Home Việt Nam Mỹ du di về nhân quyền với CSVN?

Mỹ du di về nhân quyền với CSVN?

Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo ở Hà Nội
Nghe đọc bài

“Nếu không có nhân quyền thì mọi chính sách, mọi lựa chọn, mọi chiến lược, mọi quan hệ ngoại giao song phương hay đa phương chỉ đơn giản nhằm mục đích phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản thôi chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân cả,” Phạm Thanh Nghiên giải thích.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng với việc Hà Nội chỉ trả tự do cho một tù nhân chính trị để nhượng bộ về nhân quyền, ‘rõ ràng chuyến đi Hà Nội của ông Biden là thất bại hoàn toàn’.

“Sự thật là chuyến thăm viếng của ông Biden tự nó đã củng cố nền độc tài độc đảng của Việt Nam bằng cách hy sinh các vấn đề nhân quyền cho mục tiêu kiềm chế Trung Quốc,” ông Robertson chỉ trích.

‘Nhân quyền trên hết’

Mặc dù Trung Quốc không xuất hiện trong tuyên bố nâng cấp quan hệ, mối quan ngại về Bắc Kinh được cho là một trong những nguyên nhân khiến Washington và Hà Nội xích lại gần với nhau. Tổng thống Biden từng phát biểu tại một buổi vận động tranh cử hồi đầu tháng rằng Hà Nội ‘muốn nâng cấp quan hệ vì họ muốn Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc’.

Từ Houston, Texas, bà Phạm Thanh Nghiên, nhà tranh đấu hiện đang lưu vong, nhận định việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện ‘về lâu dài sẽ có lợi cho Việt Nam’ vì ‘thắt chặt quan hệ với Mỹ là để kiềm tỏa sự bành trướng của Trung Quốc’.

“Nhưng về ngắn hạn, giới tranh đấu, những người hoạt động nhân quyền sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hiểm nguy,” bà nói và bày tỏ nghi ngờ Hà Nội ‘có thể đã đặt điều kiện là Mỹ không nhúng tay vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam’.


Theo lập luận của bà thì hy sinh nhân quyền cũng đồng nghĩa với việc hy sinh quyền được cất tiếng nói hay được tham gia vào những vấn đề của đất nước của người dân. Khi đó, ‘cho dù làm gì đi nữa, cho dù là để chống Trung Quốc, cũng là vô nghĩa’.

“Nếu không có nhân quyền thì mọi chính sách, mọi lựa chọn, mọi chiến lược, mọi quan hệ ngoại giao song phương hay đa phương chỉ đơn giản nhằm mục đích phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản thôi chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân cả,” bà giải thích.

Bà Nghiên nói với tư cách một nhà tranh đấu, bà ‘quan tâm trước hết về nhân quyền’ chứ không phải mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đối tác.

Theo lời bà thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ ‘cũng để tìm kiếm tính chính danh cho họ, và giữ thế độc tôn quyền lực của họ chứ không vì quốc gia, dân tộc gì cả’.

“Báo chí nhà nước ca ngợi chuyến thăm của ông Biden là thắng lợi vĩ đại của Đảng. Họ đạt được mục tiêu của họ là tính chính danh thì tất nhiên đàn áp sẽ vẫn tiếp diễn,” bà chỉ ra và dự đoán trong thời gian trước mắt tình hình nhân quyền ở Việt Nam ‘sẽ ngày càng tồi tệ’.

Khi được hỏi liệu Washinngton có nên ép Hà Nội quá mức về nhân quyền khiến họ quay lưng và tìm đến Bắc Kinh, bà Nghiên thừa nhận việc nâng cấp quan hệ có mặt hại nhưng cũng có mặt lợi.

(Theo VOA)

Exit mobile version