Home Thế Giới Nga muốn thông qua ASEAN tìm chỗ trong tiến trình tái lập...

Nga muốn thông qua ASEAN tìm chỗ trong tiến trình tái lập hòa bình ở Miến Điện

Nghe đọc bài

Nga hiện nổi lên như một nhân tố trung gian có thể góp phần giải quyết khủng hoảng chính trị tại Miến Điện. Trong chuyến công du một số nước Đông Nam Á và tham dự hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN – Nga, ông Serguei Lavrov khẳng định Nga ủng hộ “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN và coi đây là “một cơ sở để đưa tình hình (Miến Điện) trở lại bình thường”.

Trong khi phương Tây ban hành nhiều biện pháp trừng phạt giới lãnh đạo quân đội Miến Điện, thì Nga, ngoài việc phủ quyết các dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tiếp tục duy trì mối quan hệ với chính quyền quân sự của tướng Min Aung Hlaing. Khả năng Nga can thiệp có thể sẽ tạo một bước chuyển biến mới vì hai lý do chính.

Nga có tiếng nói với tập đoàn quân sự Miến Điện

Thứ nhất, chính quyền Matxcơva có tiếng nói với tập đoàn quân sự Miến Điện, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Quân đội hai nước có mối quan hệ chặt chẽ về cung cấp vũ khí và công tác huấn luyện, cố vấn, thông qua việc cấp học bổng cho hơn 7.000 quân nhân Miến Điện.

Chỉ hai ngày sau khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực đối với thường dân và kêu gọi ngừng xuất khẩu vũ khí cho Miến Điện (18/02), tướng Min Aung Hlaing, dẫn đầu một phái đoàn quân sự, công du Nga trong vòng một tuần, từ ngày 20/06 và tham gia rất nhiều hoạt động : gặp bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigou, thăm trường đào tạo quân sự và trụ sở Hãng xuất khẩu công nghệ quốc phòng Nga Rosoboronexport, họp bàn về hợp tác và đào tạo hàng hải, dự Triển lãm quốc tế về Quốc phòng Hàng hải tại Saint Petersburg (23-27/06)…

Tuy nhiên, trước chuyến thăm chính thức này, một phái đoàn hải quân Nga, gồm 20 người trong đó có nhiều nhà xuất khẩu vũ khí, đã đến Miến Điện từ ngày 13-19/06. Thông tin được giữ bí mật và mới được trang báo độc lập Myanmar Now công bố ngày 06/07 nhờ có được một số tài liệu. Mục đích của chuyến đi không được nêu rõ nhưng hẳn có liên quan đến chuyến thăm Nga của tướng Min Aung Hlang và mộ số hợp đồng quân sự song phương.

Quân đội Miến Điện bị liệt vào danh sách đen của nhiều nước phương Tây, nhưng lại “trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất trong vùng nhờ vào Nga”, theo lời cảm ơn của tướng Min Aung Hlaing trong chuyến công du. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu cũng khẳng định Miến Điện là “một đối tác chiến lược, một đồng minh đáng tin cậy” và hợp tác quân sự là “một yếu tố quan trọng” trong mối quan hệ hai nước.

Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), từ năm 1999 đến 2018, Miến Điện đã mua 1,5 tỉ đô la trang thiết bị quốc phòng của Nga, chiếm 39% tổng số nhập khẩu trong giai đoạn này. Nên có thể thấy không có lý do gì để Matxcơva lại từ bỏ “đồng minh” quan trọng này.

Nga giúp ASEAN giữ thế trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc và Hoa Kỳ từng được ASEAN mời tham gia vào việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ vẫn bị tập đoàn quân sự nghi ngờ thực tâm vì Bắc Kinh vẫn áp dụng chiến lược “cây gây và củ cà rốt” : một mặt ủng hộ về mặt ngoại giao, mặt khác lại cung cấp vũ khí cho các lực lượng thiểu số chống tập đoàn quân sự từ nhiều năm nay. Còn Hoa Kỳ cùng nhiều nước phương Tây tiếp tục gia tăng trừng phạt giới tướng lĩnh.

Ngoài ra, Đông Nam Á và Biển Đông trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng. Vì vậy, khối ASEAN nhận thấy Matxcơva có thể là một đối trọng để cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, theo nhận định với báo Nezavisimaya Gazeta của ông Dmitri Mosyakov, chủ nhiệm khoa Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Dĩ nhiên chính quyền Matxcơva sẽ không để lỡ cơ hội mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là về hợp tác quốc phòng, ở khu vực đóng vai trò quan trọng đối với Nga. Mỹ huy động lực lượng đồng minh và đối tác trong khu vực để đối phó với Trung Quốc nhưng ASEAN muốn tránh chọn phe. Do đó, theo chuyên gia Nga, Matxcơva “có thể hành động theo kiểu trọng tài độc lập ủng hộ tầm nhìn của các nước Đông Nam Á về tương lai của vùng châu Á-Thái Bình Dương”. Và Nga đã tiến bước đầu khi ủng hộ “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN về tiến trình tái lập hòa bình ở Miến Điện.

Theo RFI

Exit mobile version