Nga – Belarus: Vladimir Putin tính toán những gì về số phận Loukachenko ?

Alexandre Loukachenko trao số phận mình cho Matxcơva. Trước các làn sóng phản kháng không ngừng gia tăng từ sau cuộc bầu cử đầu tháng 8/2020 tổng thống Belarus đến Sotchi tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/09/2020. Điện Kremlin sẵn sàng can thiệp đến mức độ nào để bảo vệ quyền lợi và ảnh hưởng của Nga tại Belarus ?

Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi với tổng thống Nga trước ống kính truyền thông quốc tế, Alexandre Loukachenko đã sáu lần cảm ơn Matxcơva và nhấn mạnh « trong cơn hoạn nạn mới biết rõ ai là bạn mình » và ông ca ngợi nước Nga là « người anh lớn » của Belarus. Hơn một tháng trước đó, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống 09/08/2020 cũng chính tổng thống Loukachenko, sau 26 năm cầm quyền, từng đích danh gọi nước Nga là « kẻ thủ số 1 » của Minsk và đã ra lệnh bắt khoảng 30 lính đánh thuê của một tổ chức tư nhân thân Nga với lý do những người này « làm khuynh đảo » Belarus. Thêm vào đó ai cũng biết là quan hệ cá nhân giữa hai ông Putin và Loukachenko rất « tồi tệ », « đôi bên không mấy tin tưởng lẫn nhau ».

Tuy nhiên điều không thể chối cãi đó là Nga luôn xem Belarus thuộc vùng ảnh hưởng của mình vậy Matxcơva sẽ can thiệp đến mức độ nào, dưới những hình thức nào và đã tính toán những gì về số phận của tổng thống Alexandre Loukachenko ?

Trả lời đài RFI, Françoise Daucé, giám đốc nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Chính Trị EHESS của Pháp, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu CEREC về Nga vùng Kavkaz và Trung Âu nhắc lại mối liên hệ mật thiết giữa Belarus và Nga « cả về lịch sử, kinh tế lẫn văn hóa. Tuy nhiên từ năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ Belarus tách rời khỏi mái nhà chung dưới trướng của Matxcơva. Trong những năm đầu sau khi giành lại được độc lập, tinh thần dân tộc chủ nghĩa Belarus dâng cao, Minsk khẳng định bản sắc Belarus. Nhưng khi ông Loukachenko lên cầm quyền năm 1994 màu sắc Belarus và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đó đã phần nào chìm xuống và được thay thế bằng nguyện vọng của tân lãnh đạo Belarus muốn xích lại gần nước Nga ».

Dù vậy bang giao song phương không phải lúc nào cũng được thuận thảo. Florent Parmentier thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị trường Khoa Học Chính Trị Paris giải thích về mối bang giao phức tạp giữa Belarus với nước Nga sát cạnh.

Có 5 quốc gia bao quanh Belarus, là Nga, Ukraina, Ba Lan và hai nước Baltic là Latvia và Litva, do vậy « mỗi nước láng giềng có một cái nhìn khác nhau về Belarus. Hai nước Baltic thì muốn Minks đi theo con đường dân chủ và tự do thoát khỏi ảnh hưởng của Nga như chính Riga và Vilnius đã làm. Riêng nước Nga đã đi xa hơn cả : ngay từ 1994 Matxcơva đã có hẳn một kế hoạch đối với Belarus để giữ Minsk trong vòng kềm tỏa của Nga. Thế nhưng tổng thống Loukachenko có thái độ mập mờ, một mặt muốn dựa vào Matxcơva nhưng mặt khác Loukachenko thừa biết rằng hội nhập hoàn toàn vào nước Nga sẽ biến Belarus thành một tỉnh của nước láng giềng to lớn này và như vậy ông ta không hơn không kém là một ông tỉnh trưởng mà đó là điều Alexandra Loukachenko không mong muốn ».

Thế còn nhìn từ phía Matxcơva, tổng thống Vladimir Putin luôn xem các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô là « những vùng đặc quyền » của Nga và quan điểm này theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulègue thuộc  Viện Nghiên Cứu Hoàng Gia Anh, Chatham House tại Luân Đôn, đã ít nhiều được phương Tây chấp nhận trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Matxcơva.

