NATO cân nhắc hiện diện ‘lâu dài hơn’ ở Đông Âu

Hôm 08/02, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ xem xét sự hiện diện quân sự lâu dài hơn ở các nước Đông Âu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, khi các lực lượng của liên minh này tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực này.

Các nhóm chiến đấu của NATO đến từ Estonia và Anh Quốc trong cuộc huấn luyện quân sự tại Khu vực Huấn luyện Trung tâm ở Lasna, Estonia, hôm 08/02/2022. (Ảnh: Paulius Peleckis/Getty Images)
Nghe đọc bài

“Chúng tôi đang xem xét những điều chỉnh lâu dài hơn đối với tư thế của chúng tôi, [và] sự hiện diện của chúng tôi ở phần phía đông của liên minh này. Chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về điều đó, nhưng có một quá trình đang diễn ra trong NATO,” ông nói với các phóng viên tại Brussels trong tuần này.

Các quan chức nói với Sky News rằng các lực lượng của Anh Quốc đã tham gia cuộc tập trận của NATO tại Estonia — một quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ có chung biên giới với Nga — cùng các binh sĩ của Estonia.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến sẽ thảo luận về quân tiếp viện trong cuộc họp tiếp theo vào tuần tới. Các chính phủ phương Tây đã thúc giục Moscow rút quân khỏi biên giới của Ukraine, đặc biệt nếu Nga muốn thấy ít hoạt động khai triển hơn ở các quốc gia đồng minh NATO tại vùng phía đông.

“Nếu Nga thực sự muốn NATO ít áp sát biên giới hơn, thì họ nên làm điều ngược lại,” ông Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, khi đề cập đến phản ứng của NATO trong việc khai triển các nhóm tác chiến trên lãnh thổ phía đông của mình sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Tình hình ở Đông Âu là “tình hình khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ năm 1989,” Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trong một hội nghị vào tuần này (07/02-13/02).

Ngoài quân đội Hoa Kỳ đã có mặt tại Ba Lan, trong tuần này còn có khoảng 1,700 quân nhân Hoa Kỳ, chủ yếu từ Sư đoàn Dù 82, đang khai triển đến nước này từ Fort Bragg, North Carolina.

Một binh sĩ mang súng máy của mình vào nơi trú ẩn trong lãnh thổ do các chiến binh thân Nga kiểm soát ở vùng chiến tuyến với quân chính phủ Ukraine ở Slavyanoserbsk, vùng Luhansk, miền đông Ukraine, hôm 25/01/2022 (Ảnh: Alexei Alexandrov/AP Photo)
Cậu bé Yuri, 12 tuổi, tập luyện với các thành viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, các đơn vị quân tình nguyện của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gần Kyiv, Ukraine, hôm 05/02/2022. (Ảnh: Efrem Lukatsky/AP Photo)

Ông Stoltenberg đã ca ngợi đợt khai triển mới này của Hoa Kỳ là “một minh chứng hùng hồn cho cam kết của Hoa Kỳ đối với liên minh của chúng ta.”

Ông nói rằng: “Các đồng minh khác cũng đang góp thêm lực lượng cho NATO trên bộ, trên không, và trên biển. Anh Quốc cũng đã điều thêm vài trăm quân tới Ba Lan.”

Theo ông Kusti Salm, thư ký thường trực Bộ Quốc phòng của Estonia, hiện có khoảng 15,000 binh sĩ Nga đang đóng quân tại Belarus, nằm ở phía bắc Ukraine và phía đông Ba Lan. Ông Salm nói với Sky News rằng con số này có thể sẽ tăng gấp hai lần, và có khả năng mang lại một “sự thay đổi đáng kể” trong chiến thuật của NATO.

Hôm 08/02, Nga đã điều chiến hạm tới vùng Biển Đen, ngay cả khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin để đối thoại. Hôm đó, ông Macron cũng có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

“Không có ai là ngây thơ hết,” ông Macron nói trong một cuộc họp báo cùng với ông Zelensky. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này chỉ trong một vài giờ thảo luận.” Nhưng lãnh đạo Pháp cho biết hiện đã có “các giải pháp cụ thể, thiết thực sẽ cho phép chúng tôi tiến lên,” mặc dù ông không cung cấp chi tiết nào.

Đầu tuần này, có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể giảm leo thang xung đột sau cuộc gặp mặt của ông Macron, nhưng Điện Kremlin hôm 08/02 đã bác bỏ suy đoán đó.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov sẽ không xác nhận liệu có bất kỳ bước hữu hình nào để làm giảm leo thang xung đột hay không. Mặc dù Nga đã phủ nhận việc họ muốn xâm lược Ukraine, nhưng họ cũng yêu cầu NATO không được cho phép Ukraine gia nhập, một yêu cầu mà các quan chức phương Tây mô tả là không thể thương lượng.

Hôm 08/02, ông Peskov nói với các phóng viên: “Tôi không thể bình luận về nó, tôi không hiểu các đồng nghiệp Pháp đang nói về điều gì.”

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

Theo Epoch Times