Mỹ – Triều: Đứt đoạn và không đứt đoạn

5 tháng sau khi ông Biden nhậm chức và đã sắp xong 'bàn cờ thế' với các đồng minh Nhật - Hàn, 'bộ tứ' châu Á, các đồng minh châu Âu và với ông Putin, giờ là lúc Washington ngỏ ý muốn tiếp xúc với Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên của Mỹ, ông Sung Kim, đã đánh tiếng với ông Kim Jong Un rằng Mỹ tiếp tục hy vọng Triều Tiên sẽ đáp ứng thích đáng với động thái cởi mở của Mỹ và rằng Mỹ đề nghị gặp ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và không điều kiện.

Khó đạt thực chất

Bình Nhưỡng đã tỏ thái độ cự tuyệt bằng phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ri Son Gwon được Hãng thông tấn KCNA phát đi: “Chúng tôi thậm chí không cân nhắc tới khả năng có bất cứ liên lạc nào với Mỹ, đừng nói tới chuyện có việc đó, một việc sẽ chẳng đưa chúng tôi tới đâu, chỉ tốn thời gian quý báu”.

Cú lắc đầu của ông Ri tiếp nối màn chế giễu của người em gái quyền lực của ông Kim Jong Un là cô Kim Yo Jong trước đó một ngày.

Cô Jong cho rằng có vẻ như phía Mỹ đã diễn dịch ý của ông Kim Jong Un qua việc Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan cho rằng ông Un đã phát đi “tín hiệu hay ho” khi nói trước hội nghị toàn thể Đảng Lao động Triều Tiên rằng “cần chuẩn bị sẵn sàng cả cho đàm phán và đối đầu, đặc biệt là đối đầu hoàn hảo hơn”.

Tất cả những ồn ào này diễn ra trong lúc Bình Nhưỡng đang chật vật xoay xở với tình trạng khan hiếm lương thực. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Bình Nhưỡng đang thiếu hụt 2 tháng lương thực và nếu không nhập kịp, tình trạng này sẽ rơi vào khoảng từ tháng 8 tới tháng 10 tới.

Có thể ngờ rằng – lời nói đâu mất tiền mua – dường như các tân quan ở Washington đang thầm mong có một sự khai thông nào đó mà nếu xảy ra họ sẽ được ghi công.

Đây là xu hướng xuất hiện từ bốn năm trước với tân tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump. Những đề xuất, mời gọi của ông này quả thật mới mẻ so với những người tiền nhiệm của ông. Nếu hai bên gặp được nhau, đó sẽ là “cơ hội lịch sử” – điều mà bất cứ ai xuất thân từ giới kinh doanh và công nghiệp biểu diễn như ông Trump đều thấy hấp dẫn.

Báo chí cũng cảm thấy điều đó hấp dẫn, đúng tôn chỉ “vậy mới là tin”, chớ cứ bình bình hoài chán chết! Khi nhân vật chính không ngớt ngây ngất, lại được báo chí, truyền hình giành nhau tung hô từ Singapore tới Việt Nam, rõ ràng đây là dòng xoáy của một “bộ phim truyện” mang tính “dựa trên việc thực”!

Khác biệt Mỹ – Triều

Trong dòng xoáy đó, hẳn có người đã quên rằng trước đó các nhà lãnh đạo Triều Tiên là ông Kim Il Sung (ông nội của ông Un) và ông Kim Jong Il (cha của ông Un) đã từng cầm quyền cho tới cuối đời mà không có nhu cầu phải gặp Mỹ hay đàm phán gì kể từ chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950.

Mãi tới năm 2003, ông Kim Jong Il mới chịu đàm phán 6 bên. Song các thỏa thuận giải trừ hạt nhân, đóng cửa lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy nhiên liệu và lương thực sau đó biến thành giấy lộn, nhất là sau khi ông Un kế nhiệm người cha quá cố.

Ông Un ngày càng thúc đẩy thử hạt nhân và tên lửa, cho tới khi thử thành công bom khinh khí mới chịu… sang Singapore chụp hình “lịch sử” với ông Trump! Thích đóng phim thì đóng thôi, đóng tập 1 xong đóng tập 2, rồi gác máy!

Trong khi đó, những quả bom hạt nhân ngày càng thu nhỏ, đủ để lắp các tên lửa ngày càng bắn đi xa hơn, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã hóa giải mọi sức ép mà Mỹ có thể áp lên Bình Nhưỡng.

Nguy cơ hạt nhân và tên lửa này đã khiến trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 5 vừa qua giữa ông Joe Biden và ông Moon Jae In, phía Mỹ đã chính thức gỡ bỏ những giới hạn về tầm bắn tên lửa có từ năm 1979 với Seoul.

Trong bối cảnh “lùng nhùng” đó, khó có khả năng đàm phán dẫn đến một điều gì tích cực khi mà cả Nam và Bắc đều đã “hạ thủ bất hoàn” rồi, các bên khó lòng tự giải giới…

Còn nếu có ai vẫn cứ hy vọng tháo gỡ thì có lẽ cũng nên yên chí rằng Bình Nhưỡng luôn sống như trong hiện tại và quá khứ, khó khăn tới mấy cũng không sao, miễn là dành được tối đa cho “quân sự trên hết” và không nhượng bộ.

Đó chính là khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington, một sự khác biệt bản chất: Bình Nhưỡng đã và sẽ vẫn tiếp tục là như thế và không sao (không đứt đoạn), trong khi Mỹ thì cứ bốn năm lại đứt quãng song vẫn “có sao” (đứt đoạn).

Điều này, ông Biden rõ hơn ai hết. Hôm 28-4, trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ, ông Biden phát biểu rằng ông Tập cho rằng chế độ dân chủ không thể cạnh tranh trong thế kỷ 21 với các chế độ chuyên quyền vì “mất quá nhiều thời gian để có được sự đồng thuận”.

Triều Tiên từ chối đối thoại?

Hôm 20-6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi tuyên bố “Triều Tiên chuẩn bị cho cả đối đầu lẫn ngoại giao với Mỹ” của Chủ tịch Kim Jong Un là một “tín hiệu đáng chú ý”. Phản ứng trước việc này, ngày 23-6 bà Kim Yo Jong – em gái của Chủ tịch Kim Jong Un – tuyên bố Mỹ đang diễn giải các tín hiệu từ Triều Tiên theo cách “sai lầm”.

Trang web 38 North chuyên phân tích các động thái của Triều Tiên nhận định phản ứng lần này của Bình Nhưỡng là không mới. Theo các nhà phân tích của 38 North, Bình Nhưỡng đang trông chờ một đề xuất cụ thể hơn từ Washington và phản ứng của các quan chức không đồng nghĩa với lời từ chối đối thoại.

Theo Tuổi trẻ