Nga đưa cả xe tăng cổ ra chiến trường, Ukraine cảnh báo Hungary

Xe tăng T-62 được Liên Xô sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ảnh: Wikimedia
Quân đội Nga được cho là đang đẩy nhanh nỗ lực bao vây 2 thành phố còn lại do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Lugansk, và thậm chí đã đưa những xe tăng ‘đời cổ’ T-62 ra tiền tuyến.

Trong một thông báo được đưa ra hôm nay (27/5), Bộ Quốc phòng Anh, dẫn các thông tin tình báo mới nhất, cho hay các lực lượng trên mặt đất của Nga đang tiếp tục nỗ lực bao vây các thành phố Sievierodonetsk và Lyschansk ở phía đông Ukraine, và gần đây đã kiểm soát được thêm một số ngôi làng ở phía tây bắc thị trấn Popasna.

Theo thông báo, quân Nga đang gây sức ép lên Sievierodonetsk dù các lực lượng Ukraine vẫn giữ quyền kiểm soát nhiều khu vực phòng thủ ở thành phố, nhằm ngăn không cho Nga có thể kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.

Bên cạnh đó, Lực lượng phía Nam (SGF) của Nga có thể vẫn được giao nhiệm vụ kiểm soát các vùng lãnh thổ miền nam Ukraine. Thậm chí trong những ngày gần đây, những chiếc xe tăng T-62 có tuổi đời trên 50 năm đã được lấy từ kho chứa ở Nga để chuyển tới các khu vực mà nhóm này đang tham gia tác chiến.

Xe tăng T-62 được Liên Xô chính thức sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng sau này đã không còn được đưa vào biên chế của cả quân đội Nga và Ukraine. Các tướng lĩnh Nga từng cho biết, những xe tăng T-62 còn lại trong biên chế của quân đội nước này sẽ sớm được thay thế bằng các phiên bản T-14 hoặc T-90 hiện đại hơn.

Là phiên bản cải tiến sâu từ xe tăng chủ lực T-55, xe tăng T-62 có thiết kế “thời thượng” ở thời điểm ra mắt, với trọng tâm thấp, kích thước nhỏ và hỏa lực vượt trội. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn hiện nay, xe tăng T-62 với hệ thống hỏa lực pháo 115mm đã không còn đủ khả năng tác chiến với các loại thiết giáp hiện đại, được trang bị giáp phản ứng nổ hoặc các hệ thống bảo vệ chủ động đang rất phổ biến hiện nay.

Belarus lập thêm bộ chỉ huy quân sự sát biên giới với Ukraine

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/5 đã ra lệnh thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến khu vực miền Nam, với nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới phía nam của nước này giáp với Ukraine.

“Một mặt trận mới đã được mở ra và chúng ta không thể không chú ý tới nó. Ngay cả trước khi Bộ Tư lệnh Tác chiến khu vực miền Nam được chính thức thành lập, chúng ta phải có trách nhiệm củng cố việc phòng thủ khu vực biên giới phía nam một cách nhanh chóng. Nhiệm vụ đó phải được tiến hành ngay hôm nay”, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng Belarus.

Binh sĩ Belarus trong cuộc tập trận chung Zapad-2021 với Nga. Ảnh: AP 

Nhà lãnh đạo 67 tuổi cũng yêu cầu “quân đội, các lực lượng đặc nhiệm và các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn cần phải được luân phiên điều động đến biên giới phía nam để phối hợp phòng ngự với lực lượng biên phòng”.

Cũng trong cuộc họp, Tổng thống Lukashenko đã đề cập đến việc triển khai các tên lửa do Nga sản xuất tại miền nam nước này để củng cố khả năng phòng thủ.

Theo hãng thông tấn Reuters, quyết định trên của nhà lãnh đạo Belarus cho thấy nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa nước này và Ukraine.

Bộ trưởng Ukraine dùng đường ống dầu để gây sức ép với Hungary

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Lana Zerkal hôm 26/5 cảnh báo, nước này có thể dùng đường ống Druzhba để gây áp lực với Hungary, nếu nước này tìm cách cản trở lệnh cấm nhập dầu từ Nga của Liên minh châu Âu EU.

“Ukraine nắm trong tay đòn bẩy gây áp lực mạnh mẽ, đó là đường ống Druzhba”, Bộ trưởng Zerkal tuyên bố, đồng thời cho rằng sẽ rất dễ hiểu nếu “có chuyện gì xảy ra” với nhánh dẫn dầu của đường ống Druzhba tới Hungary, nhưng không nói cụ thể.

“Chính phủ và Tổng thống Ukraine sẽ quyết định xem chúng tôi có thật sự muốn nói chuyện với Tổng thống Hungary Viktor Orban theo cách mà ông ấy có thể hiểu và đang áp đặt với EU hay không”, bà Zerkal nói thêm.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Lana Zerkal. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cũng chỉ trích chính phủ Hungary vì đã ngăn EU thông qua vòng trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập dầu từ Nga. Theo bà, hành động như vậy của Budapest chỉ “nhằm đạt mục đích riêng”, để Hungary giờ đây “có thể yêu cầu bất cứ điều gì” từ EU.

Đường ống dẫn dầu Druzhba, hay còn được gọi là Đường ống Hữu nghị hay Đường ống Comecon, là đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới với chiều dài lên tới 4.000km, trải dài từ phần phía tây của Nga đến các nước Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Áo và Đức. Nhánh phía nam của đường ống Druzhba chạy qua lãnh thổ Ukraine và chuyển dầu đến 2 nước Hungary cùng Slovakia.

Binh sĩ Hàn Quốc tình nguyện sang Ukraine đối diện nguy cơ bị điều tra

Rhee Keun, một binh sĩ tình nguyện người Hàn Quốc tại Ukraine mới hồi hương vào hôm nay (27/5), cho biết anh đang trong quá trình hồi phục các chấn thương và sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bị cảnh sát điều tra, với cáo buộc vi phạm luật cấm đi tới Ukraine của Chính phủ Seoul.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Rhee Keun, hay còn được gọi là Ken Rhee, là một cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hàn Quốc. Anh đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 27/5 (giờ địa phương), sau khoảng 3 tháng chiến đấu tình nguyện ở Ukraine.

Binh sĩ Rhee Keun khi vừa xuống sân bay Incheon ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

“Tôi không hoàn toàn rời khỏi chiến trường mà chỉ trở về để hồi phục các chấn thương. Tôi muốn quay lại vì chiến sự chưa kết thúc. Còn nhiều điều cần phải làm”, Rhee cho biết tại sân bay, và tiết lộ bản thân anh bị chấn thương dây chằng ở cả 2 chân, nhưng vẫn có thể đi lại.

Rhee cũng nói rằng anh được khoảng 10 cảnh sát đứng đợi khi vừa bước xuống máy bay, và được họ yêu cầu cách ly một tuần trước khi được triệu tập để thẩm vấn.

Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cáo buộc Rhee vi phạm lệnh cấm công dân tới Ukraine được chính phủ ban hành từ tháng 2. Những cá nhân vi phạm lệnh cấm này có thể bị phạt tù tới một năm hoặc phạt tiền 10 triệu won (khoảng 8.000 USD).

Việt Anh