Nga hạn chế một phần Biển Đen trong 6 tháng

Nga thông báo hạn chế hoạt động di chuyển của tàu quân sự và tàu công vụ nước ngoài ở một số khu vực của Biển Đen tới tháng 10.

“Hoạt động đi qua lãnh hải cảu Liên bang Nga đối với tàu quân sự và tàu công vụ khác của nước ngoài sẽ bị đình chỉ từ 21h ngày 24/4 đến 21h ngày 31/10”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 15/4.

Lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây và bờ biển phía nam của bán đảo Crimea, từ Sevastopol đến Hurzuf, cùng một vùng biển hình chữ nhật ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky. Lệnh hạn chế đi lại của Nga được đề cập đến hồi đầu tuần song chưa bao gồm chi tiết khu vực chịu ảnh hưởng.

Động thái hạn chế đi lại một phần Biển Đen diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moskva và Kiev sau các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và dân quân thân Nga ở vùng Donbas. Nga điều động lượng lớn quân nhân và khí tài đến gần biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đen trong tuần.

Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích lệnh hạn chế đi lại Biển Đen của Nga và gọi đây là hành động “chiếm đoạt các quyền chủ quyền” của nước này. Ukraine tuyên bố theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, “Nga không được cản trở hoặc đình chỉ hoạt động đi qua eo biển quốc tế đến các cảng ở biển Azov”.

Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) mô tả động thái hạn chế đi lại một phần Biển Đen của Nga là “diễn biến rất đáng lo ngại”. “Động thái này mâu thuẫn với các quy định về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, đồng thời làm gia tăng căng thẳng quanh việc điều động quân nhân ở khu vực biên giới Nga – Ukraine”, quan chức này cho biết.

Nga phong tỏa một phần Biển Đen trong 6 tháng

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế đi lại của Nga nằm gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và biển Azov. Tuyến đường biển chạy qua eo biển Kerch mang tính thiết yếu với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.

Cảnh sát biển Nga hồi tháng 11/2018 bắt hai tàu pháo Berdyansk và Nikopol cùng một tàu kéo của hải quân Ukraine tại eo biển Kerch với cáo buộc vi phạm lãnh hải. Các tàu của Ukraine được tự do qua lại eo biển Kerch cho tới khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nga sau đó xây cầu dài 19 km nối liền bán đảo Crimea với lãnh thổ của mình.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)