Nên xúc tiến hay dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khi dịch COVID-19 lại bùng phát?

Sau phiên họp Chính phủ vào sáng ngày 3 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quyết định kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT).

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã chốt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo 2 đợt trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo Bộ GD-ĐT, thành phố Đà Nẵng và các địa phương ở tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi đợt 2 vào thời điểm thích hợp do địa phương đề xuất sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Còn các tỉnh thành khác sẽ vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày là ngày 9/8/2020 và 10/08/2020.

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3 tháng 8 năm 2020 liên quan vấn đề này, nói:

Trời ơi, nếu người ta biết thương yêu học sinh thì phải hoãn lại chứ, học sinh mà ngồi thi thì dễ lây bệnh lắm.
-Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai

“Trời ơi, nếu người ta biết thương yêu học sinh thì phải hoãn lại chứ, học sinh mà ngồi thi thì dễ lây bệnh lắm. Ở Việt Nam như vậy là tầm bậy, theo Chị nên tổ chức thi online rất là dễ. Ở Việt Nam thì hầu như bây giờ nhà nào cũng có internet, trừ một số nhà ở vùng nông thôn quá nghèo thì người ta không xài thôi. Chứ học trò của Chị thì hầu hết các em có internet, các em đều biết dùng facebook, online… Ở Việt Nam bây giờ công nghệ thông tin cũng đỡ lắm, phải tổ chức thi online, chứ không nên tập trung lại thì chắc chắn sẽ lây lan bệnh,lây lan khủng khiếp luôn đó.”

The Cô Mai, tổ chức thi 1 lần hay 2 lần thì khả năng lây nhiễm cũng rất cao, vì ở Đà Nẵng hiện nhiều người nhiễm virus COVID-19 chủng mới, khó kiểm soát việc lây lan sang các địa phương khác. Cô nói tiếp:

“Tổ chức thi như vậy là không tốt, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh, vì các em học sinh năng động lắm, dễ lây hơn người lớn. Mà thi như vậy là cả buổi, mỗi một môn thi ít nhất là cả tiếng đồng hồ, chứ đâu có nhắn được, các em ngồi với nhau một chút là đã lây bệnh, nói chi ngồi cả tiếng làm bài thi. Thi một lần hay hai lần cũng vậy thôi, chỉ có là nên tổ chức thi online. Ở Việt Nam làm được, Chị đã từng học anh văn online giống như bên Mỹ. Họ tổ chức cho mọi người học và thi anh văn online được, sao không tổ chức cho học sinh thi online?”

Tuy nhiên, Bác sĩ Đinh Đức Long, cũng là một phụ huynh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3 tháng 8 năm 2020 liên quan vấn đề này cho rằng, không thể vì một vài vùng bùng phát dịch COVID-19, mà đảo lộn hết mọi kế hoạch tổ chức thi trước đó, vì theo ông, số tỉnh chưa bị dịch vẫn ít hơn số đã bị dịch. Ông nói tiếp:

“Tình hình cả nước không phải chỗ nào cũng có dịch, có chỗ có chỗ không… Theo tôi biết thì họ chia làm nhiều phương án, chỗ nào không có dịch thì vẫn thi bình thường, chỗ nào có dịch thì người ta phân vùng, phân loại ra. Cháu nào đang điều trị thì có thể thi sau, khu vực nào không bị thì người ta có thể tiến hành bình thường. Dịch thì dịch chung, mà hiện nay trong 63 tỉnh thành chỉ có Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một số tỉnh, chứ nhiều vùng phẫn chưa phát hiện dịch, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Tôi nghĩ cái gì bình thường thì người ta vẫn làm bình thường, không thể vì một vài vùng mà đảo lộn hết được, vì số tỉnh bị dịch vẫn ít hơn số chưa bị dịch.”

Ảnh minh họa: Học sinh trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020.