Với Belarus, Nga đã tận dụng các kênh, từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị, văn hóa và kể cả quân sự để duy trì và mở rộng thêm ảnh hưởng của Matxcơva tại quốc gia nhỏ bé này. Hiển nhiên là Nga lợi dụng thời điểm hiện tại để đòi Belarus nhượng bộ trên nhiều điểm « với một mục tiêu duy nhất và xuyên suốt từ trước tới nay đó là bảo đảm một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Nga ».

Do vậy theo Mathieu Boulègue Vladimir Putin đương nhiên đã đòi Alexandre Loukachenko nhượng bộ trên « một số điểm then chốt » và điện Kremlin biết « là có thể tận dụng tất cả các kênh từ tài chính đến chính trị và cả quân sự » để kiểm soát Belarus. Chuyên gia Pháp so sánh : trong nhãn quan của tổng thống Vladimir Putin có một khác biệt lớn giữa phong trào xuống đường tại Belarus lần này với cuộc cách mạng Maidan ở Ukraina hồi 2014 đó là người biểu tình ở Belarus không bài Nga mà chỉ đòi « một Nhà nước pháp quyền ». Tổng thống Putin dường như đã nghe thấy thông điệp này khi mà bộ Ngoại Giao Nga liên tục kêu gọi Minsk « cải tổ Hiến Pháp ».

Nga có thể can thiệp dưới hình thức nào tại Belarus ? Mathieu Boulègue giải thích, trên thực tế Nga đã hiện diện tại Belarus từ trước tới nay. Minsk lệ thuộc vào năng lượng của Nga. Các tập đoàn công nghệ vũ khí của Belarus cũng ít nhiều trong tầm kiểm soát của Nga. Đó là chưa kể có từ « 60 đến 70 % các chương trình được phát trên các kênh truyền hình tại Belarus là do Nga cung cấp, văn hóa Nga ăn sâu vào đời sống của người dân Belarus ».

Nói cách khác Matxcơva biết chắc là công luận Belarus không thù ghét gì nước Nga. Điều quan trọng giờ đây đối với Kremlin là bảo đảm « tiến trình chuyển giao quyền lực được diễn ra êm thắm để bảo đảm ổn định cho giai đoạn tiếp theo và nhất là làm thế nào để những quyền lợi của nước Nga vẫn được bảo toàn ». Vladimir Putin biết rằng quyền lực ở Minsk không mãi mãi trong tay Loukachenko và « rất có thể là đối lập Belarus sẽ lên nắm quyền. Nhưng lợi thế của Nga ở đây là : khác với trường hợp của Ukraina, dân Belarus không xuống đường để chống nước Nga hay để đòi ngả theo Liên Hiệp Châu Âu. Đòi hỏi một Nhà nước pháp quyền của đối lập Belarus không là một trở ngại đối với Matxcơva bởi trong mọi trường hợp, Nga đang nắm giữ tất cả các chìa khóa ».

Nhà nghiên cứu Florent Parmentier thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị trường Khoa Học Chính Trị Paris cũng cho rằng trong mắt Vladimir Putin, quyền lực tại Minks thuộc về tổng thống Loukachenko hay không, điều đó không quan trọng. Kế hoạch của Matxcơva về Belarus bao gồm 2 giai đoạn : « thời kỳ Loukachenko và hậu  Loukachenko ». Chuyên gia Pháp giải thích. Chủ trương của Kremlin là mặc cả với tổng thống Belarus để « mua được với giá rẻ hay chen chân vào những tập đoàn sáng giá của Belarus mà từ trước đến nay Nga vẫn luôn nhòm ngó đến » đồng thời Vladimir Putin « gài người của mình vào các mạng lưới ở Belarus để duy trì ảnh hưởng của Nga, qua đó, đi thêm những nước cờ tiếp theo ». Theo ông Parmentier sự tồn tại của chính quyền Alexandre Loukachenko đang ở trong tay Vladimir Putin.

Theo RFI