Ngạo nghễ tấn công Covid, nguy cơ vỡ trận đang hiển hiện

Đối đầu với đợt dịch covid thứ 4, nhà nước Việt Nam không hề chuẩn bị vacxin, phương tiện hữu hiệu nhất, mà vẫn ngạo nghễ “tấn công” covid. Từ lãnh đạo trung ương đến địa phương luôn ồn ào với những diễn ngôn chính trị kiêu hãnh. Chống dịch bệnh bị chính trị hóa như là một phong trào thi đua lập thành tích. Dù nhân viên y tế vắt kiệt sức làm việc nhưng dịch vẫn lan rộng, tăng nhanh nhất là TP. HCM riêng ngày 18-7 TP. HCM có đến 4.692 ca, sáng 19-7 là TP. HCM 1.535 ca.

Ngày 30-5, khi dịch bệnh mới ở mức hai con số một ngày trong phạm vi chưa đến mười tỉnh thành, Ông Phạm Minh Chính hô hào “trong lúc này toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra phương châm “BA KHÔNG”: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế.

Đáp lại lời Thủ Tướng, các Bộ ngành cũng đều một giọng lạc quan sẵn sàng phương tiện, biện pháp sẵn sàng tiêu diệt dịch với những lời có cánh. (1)

Cách ly, phong tỏa tạo “lò ấp dịch”

Nhưng đàng sau các tuyên ngôn rổn rảng đó, các biện pháp chống dịch được áp dụng là dùng quyền lực nhà nước áp chế lên đời sống, sức khỏe, sinh mạng người dân. Chính các biện pháp cực đoan này là nguyên nhân làm dịch gia tăng.

Từ tầm nhìn ngạo nghễ, chính quyền đặt ra mục tiêu ngăn và tiêu diệt covid và đi đến những biện pháp cực đoan, tốn kém nhưng không hiệu quả. Trong khi xét nghiệm cho thấy chỉ có đến 68-70% người dương tính với covid 19 (F0) là có triệu chứng. Số F0 này chỉ có nguy cơ lây nhiễm cho người khác hoặc có thể phát bệnh. Đối sách tốt nhất là tư vấn cho họ tự cách ly và theo dõi để tiếp nhận điều trị khi phát sinh triệu chứng. Nhà nước đã xem họ là bệnh nhân hào phóng “thu dung” tất cả những người F0 vào các bệnh viện để điều trị.

Tất cả những người F1 (có tiếp xúc với F0) đều bị đưa đi cách ly tập trung và theo công thức ấy, nếu chẳng may, một F1 nào đó bị nhiễm (dù là nhiễm chéo trong khu tập trung) thì tất cả những F2 của họ nhiễm nhiên trở thành F1 lại phải đi cách ly tập trung.

Chính cách truy cùng diệt tận này đã làm số lượng người bị cách ly tăng rất nhanh. Ở các địa bàn dân cư, một nhà có người nhiễm thì cả con hẻm sẽ bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập. Các công sở, cao ốc chung cư và đặc biệt là các cơ sở y tế, y bác sĩ cũng không ngoại lệ chỉ cần 1 người bị nhiễm cả khối bị phong tỏa Khi dịch đã lan rộng, số người bị cách ly, phong tỏa tăng lên đột ngột. Điều kiện vệ sinh, sinh hoạt của các khu cách ly tạm bợ thấp kém nên dễ xảy ra lây nhiễm chéo. Dư luận xã hội kinh sợ gọi các khu cách ly là “lò ấp dịch”

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phải thừa nhận: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng không loại trừ đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo Covid-19 tại các khu cách ly và khu phong tỏa’,(2)

Ngày 18-7, nhà báo Hoàng Tư Giang viết trên Fb một stt ĐỪNG BẮN VÀO CHÂN MÌNH có đoạn: “Số ca dương tính hôm nay đã phá kỷ lục và vượt qua suy nghĩ của rất nhiều người bởi ai cũng nghĩ, số ca, đặc biệt ở SG sẽ giảm xuống sau khi đã lock nhiều ngày.

Vì sao tăng như vậy? Xin trích bản tin của Bộ Y tế: Sáng: ghi nhận 2.454 ca trong nước, trong đó 2.226 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Có 1.756 ca tại TP. HCM, trong đó 1.694 ca là trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.

Tối: ghi nhận 5.887 ca trong nước, trong đó 4.960 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Có 2.310 ca tại TP. HCM, trong đó 1.745 ca là trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.

