Mỹ có thể bắn tan xác tên lửa Nga bay nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh: Bằng cách nào?

Theo Hải quân Mỹ, UAV tầm cao hoạt động trong thời gian dài có thể là một ứng cử viên hàng đầu để trang bị radar phát hiện tên lửa từ trên không.

ĐÁNH CHẶN TÊN LỬA CHỐNG HẠM SIÊU THANH: BÀI TOÁN NAN GIẢI

Thời gian gần đây, tên lửa siêu thanh và máy bay không người lái (UAV) đã nổi lên như hai trong số những vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong chiến tranh hiện đại.

Chính vì vậy, Hải quân Mỹ đang ấp ủ một ý tưởng, tuy vẫn còn rất xa vời so với thực tế hiện nay nhưng không phải không khả thi: Sử dụng máy bay không người lái (UAV) để ngăn chặn tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh.

Hay cụ thể hơn là sử dụng UAV để phát hiện tên lửa siêu thanh tấn công các tàu Hải quân Mỹ, qua đó giúp những phương tiện này có thêm thời gian để bắn hạ hoặc gây nhiễu các tên lửa bay tới với tốc độ Mach 10 (tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh).

“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhưng các tên lửa chống hạm di chuyển với tốc độ siêu thanh hơn Mach 5 đang đặt ra một thách thức kép.

Quỹ đạo bay thấp của chúng (có khi chỉ cách mặt nước vài mét) khiến việc phát hiện bằng radar là cực kỳ khó do ảnh hưởng của đường cong Trái Đất. Đến khi phát hiện được, tên lửa tấn công đã tiệm cận quá gần mục tiêu.

Mỹ có thể bắn tan xác tên lửa Nga bay nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh: Bằng cách nào? - Ảnh 1.

Đồ họa tên lửa siêu thanh Zircon của Nga. Ảnh: RT

Đây không phải là vấn đề mới, vì tên lửa bay bám mặt biển từng khiến các lực lượng hải quân trên thế giới lo lắng ngày từ những năm 1970. Cái thay đổi chính là tốc độ của tên lửa chống hạm.

Các loại vũ khí cũ hơn như tên lửa Styx của Liên Xô và Harpoon của Mỹ đều có tốc độ cận âm, nghĩa là chúng di chuyển đủ chậm để có thể bị gây nhiễu hoặc bắn hạ bởi các hệ thống chống tên lửa trên tàu như pháo đa nòng Phalanx trang bị cho Hải quân Mỹ.

Các loại vũ khí mới hơn như P-270 Moskit và Kh-31 của Nga có thể đạt tốc độ siêu âm Mach 3 hoặc Mach 4 cũng đã là một gánh nặng với hệ thống chống tên lửa.

Thế nhưng, một thế hệ tên lửa chống hạm siêu thanh mới của Nga, chẳng hạn như Zircon với tốc độ ước tính từ Mach 6 đến Mach 9 thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Chúng bay thấp và di chuyển cực nhanh. Dù không nhanh bằng đầu đạn tên lửa đạn đạo lao xuống khí quyển Trái Đất ở vận tốc Mach 23 nhưng ít nhất chúng cũng có thể bị radar tầng cao trên khí quyển phát hiện. Hơn nữa, các đầu đạn này lại đi theo đường đạn đạo có thể đoán trước nên việc đánh chặn là khả thi (mặc dù không hề dễ dàng).

Trong khi đó, tên lửa siêu thanh bay ở độ cao thấp, ít thời gian phát hiện và chúng lại có thể cơ động để tránh bị đánh chặn.