Nga, Cuba, Ả Rập Xê-út muốn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, giới hoạt động phản đối

Một tổ chức theo dõi nhân quyền kêu gọi các nước dân chủ ngăn việc bầu chọn Nga, Cuba và Ả Rập Xê-út vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc gồm 47 thành viên, nói rằng thành tích nhân quyền tồi tệ của các nước này khiến họ không đủ điều kiện để tham gia.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ bầu 15 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 10 tới đây.

U.N Watch, một tổ chức độc lập theo dõi Liên hiệp quốc, nói sẽ là một trò hề và một sự xúc phạm nếu cho phép Nga, Cuba và Ả Rập Xê út-3 chế độ áp bức, chuyên chế- tham gia cơ quan này.

Giám đốc điều hành U.N Watch, ông Hillel Neuer, nói các chính phủ từ chối quyền tự do căn bản của công dân không đủ tư cách phán xét thành tích nhân quyền của các nước khác.

“Không ai nói rằng mỗi thành viên của Hội đồng Nhân quyền là hoàn hảo. Rõ ràng cũng không có nước nào là tuyệt hảo. Tuy nhiên chọn một trong những chính phủ tệ nhất thế giới không phải là một chiến lược và hoàn toàn trái ngược với những tiêu chuẩn chính thức được công bố khi thành lập Hội đồng Nhân quyền và tiếp tục chi phối các cuộc bầu chọn.”

Nghị quyết được chấp thuận khi Hội đồng được thành lập vào năm 2006 bắt buộc các nước thành viên phải quảng bá và bảo vệ nhân quyền. Nghị quyết cũng cảnh báo các nước vi phạm nhân quyền rộng rãi có thể bị ngưng tư cách thành viên. Việc này chỉ được áp dụng một lần đối với Libya vào năm 2010 tiếp sau việc đàn áp tàn bạo những người biểu tình của nhà độc tài quá cố Muammar Gadhafi.

Ông Neuer nói với VOA Hội đồng là một cơ quan chính trị và đối với nhiều nước, chính trị thường thắng nhân quyền trở thành nguyên tắc hướng dẫn. Ông nói hơn 50% thành viên Hội đồng không hoàn toàn dân chủ.

“Vì tư cách thành viên của những nước này, một phần lớn những công việc của Hội đồng không bao giờ được thực hiện. Chẳng hạn các nước như Trung Quốc, Cuba, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ bị lên án vi phạm nhân quyền.”

Ông Rupert Colvill, phát ngôn viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nói ứng cử vào Hội đồng không phải là không trả giá. Ông nói với VOA là bất cứ quốc gia thành viên nào với thành tích nhân quyền tồi tệ đều bị xem xét.

“Thực sự là phải trả một cái giá,” ông nói. “Không có nghiã là khi được vào Hội đồng rồi bạn muốn làm gì thì làm. Nếu có chuyện gì bạn sẽ chịu ảnh hưởng ngược lại vì bạn sẽ bị chú ý nhiều hơn…Lối bỏ phiếu và những gì họ nói trong các cuộc tranh luận…vân…vân sẽ là đề tài để xem xét và sẽ là đề tài chỉ trích, nếu họ được bầu như những nước khác.”

Ông Colville nói các thành viên Hội đồng phải tuân thủ những tiêu chuẩn nhân quyền của Đại Hội đồng. Ông nói có những ví dụ trong quá khứ là một số nước rút việc ứng cử vào Hội đồng sau khi nhận được nhiều chỉ trích.

Ông nói tiến trình còn dài trước khi bỏ phiếu và bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra trước đó.

Theo VOA