Mỹ chủ trì họp trực tiếp lãnh đạo ‘bộ tứ kim cương’ đối phó Trung Quốc

Ngày 24.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm “bộ tứ kim cương” (Quad) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Cuộc họp thượng đỉnh bộ tứ trực tuyến vào ngày 12.3
Nghe đọc bài

Cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 24.9 tại Nhà Trắng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa nhóm bốn nước, đồng thời là dấu hiệu khẳng định Mỹ tiếp tục tập trung đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), theo Hãng Kyodo hôm 14.9.
Một số nội dung trong cuộc họp của bộ tứ kim cương bao gồm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực như đối phó dịch Covid-19, trong khi hướng đến hợp tác trong lĩnh vực các công nghệ mới nổi và không gian mạng, đồng thời thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Bà Psaki khẳng định việc Mỹ chủ trì cuộc họp các lãnh đạo bộ tứ kim cương thể hiện ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden trong việc tăng cường sự can dự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó thông qua các cơ cấu đa phương mới nhằm đáp ứng thách thức của thế kỷ 21.
Cuộc họp nhiều khả năng đề cập đến tình hình Đài Loan, vốn đang đối mặt áp lực gia tăng từ Trung Quốc trong thời gian qua.
Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức đã nâng vị thế của bộ tứ kim cương lên tầm ưu tiên, thông qua cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào tháng 3.
Trong cuộc họp tháng 3, ông Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người đồng cấp Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi nhất trí sẽ lần lượt chuyển giao 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho Đông Nam Á và những nước khác vào cuối năm nay. Để làm được điều này, Ấn Độ sẽ gia tăng năng suất điều chế vắc xin trong nước.
Các nhà lãnh đạo cũng một lần nữa xác nhận cam kết cùng hợp lực để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ngang ngược và phi lý bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Theo Thanh niên