Điều này là gì nếu không phải các F1 đã lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để trở thành F0, như lãnh đạo TP đã từng nói”. (3)

Phung phí tiền của, nhân lực y tế

Nguy hiểm hơn nữa là tổn thất lớn nhất là ngành y tế bình thường vốn dĩ đã quá tải, phải đột ngột tiếp nhận khối lượng công việc quá lớn và có quá nửa cơ sở y tế, bệnh viện của TP.HCM đã bị phong tỏa.

Mặt khác, việc phong tỏa, cấm chợ gây tác động lớn đến đời sống người dân. Hệ thống siêu thị chỉ có năng lực cung cấp 20% nhu cầu thiết yếu về thực phẩm của TP đã quá tải, hàng hóa khan hiếm và tăng giá.

Một biện pháp tốn kém tiền của nhân lực phung phí vô bổ và tạo nguy cơ lây nhiễm là xét nghiệm cấp giấy thông hành âm tính và xét nghiệm đại trà cho toàn dân TP.HCM để truy tìm F0. Báo chí lề phải tuyên truyền ầm ĩ về chiến dịch này. “TP.HCM tiếp tục đồng loạt triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với 5 triệu người trên địa bàn.’ (4) ‘Ngày 28-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm các ca mắc COVID-19 (F0) trong cộng đồng’. (5)

Ngay từ đầu dịch, nhiều bác sĩ như Phạm Ngọc Thắng nguyên là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Truyền nhiễm, Lương Trường Sơn Phó Viện Trưởng tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP HCM, Bộ Y tế, Phan Xuân Trung admin trang Ykhoa.net, Phan Hữu Khanh Phó Giám Đốc BV Nhi Đồng 2…. cả các chuyên gia ở nước ngoài như Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn, … đã lên tiếng góp ý cần thay đổi chiến lược, mục tiêu và biện pháp chống dịch. Phải xem vaxcin là biện pháp căn bản.

Tuy có những dị biệt nhất định nhưng hầu hết các đề xuất của các nhà khoa học độc lập tập trung vào mấy vấn đề sau:

Không nên đặt mục tiêu tìm diệt F0 mà cần tập trung 1- Giảm tỉ lệ tử vong, hạn chế việc người bị bệnh khác bị ảnh hưởng về tính mạng và sức khỏe do dịch viêm phổi Vũ Hán.

  1. Hạn chế các tác hại của dịch và việc chống dịch lên dân sinh.
  2. Duy trì các hoạt động kinh tế, hạn chế tối đa sự suy sụp của hệ thống sản xuất, kinh doanh.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đặt ra ba yêu cầu là

  • bảo toàn hệ thống y tế;
  • tối thiểu hoá số ca nhập viện và ICU và giảm nguy cơ tử vong;
  • giúp cho người dân tự quản lí nguy cơ.

Các bác sĩ cũng nêu ra nhiều biện pháp cụ thể

Cụ thể là không nên xem tất cả những người nhiễm covid là bệnh nhân, đề nghị cho F0 không triệu chứng, F1 cách ly tại nhà, không nên xét nghiệm đại trà trên diện rộng, ngừng ngăn sông cấm chợ, bỏ “giấy thông hành âm tính”….

Điều các bác sĩ quan tâm sâu sắc là cần bảo tồn nhân lực của ngành y tế và dừng ngay việc phong tỏa cơ sở y tế bệnh viện, buộc các bác sĩ đi cách ly. Đồng thời cần khẩn thiết chuẩn bị nhân lực, thiết bị cho các phòng bệnh ICU để điều trị các bệnh nhân nặng. Phải chuyển mục tiêu tìm diệt F0 sang hạn chế lây lan và giảm thiểu tử vong. Các bác sĩ cũng hết sức lưu ý đến việc quan tâm điều trị cho người bệnh khác ngoài covid đang bị bỏ trống do việc phong tỏa bệnh viện và ngăn cản đi lại.Tất cả những góp ý này đều chân thành thiện ý và có dẫn chứng khoa học.

Nghe phản biện nhưng chậm thay đổi

Ngày 11-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn cách chống dịch COVID-19. Ông Nên đã bày tỏ quan điểm sẽ tiếp tục lắng nghe và vận dụng. Sau cuộc gặp này, tại TP. HCM có một vài chuyển biến như cho F1 cách ly tại nhà, dự kiến thí điểm F0 tại nhà, dự kiến mở lại các chợ đầu mối và chợ truyền thống…

Tuy nhiên những chuyển biến này rất chậm và rụt rè. Việc giải tỏa các chốt chặn trong thành phố chỉ thực hiện đươc một vài ngày lại tái lập.

