NASA sắp tung ‘quái vật’ lên bầu trời: Sở hữu sức mạnh lớn nhất mọi thời đại, giữ vững ngôi vị ‘đế vương Mỹ’?

Nghe đọc bài

Lịch sử sẽ thiết lập ngày 17/1/2021

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo họ sẽ kích hoạch tên lửa mạnh nhất trong lịch sử chế tạo của NASA – có tên Hệ thống Phóng Không gian (SLS), dự kiến vào ngày 17/1 tới đây.

Đây sẽ là vụ phóng đầu tiên của Hệ thống Phóng Không gian (SLS), tàu tên lửa được chờ đợi (và bị trì hoãn) từ lâu mà NASA có kế hoạch sử dụng cho các chuyến bay phi thương mại của con người trong tương lai.

SLS là “trái tim” của Chương trình Artemis – chương trình thám hiểm Mặt Trăng thời đại mới của NASA (kế tiếp sau thành công vang dội của Chương trình Apollo thế kỷ 20, đưa Neil Armstrong và đồng đội đặt bước thành công lên bề mặt Mặt Trăng năm 1969 trên chuyến du hành mang tên Apollo 11). Theo kế hoạch, SLS là hệ thống tên lửa đẩy đưa tàu vũ trụ Orion của NASA mang theo 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) dự kiến đổ bộ Mặt Trăng năm 2024.

Nếu chiến tích này được thiết lập, Mỹ tiếp tục giữ vững ngôi vị ‘đế vương’ trong việc đưa người đổ bộ bề mặt Mặt Trăng mà chưa có bất cứ quốc gia nào làm được từ năm 1969 cho đến nay.

NASA cho biết, trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên này, chỉ có động cơ nhiên liệu lỏng ở lõi tên lửa mới được thử nghiệm. Do đó, khi thử nghiệm lõi SLS, nó sẽ trở thành tên lửa mạnh nhất từng được kích hoạt trên Trái Đất. Hệ thống tên lửa đẩy đang giữ kỷ lục mạnh nhất hành tinh cũng do NASA chế tạo – tên là Saturn V.

Cao 98 mét, SLS thấp hơn một cái đầu so với tên lửa Saturn V cao 110m – từng chở các phi hành gia NASA lên Mặt Trăng trong những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, động cơ và sức mạnh của SLS mới khiến nó trở thành “quái vật” theo như LiveScience miêu tả.

Khi hoàn thành, nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, hệ thống tên lửa đẩy SLS sẽ có khả năng mang hơn 27 tấn lên Mặt Trăng – nhiều hơn nhiều so với 24 tấn mà Tàu con thoi của NASA đưa vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp – về mặt kỹ thuật, khả năng chuyên chở của SLS ít hơn Saturn V.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Space.com, việc đó giúp SLS tập trung cho các giai đoạn tên lửa và nhiên liệu khác nhau, điều này đổi lại lại khiến SLS trở thành một “người vận chuyển” hàng hóa và con người tổng thể tốt hơn.

Chuyến phóng thử vào ngày 17/1 này của SLS sẽ hoàn thành chương trình thử nghiệm 8 giai đoạn của NASA.

Phần thứ bảy, được hoàn thành thành công vào ngày 20/12/2020, cho thấy tên lửa có thể được nạp 700.000 gallon (265.000 lít) nhiên liệu lỏng siêu lạnh và sau đó lấy nhiên liệu đó ra mà không xảy ra sự cố.

Julie Bassler, chuyên gia NASA làm việc cho dự án SLS cho biết: “Trong quá trình thử nghiệm SLS ở từng giai đoạn, các bộ phận và giai đoạn đều hoạt động trơn tru, không có rò rỉ nguyên liệu hay rắc rối kỹ thuật nào. Dữ liệu từ tất cả các thử nghiệm cho đến nay đã củng cố cho chúng tôi sự tự tin về lần thử nghiệm thứ 8 cuối cùng này của SLS”.

Cuộc tẩu thoát vĩ đại

Để đến được Mặt Trăng, đòi hỏi một hệ thống tên lửa đẩy mạnh mẽ để tăng tốc tàu vũ trụ đủ nhanh, vượt qua được lực hút Trái Đất và đưa nó tiến thẳng chính xác đến quỹ đạo của Mặt Trăng.

Khi tên lửa không gian sâu của NASA, Hệ thống Phóng Không gian (SLS), cất cánh trong chuyến bay đầu tiên của nó, diễn ra vào giai đoạn Artemis I, SLS sẽ tạo ra lực đẩy tối đa 8,8 triệu pound, có sức mạnh lớn hơn bất kỳ tên lửa nào từng có trên Trái Đất.

Giống như nhiều loại tên lửa, động cơ đẩy của tên lửa được phân phối theo từng giai đoạn:

Khi cất cánh, tầng lõi SLS và hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn hoạt động để đẩy tên lửa nặng 5,75 triệu pound ra khỏi bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida và đưa nó vào quỹ đạo, mang theo một tàu vũ trụ có tên Orion.

