Nếu quan chức rơi xuống ống bê tông thì sao?

Ý kiến nêu giả định rằng, nếu người lọt ống bê tông không phải là đứa bé mà là một quan chức cấp cao thì sao? Chắc chắn ban cứu hộ khẩn cấp sẽ được thành lập, về thậm chí sẽ có những chuyên gia ở Thái Lan chẳng hạn, sẽ được mời đến để phác thảo một kế hoạch cứu hộ.

Văn hóa biểu hiện của dân Việt trong câu chuyện bé trai 10 tuổi mắc nạn, có những điều không khỏi làm đau đớn hơn cả cái chết.

Loại ngôn luận bảo vệ “lý do hiển nhiên”, thì mắng cha mẹ đứa nhỏ, thậm chí mắng cả đứa nhỏ với sai lầm của mình thì tự chịu, thậm chí sai lầm gây ra tai họa cho người khác. Loại lý lẽ khôn ngoan và hiển nhiên như sói lang đó, hoàn toàn cố ý không biết thực tế về các quy chuẩn an toàn xây dựng là gì, và cũng không cần biết những đứa trẻ nghèo lang thang vào đó để thu lượm sắt vụn, kiếm tiền trang trải việc học là những câu chuyện hoàn toàn hiển nhiên là đủ lý do của một đất nước đang vòi tiền từng đứa trẻ trong việc được giáo dục.

Việc nhà nước đem hàng trăm người đến hiện trường như một cuộc phô diễn tinh thần đạo đức, mà thiếu một nhóm thảo luận kế hoạch giải cứu khoa học chuyên nghiệp ngay từ đầu, phải mất gần 40 tiếng đồng hồ mới hốt hoảng khẩn báo lên cấp trên, kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ thì quá khó hiểu.

Vụ giải cứu bé trai cho thấy sự vô trách nhiệm của quan chức khi xảy ra sự cố

Phải gần ba ngày, phía công bình mới được lệnh tham gia. Nhưng chức năng của công binh cũng không phải là lực lượng cứu hộ. Phía công binh đã từng thất bại vì thiếu thốn các khí cụ cứu hộ trong vụ tìm kiếm 12 thi thể binh lính bị sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3. Có tất cả bảy cuộc tìm kiếm kéo dài từ năm 2020 đến năm 2021 vẫn không tìm được.

Ngôn luận dễ thấy khác, là những lời khiêu khích những người quan tâm đến sự kiện, mắng mỏ họ là “anh hùng bàn phím”, hoặc nhận định đây là một sự kiện đặc biệt khó, hoàn toàn không đơn giản, thậm chí các nhóm cứu hộ của thế giới cũng khó mà có thể cứu được.

Khó, là bởi Việt Nam không coi trọng các sự kiện cứu hộ khác trên thế giới đã trải qua. Kiến thức khoa học về cứu hộ chủ yếu của Việt Nam hàng năm chỉ là các đợt đất nước bị bão lụt, ngoài ra không có những sự kiện đáng quan tâm khác để nỗ lực và duy trì một lực lượng chuyên nghiệp, luôn nâng cấp như vậy.

Khó và tận lực từ đầu với mọi sự tiên liệu và chuẩn bị, khác với cái khó của sự bất lực và thiếu khả năng huấn bị.

Vài ngày trôi qua, mà người ta không thấy chuyên gia y tế nào phỏng đoán về tình trạng thương tật, duy trì sự sống của đứa bé ở môi trường như vậy. Cũng không thấy các cơ quan gọi là cứu hộ có đủ các thiết bị như camera thăm dò ở độ sâu, máy đo thân nhiệt, hay tối thiểu là một ban tâm lý có kết nối truyền thanh để cha mẹ hay nhân viên tâm lý duy trì trò chuyện và giữ tinh thần cho đứa trẻ… rất nhiều thứ không có.

Đây quả là một ca khó, không dễ như những lời bàn. Nhưng khó, là bởi chương trình cứu nạn quốc gia có vẻ hoàn toàn bất ngờ vì chạm vào một vấn đề chưa được cập nhật, và chuẩn bị các phương tiện cứu hộ tiên tiến của thế giới.

Hãy tưởng tượng, người lọt ống không phải là đứa bé mà là một quan chức cấp cao thì sao? Chắc chắn ban cứu hộ khẩn cấp sẽ được thành lập, về thậm chí sẽ có những chuyên gia ở Thái Lan chẳng hạn, sẽ được mời đến để phác thảo một kế hoạch cứu hộ.

Ngôn luận tệ hơn, là từ báo chí, trong những ngày này đã bắt đầu đăng những câu chuyện về việc cứu hộ cả trăm giờ ở nước ngoài, như một cách để xoa dịu dư luận. Báo chí như được chuẩn bị những bài viết về sự thương tiếc, nếu điều xấu đến nhất sẽ phải đến, và ca ngợi nỗ lực và tấm lòng những người cứu hộ.

Cầu cho con bình an, với những điều tệ và không may như vậy.

Tuấn Khanh