Khuynh hướng thu gom cách ly vẫn đang thắng thế. Ngày 11-7 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mạnh dạn phát biểu với báo chí, thành phố đang chuẩn bị và sẵn sàng cho phương án 50.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19.(6)

Những từ giường bệnh, bệnh viện dã chiến nghe rất long trọng như một cơ sở y tế khả dĩ nhưng thực chất nó chỉ là những cái giường nằm theo nghĩa đen mà thậm chí còn chưa có. Bệnh viện dã chiến thực chất là những chung cư, ký túc xá đươc trưng dụng sửa chữa tạm bợ hết sức vá víu.

Thiết bị y tê thiếu nghiêm trọng

Fbker Nguyễn Đình Tuấn là cán bộ Sở Y Tế thuộc lĩnh vực này đã viết trên trang cá nhân những thông tin cận cảnh Bệnh viên Dã Chiến số 10 (03 lô căn hộ D07 – Bình Khánh, Q2 ) 3.500 giường để phân trần với dư luận về những khó khăn của các bệnh viện này.

Thật sự, chỉ trong 5 ngày để đưa 03 blocks chung cư 506 căn hộ vào vận hành đảm bảo các tiêu chuẩn y tế là điều hoàn toàn không dễ dàng nên chắc chắn không thể đạt chuẩn 5* cho bà con được – Mong bà con lượng thứ !

Trước tình hình quá tải tại các BV. Dã Chiến và số lượng F0 đang còn tồn đọng tại các quận / huyện là khá lớn nên việc SYT mong muốn đưa ngay 3.500 giường này vào nhận bệnh ngay trong tối nay nhưng khó mà khả thi khi mà các công tác hậu cần và an ninh cũng cần phải động bộ với công tác chuyên môn

….Việc quan trọng nhất bây giờ là 3.500 cái giường xếp hay ghế bố … thì SYT vẫn chưa có nguồn để mua … nên khi nào có sẽ nhận bệnh được ngay” (7)

Trái với sự lạc quan của ông Nguyễn Thành Phong hay các lãnh đạo khác về năng lực và cơ sở vật chất điều trị, đúng như dự đoán và sự lo lắng của các chuyên gia, tuy số lượng bệnh nhân nặng hiện nay chưa phải lớn nhưng sự thiếu thốn thiết bị, nhân lực đã đến mức báo động.

Ngày 18-7 báo Tuổi trẻ đăng bài kêu cứu “Bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cấp bách tìm máy thở, nguồn oxy”

Theo bài báo, thành phố đang phải điều trị cho 26.873 bệnh nhân dương tính mới. Sở Y tế phân cho 12 bệnh viện dã chiến với quy mô 34.500 giường. Tuy nhiên hiện nhiều bệnh viện không chỉ trong tình trạng quá tải mà thiếu một số trang thiết bị y tế.

Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi cần 100 máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân) nhưng có 20 máy

Bệnh viện thiếu máy thở di động nên phải mượn từ các đơn vị khác. Hiện cần thêm 2 máy thở di động và 80 máy monitor, cần 2 xe cứu thương để gửi mẫu và rất nhiều công việc khác, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế…

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đang điều trị cho hơn 140 trường hợp F0 gồm cả người lớn và bệnh nhi, cần thêm 10 máy thở nữa mới đáp ứng nhu cầu.

Bệnh viện Nhi đồng1 chỉ có 2 máy thở, vẫn còn thiếu máy thở. Bệnh viện dã chiến số 4, có hơn 4.000 người bệnh nhưng chưa được trang bị máy thở nào. Trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế dự trù chỉ còn đủ sử dụng trong 10-15 ngày tới. Nếu không được cung cấp thêm thì sau thời gian trên sẽ không còn đồ bảo hộ cho nhân viên y tế nữa

Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ đang điều trị cho khoảng 600 F0 có triệu chứng nhẹ. Huyện cách trung tâm đến 2 tiếng đồng hồ xe chạy Nhưng hiện nay bệnh viện chỉ có 1 chiếc xe cứu thương, không thể lắp đặt được hệ thống oxy nên rất vất vả trong vận chuyển bệnh nhân nặng cấp cứu. (8)

Bênh viện hồi sức 1000 giường chỉ có thể nhận 60 bệnh nhân

Với bệnh viện hồi sức đặc biệt 1.000 giường chuyên trị Covid 19 nặng được tuyên truyền ầm ĩ là trang thiết bị hiện đại và do bác sĩ Nguyễn Trí Thức Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách tình hình trang thiết bị càng khủng hoảng hơn.

