Miến Điện : Biểu tình tiếp diễn, Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ

Hôm nay, 06/03/2021, những người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục xuống đường tại Miến Điện, trong khi đó Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lại bị chia rẽ trên hồ sơ này.

Đã có ít nhất 55 người thiệt mạng kể từ đầu phong trào biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng bất chấp sự đàn áp khốc liệt của tập đoàn quân sự, những cuộc tuần hành đòi tái lập dân chủ vẫn tiếp diễn hôm nay 06/03 tại nhiều nơi ở Miến Điện. Theo hãng tin AFP, tại thành phố Loikaw ở miền trung, hàng trăm người, trong đó có các giáo viên, đã giương cao những biểu ngữ kêu gọi bất phục tùng dân sự.

Những lời kêu gọi đình công đã có một tác động đến một số lĩnh vực kinh tế vốn đang bị suy yếu ở Miến Điện : ngân hàng ngưng hoạt động, bệnh viện đóng cửa và văn phòng các bộ của chính phủ không một bóng người. Báo chí nhà nước đã yêu cầu các công chức trở lại làm việc, nếu không « họ sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03 ».

Nhưng phe quân sự cũng nhất quyết dập tắt phong trào biểu tình và từ mấy ngày qua đã không ngần ngại sử dụng vũ khí sát thương để đàn áp. Hôm qua 05/03, một người đàn ông 26 tuổi đã bị trúng đạn tử thương trong một cuộc tập hợp tại thành phố Mandalay. Các tướng lãnh Miến Điện lại càng bất chấp những lời lên án của quốc tế khi thấy rằng ngay chính Liên Hiệp Quốc đang bị chia rẽ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Trong cuộc họp hôm qua tại New York, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung. Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, các cuộc đàm phán về nội dung văn bản này sẽ tiếp diễn vào tuần tới.

Sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Anh Barbara Woodward tuyên bố : « Chúng tôi sẵn sàng dự trù các biện pháp trừng phạt quốc tế chiếu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu tình hình ngày càng xấu đi ». Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự, nhưng đã có những lời kêu gọi ban hành một lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện, một quyết định cần phải có sự đồng ý của toàn bộ thành viên Hội Đồng Bảo An.

Trong bối cảnh như vậy, có vẻ rất khó mà đạt được sự « đoàn kết nhất trí » theo lời kêu gọi của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Christine Schraner Burgener. Hôm qua, bà đã than phiền : « Niềm hy vọng mà người dân Miến Điện đặt vào Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên đang giảm đi ».

Theo RFI