Ảnh minh họa: Học sinh trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020. AFP

Cũng tại cuộc họp Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố xây dựng phương án cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19, với đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc và hiệu quả.

Tuy nhiên trước đó, nhiều chuyên gia khi trả lời báo chí trong nước đã công khai yêu cầu hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với lý do thứ nhất là ưu tiên mọi nguồn lực chống dịch COVID-19 nhằm nhanh chóng phát hiện, điều trị, khoanh vùng, dập dịch với thời gian ngắn nhất. Thứ hai dịch đang diễn biến khó lường, không loại trừ có thêm tỉnh, thành phố hoặc một số khu dân cư trực thuộc phải cách ly xã hội…

Thứ ba, việc tổ chức thi nhiều lần, hay tổ chức cho các em đang cách ly thi riêng, phải cả một bộ máy kéo theo: coi thi, giám sát, thanh tra, bảo vệ, phục vụ – rất cồng kềnh. Sau khi thi, bộ máy này lại phải cách ly 14 ngày. Chưa kể tâm trạng lo lắng trong học sinh, giáo viên, phụ huynh khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, mà vẫn phải sang địa phương khác coi thi…

Tôi nghĩ cái gì bình thường thì người ta vẫn làm bình thường, không thể vì một vài vùng mà đảo lộn hết được, vì số tỉnh bị dịch vẫn ít hơn số chưa bị dịch.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Trước những ý kiến phản ánh về việc phân loại thí sinh thi nhiều đợt, Bộ GDĐT cho biết, thí sinh thuộc diện nghi nhiễm F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với các thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đối với các thí sinh dự thi sau ngày 10-8 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT sẽ giao các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ của trường đại học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại, khi các trường đại học tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên từ đợt 1, thì thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ không biết sẽ học trường nào, khi Bộ GDĐT giao các trường đại học tự chủ trong việc này?

Lo ngại này cũng không phải là không có cơ sở, khi hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, Giáo sư Hà Thanh Toàn cho báo chí trong nước biết trường vẫn chỉ theo phương án tuyển sinh dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu đợt 1 tuyển đủ sinh viên, trường sẽ không lấy đợt 2 nữa.

Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì cho biết sẽ chờ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, mới tuyển sinh, dù năm nay có thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt, và không biết khi nào Bộ GDĐT sẽ tổ chức thi đợt 2?

Từ Hà Nội hôm 3 tháng 8 năm 2020, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên cấp THPT, nhận định với Đài Á Châu Tự Do:

“Theo tôi vấn đề này có hai mặt, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp thì đề cũng đã chuyển về cho địa phương, nhân sự cũng đã chuẩn bị xong nên hủy bỏ cũng rất là khó. Thứ hai, dịch bệnh đúng là đang phức tạp nhưng cũng chỉ ở vài địa phương, như Hà Nội thì hai ba hôm nay không có ca nhiễm thêm, các trường hợp từ Đà Nẵng về thì đã được cách ly. Tôi nghĩ giải pháp của Bộ tổ chức thi làm 2 đợt cũng chấp nhận được. Nếu Bộ quyết định thi thì những trường hợp đang cách ly cũng nên vẫn tiếp tục cách ly khi thi, như bố trí ngồi riêng, đeo khẩu trang… nhưng chắc chắn tâm lý các em cũng sẽ bị ảnh hưởng.”

Tuy nhiên theo thầy Khoa, kỳ thi tốt nghiệp năm tới, dù không bỏ hẳn nhưng nên chuyển đổi hình thức, ví dụ như Bộ GDĐT giao đề rồi trường tự tổ chức thi như thi học kỳ, xét tốt nghiệp, như vậy nhẹ nhàng cho học sinh. Chứ không cần tổ chức rầm rộ tốn kém, điều động giáo viên từ vùng nọ đến vùng kia… Theo thầy Khoa, đấy là cách làm tốt nhất trong tình hình hiện nay.

Theo RFA