Đến ngày 17-7, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận 60 bệnh nhân. Bệnh viện  đang thiếu rất nhiều trang thiết bị y tế cần thiết, có loại chưa có cái nào như máy thở không sử dụng khí nén trung tâm, máy minitor 6 thông số, máy nội soi phế quản, máy sưởi ấm bệnh nhân…

Một số trang thiết bị chỉ có 1 vài cái như máy đo điện tim, máy thử đường huyết tại giường, máy siêu âm 3 đầu dò, máy đo khí máu, X-quang di động, máy thở xách tay…

Bệnh viện có văn bản đề xuất cung ứng khẩn cấp 23 loại trang thiết bị thiết yếu (tổng cộng 2.015 thiết bị) . Điển hình như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO (12 máy), lọc máu liên tục (34 máy), minitor các loại (150 máy), theo dõi Sp02 và nhịp tim (135 máy), bộ hút đàm trung tâm (180 bộ), truyền dịch (280 máy), X-quang di động (7 máy), các loại máy thở (101 máy), oxy lưu lượng cao (74 máy). (9)

Dịch lan rộng, nguy cơ vỡ trận đang hiển hiện!

Hiện nay, mỗi ngày TP. HCM có thêm trên 5.000 ca nhiễm mới, việc cách ly tập trung toàn bộ F0 là hoàn toàn không khả thi. Nếu theo tỉ lệ 20% F0 có triệu chứng thì số bệnh nhân thật cần điều trị thật mỗi ngày sẽ tăng thêm 1.000 giường.

Liệu số lượng máy thở và các thiết bị y tế khác có tăng theo kịp yêu cầu này? Quan trong hơn nữa là nguồn nhân lực nào sẽ đáp ứng cho số bệnh nhân mới tăng lên?

Sự chi viện từ các địa phương khác là khó khả thi khi dịch đang lan ngày càng rộng.

Cần sớm giải tỏa những khu cách ly các bệnh viện bị phong tỏa để thu hồi nguồn nhân lực đang vung phí cho các ca F1, F0 không triệu chứng. Khẩn trương phân loại F0, xây dựng hệ thống quản lý tư vấn tại nhà với F0 có triệu chứng nhẹ và tập trung điều trị cho các bệnh nặng

Bên cạnh đó phải mở cửa toàn bộ hệ thống bệnh viện điều trị, huy động hệ thống bệnh viện tư để chăm sóc bệnh nhân khác ngoài covid.

Y tế TP.HCM đang quá tải và tê liệt vì ôm đồm cách ly FO.

Tình trạng này không riêng của TP.HCM, Bình Phước, Đồng Tháp số lượng ca nhiễm chưa quá 1.000 cũng đã lên tiếng kêu cứu chi viện. Dịch đang lan nhanh mà theo các chuyên gia thì bất cứ ai cũng có thể là F0 tiềm tàng. Bộ Y tế chỉ mới cho phép các địa phương thí điểm cách ly F1 tại nhà với những điều kiện rất khắt khe chỉ những gia đình giàu có mới làm đươc. Các khu cách ly, phong tỏa càng lúc càng mở rộng, số nhiễm chéo càng tăng.

Điều đáng nói theo chỉ đạo mới của Thủ Tướng Phạm Minh Chính, từ ngày 19-7, sẽ mở rộng áp dụng chỉ thị 16 ra 19 tỉnh thành từ Bình Phước đến Cà Mau. Chưa biết hiệu quả của đợt phong thành trên diện rộng này hiệu quả đến mức nào nhưng chắc chắn sư ngăn cách giữa các địa phương sẽ chặt chẽ hơn, nguồn cung cấp hàng hóa lương thực cho TP.HCM sẽ thu hẹp ngặt nghèo hơn. Đời sống của người dân TP sẽ càng thắt ngặt trong dịch bệnh.

Viễn cảnh đen tối về sự quá tải và vỡ trận không là của riêng TP.HCM, khi nhận thức và nội dung chỉ đạo từ Thủ Tướng vẫn là những yêu cầu nước đôi chung chung giãn cách mà vẫn bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân nhưng không đưa ra yêu cầu cụ thể.

Phong Kỳ