NATO nắm quyền chỉ huy hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ sau Chiến Tranh Lạnh

NATO đã nắm quyền chỉ huy một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong tuần này như một phần của một cuộc tập trận quân sự được lên kế hoạch trước – lần đầu tiên kể từ Chiến Tranh Lạnh.

Hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman (CVN 75) theo sau tàu USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69) khi quá cảnh Biển Ả Rập hôm 18/03/2020. Ike được điều động đến khu vực tác chiến của Hạm đội 5 Hoa Kỳ để hỗ trợ các hoạt động hải quân bảo đảm ổn định và an ninh hàng hải ở khu vực miền Trung, kết nối Địa Trung Hải và Thái Bình Dương qua Tây Ấn Độ Dương và ba điểm nghẽn chiến lược. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Phi hành đoàn Thiết bị Sinh tồn Hạng nhất Brandon C. Cole/Đã phát hành)
Nghe đọc bài

NATO cho biết trong một tuyên bố hôm 24/01: “Các tàu đồng minh từ Bộ Chỉ huy Lực lượng Tấn công và Hỗ trợ Hải quân NATO và Hạm đội 6 của Hoa Kỳ đã bắt đầu một loạt hoạt động tuần tra trên Biển Địa Trung Hải, trong khuôn khổ ‘Neptune Strike 2022’”. Neptune Strike là một nỗ lực được lên kế hoạch từ lâu. Hoạt động này sẽ được thực hiện cho đến ngày 04/02/2022, và có sự tham gia của hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman Carrier, cùng nhóm tấn công hàng không mẫu hạm và không đoàn của nhóm này.”

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby thông báo, nhóm tấn công hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman đã tiến vào Biển Địa Trung Hải hôm 21/01 trong bối cảnh căng thẳng với Nga dọc biên giới Ukraine gia tăng.

Ông nói rằng nhóm tấn công này “sẽ tham gia vào các cuộc diễn tập phối hợp trên biển, huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm, và huấn luyện tấn công tầm xa”, đồng thời miêu tả cuộc tập trận này như một thứ gì đó đã được “lên kế hoạch từ lâu” và không phải là phản ứng đối với việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine.

Tàu Harry Truman được tuần dương hạm Mỹ San Jacinto và các khu trục hạm Bainbridge, Cole, Gravely, và Jason Dunham hộ tống.

“Chúng tôi liên tục xem xét các cuộc tập trận và huấn luyện và tự hỏi bản thân… liệu chúng ta có thực sự cần làm điều đó ngay bây giờ không? Chúng ta có nên tăng tốc độ không? Chúng ta có nên rút ngắn thời gian không?” ông Kirby cũng cho biết hôm thứ Sáu. “Hiện đã có sự cân nhắc thích đáng về những căng thẳng đối với tình hình cuộc tập trận của chúng ta và sau tất cả những cân nhắc và thảo luận với các đồng minh NATO của chúng tôi, quyết định đã được đưa ra để tiếp tục hoạt động này.”

Hôm thứ Hai (24/01), Ngũ Giác Đài thông báo họ sẽ đặt khoảng 8,500 binh sĩ trong tình trạng báo động, những người cũng sẽ sẵn sàng được điều động trong trường hợp cuộc khủng hoảng này leo thang. Các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga âm mưu một cuộc tấn công mới vào Ukraine, quốc gia mà nước này từng xâm lược vào năm 2014.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ mọi kế hoạch như vậy và cho biết họ sẽ thực hiện các hành động quân sự không xác định trừ khi NATO và Ukraine đáp ứng các yêu cầu của mình, bao gồm cả việc NATO hứa sẽ không bao giờ nhận Ukraine vào liên minh.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Ukraine hôm thứ Ba đã tìm cách trấn an quốc gia Đông Âu này rằng Nga không có kế hoạch xâm lược nước này trong tương lai gần.

Sự việc này diễn ra hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao ra lệnh cho gia đình của tất cả nhân viên Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kyiv phải rời khỏi đất nước này, nói rằng nhân viên đại sứ quán không thiết yếu có thể rời đi. Anh Quốc cũng cho biết họ cũng đang rút một số nhà ngoại giao và những người phụ thuộc khỏi đại sứ quán của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng “tính đến hôm nay, không có cơ sở để tin rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược tức thời. “Đừng lo lắng, hãy ngủ ngon giấc,” ông Reznikov nói. “Không cần phải đóng gói hành lý của quý vị.”

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch