Home Quân Sự ‘Mồi nhử’ bí ẩn giúp tên lửa Nga né hệ thống phòng...

‘Mồi nhử’ bí ẩn giúp tên lửa Nga né hệ thống phòng không Ukraine

Nghe đọc bài

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M của Nga được cho là ẩn chứa một ‘mồi nhử’ bí mật, được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng không của Ukraine.

Theo Thời báo New York, giới chức tình báo Mỹ mới đây đã phát hiện điều bất ngờ nằm bên trong các loại tên lửa đạn đạo mà Nga bắn vào các mục tiêu của Ukraine: Một thiết bị “mồi nhử” có thể đánh lừa cả radar phòng không, lẫn tên lửa phòng thủ tầm nhiệt.

Một quan chức tình báo Mỹ cho biết, thiết bị này dài khoảng 30cm, có hình dạng giống một phi tiêu màu trắng với phần đuôi màu cam. Chúng được các tên lửa Iskander-M phóng xuyên biên giới của Nga kích hoạt khi phát hiện bị các hệ thống phòng không nhắm mục tiêu.

Mỗi “mồi nhử” như vậy có chức năng tạo ra các tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu hoặc đánh lừa radar của đối phương, đồng thời chứa một nguồn nhiệt để thu hút các tên lửa phòng không lao tới, tránh cho tên lửa Iskander-M thật bị nhắm trúng. Điều này có thể lý giải vì sao vũ khí phòng không của Ukraine thường gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa Iskander của Nga.

'Mồi nhử' bí ẩn giúp tên lửa Nga né hệ thống phòng không Ukraine
Vật thể được cho là “mồi nhử” bên trong tên lửa Iskander-M. Ảnh: CAT_UXO/Twitter

Theo các tài liệu của Mỹ, việc được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn giúp Iskander có thể tiếp cận các mục tiêu ở khoảng cách hơn 320km. Mỗi bệ phóng Iskander di động có thể bắn tới 2 tên lửa cùng một lúc.

Hình ảnh chụp những vật thể hình quả đạn giống phi tiêu bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội từ cách đây 2 tuần, và đang khiến giới tình báo phải “đau đầu”. Nhiều người trong số họ thậm chí đã nhầm tưởng chúng với bom hoặc đạn chùm do có cùng kích thước và hình dạng.

Richard Stevens, người đã có 22 năm kinh nghiệm xử lý vật liệu nổ trong quân đội Anh, cùng 10 năm làm kỹ thuật viên bom dân dụng ở miền nam Iraq, châu Phi và các khu vực khác, cho hay ông đã “tiếp xúc với rất nhiều loại bom, đạn của Nga và Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy loại đạn như vậy”.

Ông Stevens đã đăng hình ảnh các loại “mồi nhử” lên một trang web dành cho các chuyên gia xử lý bom quân sự và dân sự để xác định, nhưng hầu như không một ai từng nhìn thấy loại vũ khí bí ẩn này trước đó.

Mỗi “mồi nhử” này dài khoảng 30cm, có hình dạng giống một phi tiêu màu trắng với phần đuôi màu cam. Ảnh: CAT_UXO/Twitter

Theo một quan chức tình báo, các thiết bị mới này tương tự một loại thiết bị “mồi nhử” khác được sử dụng thời Chiến tranh Lạnh, có tên gọi là “thiết bị hỗ trợ tầm xuyên” và được tích hợp với đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, việc kết hợp các thiết bị này vào vũ khí có đầu đạn thông thường như Iskander-M là điều chưa từng được ghi nhận.

“Khi nghĩ ra được tên lửa, bạn sẽ tìm cách bắn hạ chúng, Khi người khác tìm cách bắn hạ tên lửa, bạn phải nghĩ ra thiết bị mồi nhử”, Jeffrey Lewis, giáo sư ngành không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

“Nhưng chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy chúng (các thiết bị mồi nhử), vì đó là bí mật. Nếu biết được cách chúng hoạt động thì bạn cũng có thể tìm ra cách để khắc chế chúng”, ông nói thêm.

Một bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M. Ảnh: EPA

Giáo sư Lewis tin rằng, các phiên bản Iskander mà Nga bán cho những nước khác có thể sẽ không chứa “mồi nhử”, vì Moscow hiểu rõ rủi ro họ có thể phải đối mặt khi triển khai các thiết bị mật. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một ngoại lệ, vì Nga được cho là đánh giá rất cao tầm quan trọng của chiến dịch này.

Ông cũng nhận định việc các loại “mồi nhử” này lần đầu lộ diện có thể khiến cộng đồng tình báo phương Tây “mừng thầm”, khi họ có thể thu thập, nghiên cứu chúng để nâng cấp hệ thống phòng không của mình.

Việt Anh

Exit mobile version