiếm lấy phần quyền hành không nằm trong tay họ. Miến Điện có một hệ thống chính trị lai ghép, bán dân chủ, luôn đi kèm với vai trò của giới quân nhân.

RFI : Như một sự ngẫu nhiên, hai tuần trước biến cố, ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Naypyidaw, đã gặp bà Aung San Suu Kyi, trước khi đến bắt tay với tướng Min Aung Hlaing. Vậy Trung Quốc có vai trò gì không trong cuộc đảo chính này ?  ?

GS. David Camroux: Trung Quốc cần đến Miến Điện nhiều hơn là chiều ngược lại. Trung Quốc cần Miến Điện cho dự án đường ống dẫn dầu đi từ Vân Nam đến Vịnh Bengale để vận chuyển dầu khí mua từ Trung Đông, rồi các đập thủy điện… Trên thực tế, Bắc Kinh cần có một sự ổn định, thế nên cuộc đảo chính này chưa hẳn có lợi cho Trung Quốc.

Hơn nữa, giới quân sự Miến Điện luôn có thái độ ngờ vực Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ưa thích gì giới tướng lĩnh Miến Điện. Tuy không rõ nét như Việt Nam, nhưng người Miến Điện có một thái độ nghi kỵ Trung Quốc khá lớn.

Mối ngờ vực này được thấy rõ ở việc từ một thập niên nay, giới quân sự Miến Điện mua nhiều vũ khí từ Nga hơn là Trung Quốc. Tôi cho rằng giới tướng lĩnh Miến Điện rất bài Trung Quốc. Họ tự cho mình là người canh giữ sự thống nhất quốc gia, thế nên họ làm những gì họ thấy cần làm. Họ không cần đến ai cả.

RFI : Tuy hai bên có thái độ nghi kỵ lẫn nhau, nhưng điều trớ trêu là Bắc Kinh vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Miến Điện ?

GS. David Camroux : Đương nhiên người dân Miến Điện không thích Trung Quốc. Họ nghi ngờ bởi vì Trung Quốc có đến gần 2.000 km đường biên giới chung với Miến Điện. Hơn nữa Trung Quốc chơi trò bắt cá hai tay. Họ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy chống lại tập đoàn quân sự Miến Điện, nhưng cùng lúc họ ký hợp đồng bán vũ khí cho quân đội Miến Điện. Hơn nữa, lợi ích của Trung Quốc là đầu tư kinh tế, cụ thể là dự án khai thông đến vịnh Bengale. Do vậy, lãnh đạo quân đội hiện nay muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc và mua nhiều vũ khí của Nga. Chúng ta thấy rõ xe cơ giới, xe tăng đều là do Nga sản xuất.

RFI : Trung Quốc đánh tiếng nhờ ASEAN làm trung gian hòa giải. Vì sao Bắc Kinh có cử chỉ này ?

GS. David Camroux : Trung Quốc muốn mượn lời ASEAN để nói chuyện với một nước Đông Nam Á, nếu như Trung Quốc thấy điều đó thuận tiện cho mình. Nhưng Trung Quốc vẫn luôn giữ ý tưởng về vai trò trung tâm của ASEAN, bởi vì điều này có lợi cho Trung Quốc. Hơn nữa Bắc Kinh cũng thừa thông minh để hiểu rằng họ không thể đóng vai trò trung gian, bởi vì vẫn có sự nghi kỵ từ phía người dân, thậm chí đã có một cuộc biểu tình trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Rangun để chỉ trích vai trò của nước này.

RFI : Phương Tây dường như cũng trong thế khó xử. Trừng phạt quốc tế liệu có còn hiệu quả đối với các tướng lĩnh hay không, bởi vì bản thân họ cũng đang bị trừng phạt vì cuộc khủng hoảng người Rohingya ?

GS. David Camroux : Tôi nghĩ rằng sẽ không ai muốn trở về với một chế độ trước đây cùng với các đòn trừng phạt, vì như vậy chỉ có người dân là phải gánh lấy hậu quả. Người ta sẽ có những biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhắm vào giới tướng lĩnh. Chỉ có điều những nhân vật này cũng đang nằm trong danh sách trừng phạt sau vụ thảm sát người Rohingya.

Đúng là chúng ta đang trong tình thế không còn phương cách gây áp lực đối với giới quân nhân. Theo tôi, giải pháp duy nhất chính là từ trong nước. Làn sóng ủng hộ dân chủ, người biểu tình hoàn toàn phản đối giới quân nhân. Hiện tại vẫn chưa có một cuộc đối thoại khả dĩ nào, nhưng dù sao người dân Miến Điện cũng có một chính phủ dân cử và họ đòi chính phủ đó phải được tái lập.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn GS. David Camroux, đại học Khoa học Chính trị Paris.

Theo RFI