Một ông Hà Tĩnh bị bán qua 7 công ty ở Campuchia

Ông N.Đ.H, 41 tuổi
Nghe đọc bài

“Hàng ngàn người Việt dính bẫy bên Campuchia, có người thì bị chích điện, đánh đập dã man. Đa số người dân khi trở về không dám ra trình báo công an, mang tâm lý lo lắng, bởi sang đó chính họ cũng bị ép đi lừa đảo”, một nạn nhân bị bán qua bảy công ty, chia sẻ sau khi may mắn giữ được mạng sống về đến Việt Nam.

Sau hơn nửa tháng vượt tường rào, thoát khỏi vòng vây của nhóm buôn người ở Campuchia và trở về nhà, ông N.Đ.H., 41, ở Hà Tĩnh, kể, giáp Tết Nhâm Dần, qua lời giới thiệu của người quen biết, ông vượt biên sang Campuchia để làm công việc “tư vấn khách hàng chơi game”.

“Họ nói thế nhưng thực chất 100% người Việt bị lừa bán sang Campuchia bị ép làm công việc lừa đảo”, ông H. nói.

Vào buổi chiều muộn một ngày giữa tháng 12/2021, ông được “môi giới” móc nối rồi mua vé máy bay vào TP.HCM.

“Tại đây, họ đưa tôi cùng nhóm người vào ở chung khách sạn, đến giữa đêm, họ chở chúng tôi đến sông, đi xuồng máy vượt sông, đi bộ qua bờ đê, rồi đi đường đồng ruộng mất khoảng 6 giờ đồng hồ. Lúc đưa tôi đến công ty, một người Việt phiên dịch nói tôi bị bán 2.500 USD; khi đó mới ngã ngửa là mình bị lừa”, ông H. cho hay.

Theo lời ông, bảy tháng ở Campuchia, ông bị bán qua bảy công ty, mỗi công ty có kiểu lừa đảo riêng và đều do người Trung Quốc làm chủ.

“Ở mỗi công ty, tôi phải làm công việc khác nhau, nhưng gần như chung mục đích lừa tiền của mọi người, trong đó lừa đảo người Việt mình là chủ yếu. Họ tạo ra các app lừa đảo như các trò game, chứng khoán, hẹn hò tình yêu, ngân hàng, CSGT… rồi ép những người Việt bị bán sang tìm mọi cách để lừa tiền của người dân tin tưởng trên mạng.

Ví dụ app tình yêu thì gái giả trai, trai có thể giả gái, nhắn tin hẹn hò, lừa đảo tiền của người tin tưởng. App về đồ tiêu dùng, họ đăng bán các mặt hàng ảo, giá rẻ hơn so với giá trị thực rồi yêu cầu khách hàng đặt cọc trước để họ gửi hàng. Người dùng tin tưởng sẽ chuyển tiền và bị mất tiền cọc. Tất cả họ điều hành rất bài bản, công phu, có người bị lừa tiền tỷ”, ông H. cho biết.

Vỡ mộng với “việc nhẹ lương cao”, lại bị ép lừa đảo người khác, ông H. giả vờ mất trí nhớ để trốn tránh công việc, “tôi bảo mình bị mất trí nhớ, nói trước quên sau nên không thể làm được việc. Vì thế họ đã bán tôi từ công ty này đến công ty khác. Lần thứ bảy bị bán, họ giam lỏng, bắt tôi nhịn đói suốt hai ngày, chờ tìm công ty để bán”, ông H. kể.

40 người đào thoát khỏi casino, bơi qua sông Bình Di về An Giang, trong lúc một thiếu niên chết đuối trên sông và một người khác bị bắt lại

Cách đây nửa tháng, một người Việt phiên dịch nói lại: “Chuẩn bị đưa đến thành phố xa, nên tôi biết mình sắp bị bán thêm lần nữa”.

Vào 2h ngày hôm đó, khi nhóm người đưa ông H. cùng sáu người đi cùng từ khách sạn ra để đưa đến “thành phố xa”, ông H. đảo mắt xung quanh thấy phía trước có bờ tường cao khoảng 3 m, để ý sơ hở “tôi nhảy qua tường rào hơn 3 m tiến về phía trước. Thấy tôi chạy, sáu người khác cũng chạy theo, nhưng chỉ có tôi trốn thoát, ngoảnh lại thấy sáu người bị chúng bắt lại giữa đường”, ông H. kể.

Sau khi vượt qua tường rào, dò dẫm trèo thêm qua bốn mái nhà khác để ra được đường lớn, ông H. nghĩ mình may mắn hơn những người đồng hương còn lại. Ra đến đường lớn, ông H. thuê xe ôm của người Campuchia và trả tiền phí 5 triệu đồng.

“Do lo sợ nhóm buôn người sẽ tìm tôi ở các ngả đường lớn, tôi thuê xe ôm đi đường vòng. Vượt qua mấy chục cây số đến cửa khẩu Tho Mo, gần cửa khẩu Mộc Bài. Từ cửa khẩu này tôi thuê xe chở thẳng về TP.HCM với giá 1,5 triệu đồng, từ đây tôi mua vé máy bay về nhà”, anh H. cho biết.

Cũng theo ông H., đang có hàng nghìn người Việt bị “giam lỏng” tại các công ty lừa đảo ở Campuchia.

“Hàng ngàn người Việt dính bẫy bên đó, có người thì bị chích điện, đánh đập dã man. Đa số người dân khi trở về không dám ra trình báo công an, mang tâm lý lo lắng, bởi sang đó chính họ cũng bị ép đi lừa đảo”, ông H. chia sẻ thêm.

Bài liên quan

Bị lừa bán sang Campuchia, 41 người Việt bơi qua sông về nước

Báo đảng thừa nhận Hàn Quốc cấm người Thanh Hóa