Máy bay chiến đấu F-35A Lightning II

Theo tờ DW (Đức), F-35 nằm trong tầm ngắm của quân đội Đức bởi đây là máy bay chiến đấu đa nhiệm tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Việc mua sắm loại máy bay đắt đỏ này được cho là sẽ dễ dàng triển khai sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố thành lập quỹ quốc phòng đặc biệt với số tiền lên tới 100 tỷ euro (110,6 tỷ USD).

Phát biểu trước Quốc hội Đức, ông Scholz nhấn mạnh: “F-35 được coi là máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Chúng ta cần những máy bay chiến đấu, tàu chiến và binh sĩ được trang bị đầy đủ cho các sứ mệnh”.

Sự lựa chọn khả thi
Máy bay chiến đấu F-35A Lightning II. Ảnh: Defense News

Được Lầu Năm Góc quảng cáo là “loại máy bay chiến đấu có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”, F-35 có thể tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. Với 1 ghế lái và 2 động cơ, F-35 có tốc độ gần 2.000km/giờ, có khả năng mang tên lửa không đối không, bom dẫn đường bằng laser với tầm hoạt động khoảng 2.100km và có thể đánh lừa hệ thống radar của đối phương.

Điểm mạnh của F-35 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Ngoài chế độ tàng hình, F-35 còn có khả năng mang theo 10 tấn vũ khí. F-35 có thể tấn công trên không cũng như tấn công mặt đất, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát giúp tăng hiệu quả của các đơn vị không quân, hải quân và mặt đất bằng cách cung cấp dữ liệu chiến trường có giá trị trong thời gian thực.

Nếu không quân Đức cần phải vượt qua lưới lửa phòng không hiện đại của đối phương, các phi công hẳn sẽ an tâm hơn khi sử dụng F-35.

Đức hiện đang vận hành gần 90 chiếc máy bay ném bom chiến đấu Panavia Tornado. Loại máy bay này có khả năng mang bom hạt nhân B61 do Mỹ sản xuất được dự trữ tại Đức trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, kể từ năm 2017, không quân Đức bắt đầu tìm kiếm “người kế nhiệm” thích hợp do phi đội Panavia Tornado đã già cỗi, hiện quá lỗi thời để tham gia các nhiệm vụ của NATO. Dự kiến, những chiếc máy bay này sẽ bị loại bỏ vào năm 2030.

Theo trang 19FortyFive, trước đây, dưới thời cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, Berlin đã từ chối phương án mua F-35 để thay thế Panavia Tornado vì lo ngại rằng bất kỳ thương vụ mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm nào cũng có thể làm mất lòng liên minh quốc phòng Pháp-Đức vốn cùng với Tây Ban Nha phát triển Hệ thống Phòng không chiến đấu tương lai (FCAS).

Tuy nhiên, Chính phủ Đức hiện nay đã thay đổi quan điểm. Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã nói với Thủ tướng Scholz rằng phiên bản F-35A Lightning II nên được coi là phương án thay thế khả thi cho dàn máy bay Panavia Tornado đã già cỗi của không quân Đức. Phiên bản F-35A Lightning II được xem là máy bay chiến đấu hiệu quả nhất của không quân Mỹ.

Với khả năng hoạt động đa nhiệm, F-35 trở thành loại máy bay ngày càng phổ biến ở châu Âu. Nhiều nước láng giềng của Đức và các đồng minh trong NATO đã mua hoặc sẽ sớm vận hành loại máy bay do Mỹ sản xuất này. Tháng 12-2021, Phần Lan thông báo nước này sẽ mua 64 máy bay F-35A Lightning II để thay thế phi đội F/A-18 Hornets.

Trước đó, tháng 6-2021, Thụy Sĩ thông báo mua 36 máy bay F-35A Lightning II và tuyên bố rằng hệ thống toàn diện, cực kỳ mạnh mẽ và hoàn toàn mới của F-35 sẽ giúp bảo vệ và giám sát không phận nước này.

Các nhà phân tích nhận định, việc lựa chọn F-35 và nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu sẽ cho phép Berlin thực hiện hiệu quả mọi nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên NATO. Bên cạnh đó, một thỏa thuận mua số lượng lớn máy bay hiện đại như F-35 cũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Đức và Mỹ.

LÂM ANH