Để làm được điều này, chỉ trong 8 phút, bốn động cơ RS-25 của SLS đốt cháy 735.000 gallon nhiên liệu lỏng để tạo ra lực đẩy 2 triệu pound và tên lửa đẩy đôi đốt cháy hơn hai triệu pound nhiên liệu rắn để tạo ra hơn 7 triệu pound lực đẩy.

Trong quá trình bay lên, các kỹ sư tên lửa thường nói rằng tên lửa đang lên dốc, một cách ví von giai đoạn phóng này giống như việc mang một vật nặng khổng lồ lên một ngọn núi với trọng lực của Trái Đất hút vạn vật xuống đất.

SLS sử dụng sức mạnh của mình để tối đa hóa hàng hóa mà tên lửa có thể gửi lên Mặt Trăng. Đó là lý do tại sao SLS không mang thêm nhiên liệu hoặc hệ thống đẩy cần thiết để đưa bất kỳ giai đoạn nào trở về Trái Đất để tái sử dụng.

Sau khi SLS mất đi trọng lượng của hệ thống đẩy và nhiên liệu ở giai đoạn đầu, vẫn cần thêm năng lượng để đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng. Tại thời điểm này, phần trên của tên lửa và Orion ở 100 dặm phía trên Trái Đất, với tốc độ hơn 17.500 dặm một giờ, và bắt đầu một quỹ đạo tròn xung quanh Trái Đất. Đây là quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, thường được gọi là LEO.

Về cơ bản, SLS có thể đưa hơn 95 tấn lên quỹ đạo tầm thấp này với cấu hình Block I. Tuy nhiên, một nhiệm vụ không gian sâu (lên Mặt Trăng) đòi hỏi một tên lửa đẩy phải vượt xa LEO với đủ sức mạnh và tốc độ để vượt qua lực hút của Trái Đất; cũng như phải mang tàu vũ trụ đi xa hơn nữa để đến được Mặt Trăng. Do đó, nó phải giảm tải lượng hàng hóa lại, nhường trọng lượng cho nhiên liệu và sức mạnh để tăng tốc.

Trong nhiệm vụ thứ hai mang theo Orion và các phi hành gia – Artemis II , SLS sẽ mang tàu vũ trụ Orion và phi hành đoàn của nó xa hơn so với những phi hành gia NASA làm trước đó hồi thế kỷ 20.

Giống như giai đoạn bay Artemis I, chuyến bay thứ hai sẽ sử dụng phiên bản Block I của SLS. Trong chuyến bay thứ ba – Artemis III, SLS sẽ chở Orion mang theo 2 phi hành gia trong một nhiệm vụ vào năm 2024 hạ cánh trên Mặt Trăng.

Người Mỹ cùng với các đối tác quốc tế và thương mại của họ sẽ sử dụng Mặt Trăng như một “trạm trung chuyển không gian” để thử nghiệm các công nghệ và chuẩn bị cho các sứ mệnh tới sao Hỏa.

Sự phát triển cuối cùng của SLS là tên lửa Block 2 có thể chở phi hành đoàn và hàng hóa hoặc chỉ hàng hóa cần thiết cho việc khám phá sao Hỏa hoặc cho các sứ mệnh hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Nhân loại chung tay

SLS và Orion là phương tiện không gian của Mỹ và là nền tảng cho các sứ mệnh chở các nhà thám hiểm vào không gian sâu. Kỷ nguyên khám phá mới này đòi hỏi tất cả nhân loại, bao gồm cả các đối tác quốc tế và thương mại, chung tay giúp cho những dự án này trở nên khả thi và bền vững. Các đối tác có thể giúp cung cấp dịch vụ giao hàng định kỳ các vật tư và thiết bị cần thiết để sống và làm việc trên Mặt Trăng và trong không gian sâu.

SLS và Orion được lên kế hoạch bay một hoặc hai lần một năm và sẽ tập trung vào các chuyến bay đáng tin cậy, an toàn cho con người và hàng hóa lớn.

Mỹ và thế giới đã sẵn sàng cho kỷ nguyên khám phá không gian mới này. Chương trình Apollo đã mang lại cho nhân loại trải nghiệm đầu tiên khi du hành đến một thế giới xa lạ. Các tàu thăm dò hành tinh và các đài quan sát tuyệt vời của NASA đã tiết lộ nhiều bí ẩn của Vũ trụ.

135 nhiệm vụ tàu con thoi của NASA, 20 năm xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) – ngôi nhà không gian lớn nhất từng được xây dựng trên quỹ đạo – cùng 18 năm con người liên tục hiện diện trong không gian đã giúp chúng ta học cách sống và làm việc trong không gian. Cuộc phiêu lưu tiếp theo của chúng ta, Chương trình Artemis, bắt đầu khi SLS cất cánh khỏi bệ phóng, mở ra một kỷ nguyên mới về khám phá và tìm tòi của con người.

Theo Tin tức