Máy bay quân sự Mỹ thổi bay sàn đáp bệnh viện

Trực thăng lai CV-22B của không quân Mỹ thổi bay sàn đáp trên bãi cỏ của một bệnh viện ở Anh khi cất cánh trong một buổi huấn luyện.

Một trực thăng lai CV-22B Osprey của không quân Mỹ đáp xuống bệnh viện Addenbrooke tại thành phố Cambridge của Anh ngày 21/4 để tham gia huấn luyện theo kế hoạch. Tuy nhiên, khi máy bay cất cánh, lực đẩy quá mạnh từ cánh quạt của chiếc CV-22B thổi bay sàn đáp cao su dành cho trực thăng trên bãi cỏ của bệnh viện.

Phát ngôn viên không quân Mỹ và bệnh viện đại học Cambridge, đơn vị chủ quản của bệnh viện Addenbrooke và dịch vụ cứu thương trực thăng East Anglian Air Ambulance (EAAA) thường hạ cánh tại đây, xác nhận sự cố và cho biết không ai bị thương.

Bệnh viện Addenbrooke cho biết việc sàn đáp bị phá hủy khiến họ phải ngừng tiếp nhận trực thăng cấp cứu. Các trực thăng chở bệnh nhân sẽ hạ cánh xuống sân bay thành phố Cambridge và bệnh nhân sẽ được chở bằng xe cứu thương tới bệnh viện.

Phát ngôn viên không đoàn tiêm kích số 48 của Mỹ đóng quân tại căn cứ RAF Mildenhall ở Anh cho hay đơn vị đang tìm cách khắc phục hậu quả từ sự cố. Cơ sở này cũng là nơi đồn trú của không đoàn chiến dịch đặc biệt số 352 trang bị trực thăng lai CV-22B.

Một số chuyên gia y tế lo ngại việc sàn đáp trực thăng tại bệnh viện Addenbrooke sẽ ảnh hưởng đến “thời gian vàng” trong các ca cấp cứu, kéo dài khoảng 60 phút sau khi bệnh nhân chịu chấn thương hoặc triệu chứng có khả năng đe dọa tính mạng. Khoảng thời gian này được đánh giá là cơ hội quý giá nhất để cấp cứu bệnh nhân và tránh các biến chứng nghiêm trọng.

“Addenbrooke là trung tâm điều trị chấn thương lớn nhất của khu vực, do đó vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả những bệnh nhân nặng hoặc bị thương đến bệnh viện rất quan trọng”, tiến sĩ Victor Inyang, giám đốc y tế của EAAA, cho biết.

Một số nhân chứng cho biết họ sợ các mảnh sàn đáp trực thăng bay lên có thể làm hỏng chiếc CV-22B hoặc ảnh hưởng đến những người xung quanh. “Tôi thấy nhiều mảnh vỡ bay lên không trung. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là chiếc trực thăng bị hỏng và tệ hơn là ảnh hưởng đến mọi người”, nhân chứng Elliot Langran nói.

Đây không phải lần đầu trực thăng lai thuộc dòng V-22B gây ra sự cố thổi bay các vật thể dưới đất. Hồi tháng 5/2010, một chiếc MV-22B của thủy quân lục chiến Mỹ khiến 10 người bị thương trong sự kiện tại công viên Clove Lakes trên đảo Saten, thành phố New York, khi lực đẩy từ cánh quạt khiến cành cây và các mảnh vỡ khác bay vào đám đông khi trực thăng tiếp đất.

Dòng trực thăng lai V-22 được Lầu Năm Góc đặt hàng phát triển từ năm 1983, với mục tiêu tạo ra một loại máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp như rừng rậm, đường băng dã chiến cực ngắn hoặc tàu sân bay trực thăng. Một số biến thể gồm CV-22B dành cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt không quân Mỹ, MV-22B của thủy quân lục chiến và CMV-22B dành cho tàu sân bay.

Hệ thống động cơ xoay của V-22 cho phép máy bay có thể dựng cánh quạt để cất hạ cánh thẳng đứng như trực thăng thông thường, hoặc chạy đà/tiếp đất như máy bay cánh bằng. V-22 Osprey có chiều dài 17,5 m, chiều rộng (cả cánh) 25,8 m, trọng lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn, tầm hoạt động 1.600 km. Máy bay có thể chở 24 binh sĩ và 9 tấn hàng hóa, khí tài quân sự.

Nguyễn Tiến (Theo Drive)