Mất việc, 343 người Việt ở Nhật hồi hương trên chuyến bay đặc biệt

Mất việc, 343 người Việt ở Nhật hồi hương trên chuyến bay đặc biệt

Không có khả năng mua vé tàu cao tốc từ thành phố Fukuoka đến thủ đô Tokyo, anh Hoàng Văn Hoạch, một thực tập sinh người Việt tại Nhật, phải đi tàu nhiều chặng mất hai tuần mới đến được tòa đại sứ Việt Nam để tìm sự trợ giúp hồi hương.

Báo Nhật The Asahi Shimbun hôm 7/6 viết về anh Hoạch 26 tuổi, cũng như nhiều thanh niên Việt Nam khác qua Nhật theo một trường dạy nghề để mong đổi đời, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến giấc mơ của họ tan vỡ.

“Tôi nghĩ rằng nếu như đại dịch không xảy thì tôi đã có thể kiếm được một công việc tại một công ty tử tế sau khi học xong tại một trường dạy nghề,” anh Hoạch nói.

Khi rời khỏi Fukuoka, trong túi anh Hoạch chỉ có 11.000 yên (khoảng 101 đôla). Trên đường đến thủ đô, anh đi tắm rửa tại một nhà vệ sinh trong công viên. Anh ngủ ở ga tàu hay dưới gầm đường ray tàu điện trên cao trong nhiều đêm liền.

Anh Hoạch là một trong số 343 người Việt Nam đáp chuyến bay về nước tại phi trường Narita ngày 5/6. Chuyến bay đặc biệt được Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo tổ chức cho những người đồng hương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh khi đang sinh sống ở Nhật.

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã tạm dừng các chuyến bay thường xuyên giữa Nhật Bản và Việt Nam và cho đến cuối tháng 6 mới nối lại.

Trong số 343 hành khách, có khoảng 130 người là kỹ sư công nghệ thông tin. Phần còn lại trải qua những khó khăn lớn về tài chính ở Nhật Bản sau khi dịch bệnh xảy ra.

Trước đó, anh Hoạch đã theo học một trường dạy tiếng Nhật trong hai năm ở Fukuoka cho đến cuối tháng 2.

Trong khi học tiếng Nhật, anh cũng làm thêm cho một nhà máy sản xuất hộp cơm trưa với mức lương 900 yên/giờ, kiếm được 90.000 yên/tháng.

Nhưng với cuộc khủng hoảng COVID-19, công việc bán thời gian của anh Hoạch đã biến mất sau khi nhiều doanh nghiệp ở Fukuoka đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền. Tệ hại hơn, anh bị yêu cầu rời khỏi ký túc xá của trường sau khi tốt nghiệp.

Anh quay sang nhờ bạn bè tìm nơi tá túc. Bạn bè cho anh ở chung, nhưng anh không muốn làm phiền họ quá lâu.

Anh Hoach định đến một trường dạy nghề liên quan đến ngành ôtô ở Nhật Bản để có được kỹ năng về ngành này sau khi học xong trường tiếng Nhật.

Nhưng rồi vấp phải số tiền học phí và chi phí các loại xấp xỉ 1 triệu yên khi nền kinh tế Nhật Bản đột ngột trở nên tồi tệ, anh đành bỏ cuộc.

Khi anh Hoạch bàn chuyện với người mẹ ở quê nhà, bà khuyên anh trở về Việt Nam bằng cách tìm kiếm sự trợ giúp từ nhân viên đại sứ quán.

Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, anh Hoạch đến Nhật với hy vọng giúp cho cuộc sống của cha mẹ anh đỡ khốn đốn hơn.

Mặc dù với mong muốn như vậy, nhưng anh đành nhờ mẹ xoay xở chạy tiền để trả tiền vé máy bay khoảng 90.000 yên (hơn 800 đôla, tức hơn 19 triệu đồng) cho anh. Anh cũng cần thêm khoảng 1 triệu yên để trả số vợ đã vay để được đi Nhật.

Lao động Việt từ Nhật hồi hương hôm 5/6/2020. Photo Bộ Ngoại giao via VNExpress
Lao động Việt từ Nhật hồi hương hôm 5/6/2020. Photo Bộ Ngoại giao via VNExpress


The Asahi Shimbun cho biết trên chuyến bay hồi hương đặc biết này còn có những phụ nữ đang mang thai, trong đó có chị Phạm Thu Thanh, 23 tuổi, cựu thực tập sinh kỹ thuật.

Sau khi đến Nhật Bản vào cuối năm 2018, chị Thanh làm việc cho một doanh nghiệp ở tỉnh Nagasaki, đóng gói trứng vào hộp và kiếm được 80.000 yên/tháng. Chị Thanh chỉ chi tiêu 20.000 yên mỗi tháng, phần còn lại chị gửi về cho gia đình.

Nhưng vào năm trước, chị đã rời khỏi doanh nghiệp này mà không để lại thông báo vì chị nghĩ rằng với thu nhập hàng tháng đó, chị sẽ không thể trả được số tiền đã vay để được đến Nhật Bản.

Chị Thanh chuyển đến tỉnh Gunma nơi chị có bạn bè người Việt. Nhưng chị không thể tìm được một công việc ở đó và phải nhờ gia đình ở Việt Nam gửi tiền sang để sinh sống.

Chị Thanh cho biết vào tháng 11 rằng chị sinh sống với một người đàn ông Việt Nam và có thai với người này.

Dự sinh vào tháng 8, nhưng chị cho biết chị sẽ sinh con tại một ngôi chùa vì chị không muốn cha mẹ biết về việc mang thai của mình.

Chị nói: “Tôi ước chi tôi có thể làm việc ở Nhật.”

Trang The Asahi Shimbun cho biết trên chuyến bay này còn có các bình đựng tro cốt của sáu người Việt, trong đó có một phụ nữ thiệt mạng vì tai nạn giao thông sau khi làm thực tập sinh kỹ thuật và một sinh viên tự tử.

Sư cô gốc Việt Thích Tâm Trí, 42 tuổi, tại chùa Nisshinkutsu, nơi hỗ trợ cho người Việt ở Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi muốn gửi lại tro cốt của các đồng hương Việt Nam cho người thân của họ càng sớm càng tốt.”

Tính đến cuối năm 2019, khoảng 410.000 người Việt Nam sống ở Nhật Bản, nhiều người trong số họ là thực tập sinh kỹ thuật và sinh viên.

Khoảng 220.000 trong số 410.000 thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản đến từ Việt Nam.

Theo Đại sứ quán Việt Nam, hơn 10.000 người Việt Nam mong muốn được hồi hương.

Trong một thông báo hôm 5/6, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Vietnam Airlines tổ chức chuyến bay đặc biệt cho hơn 340 người hồi hương.

Trang này viết: “Trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, năng lực cách ly của các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.”

Theo VOA