Mất đất vì tờ giấy viết tay của chồng, và vì sự ‘ngu xuẩn’ của chính quyền

Nghe đọc bài

Câu chuyện mất đất của bà Trần Thị Xuân cũng làm sáng mắt nhiều người về cách hành xử của chính quyền xã, và cả bộ máy tòa án tỉnh Quảng Trị.

Một thửa đất, có tới hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Vợ chồng ông Phan Văn Sáng và bà Trần Thị Xuân (trú Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) có chung một miếng đất rộng 747m2 tại thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Miếng đất này được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào năm 2002.

Sau đó thì hai ông bà này “cơm không còn lành,canh không còn ngọt” nữa, và có khả năng ly hôn. Thay vì chờ tòa xử ly hôn, phân chia tài sản xong rồi muốn làm gì với tài sản của mình thì làm, ông Sáng lại bị “ma đưa lối, quỷ đưa đường” thế nào mà tự viết một tờ giấy tay, cho ông Thoại, em ruột của ông, toàn bộ mảnh đất này.

Điều lạ là dù giấy cho chỉ là một tờ giấy viết tay, không có chứng thực của môt cơ quan có thẩm quyền nào cả, thế nhưng vẫn được UBND huyện Vĩnh Linh cấp thêm cho ông Thoại một cuốn sổ đỏ nữa, ngoài cuốn sổ đỏ đã cấp cho gia đình ông Sáng năm 2002.

Thế là một thửa đất bỗng nhiên tồn tại trên hai sổ đỏ.

Sau khi phát hiện ra chuyện động trời này, bà Xuân nhiều lần viết đơn gửi đến các cơ quan chính quyền xã Vĩnh Sơn và huyện Vĩnh Linh yêu cầu hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Thoại nhưng không được giải quyết.

Có người cho rằng ông Thoại đã “chạy thuốc” nên được các cấp chính quyền “nhắm mắt”. Tuy nhiên bà Xuân cũng chẳng vừa, bà “tốc váy” kiện ông Thoại ra TAND huyện Vĩnh Linh để yêu cầu phải trả lại đất.

Xui cho bà Xuân là tòa huyện lại không chịu xử, mà lại đề nghị hai bên hòa giải. Bà Xuân lại xiêu lòng nghĩ, thôi hòa giải cho xong, miễn là lấy lại được phần đất của mình. Cái xiêu lòng của bà lúc đó khiến bà lại phải chạy long tóc váy cho đến giờ.

Ngày 23 Tháng Tư năm 2014, tại trụ sở UBND xã Vĩnh Sơn, vợ chồng ông Sáng cùng vợ chồng ông Thoại lập biên bản thỏa thuận phân chia tài sản. Theo đó, ông Sáng và bà Xuân chia đôi diện tích đất trong sổ đỏ của gia đình. Bà Xuân nhận 344m2, còn ông Sáng nhận 403m2 (mỗi người có 100m2 đất ở, còn lại là đất vườn). Phần đất của ông Sáng sau đó được ông chuyển cho ông Thoại theo hình thức tặng tài sản. Thỏa thuận này cũng thống nhất việc hai bên sẽ nộp lại các giấy tờ liên quan về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện để cấp đổi sổ đỏ mới.

Biên bản được UBND xã Vĩnh Sơn chứng thực, do ông Thân Trọng Dũng thời điểm đó đang là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) xã ký.

Nghe đến “chức vụ” của ông Dũng hồi đó, nhiều người đã đặt câu hỏi rồi: Ông Dũng chỉ là Chủ tịch UBMTTQVN xã, một tổ chức không có thực quyền, thì làm sao lại có quyền ký xác nhận trong bản thỏa thuận này?

Điều này bà Xuân không biết, nhưng ông Thoại có thể biết tờ giấy ông Dũng ký chẳng có giá trị nào cả nên ông ta vẫn cứ trây lỳ ra không trả lại phần đất cho bà Xuân.

Lúc này, ông Sáng cũng thấy thằng em mình tham lam quá, nhiều lần yêu cầu ông Thoại trả lại đất cho bà Xuân nhưng không được. Bà Xuân nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng của huyện can thiệp nhưng vẫn không được. Đầu năm 2021, bà Xuân khởi kiện ông Thoại ra TAND tỉnh Quảng Trị.

Bà Xuân lại tiếp tục bất ngờ trước sự “sáng suốt” của hội đồng xét xử, khi họ dù xác định giấy chuyển nhượng viết tay của ông Sáng và ông Thoại là không có giá trị, và việc UBND huyện Vĩnh Linh cấp sổ đỏ cho ông Thoại chồng lên phần đất đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Sáng cũng được tòa xác định là sai, nhưng lại bắt bà Xuân phải thực hiện theo biên bản thỏa thuận do ông Dũng ký xác nhận.

Bà Xuân không chịu, kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Cuối năm 2021, cơ quan này đã mở phiên xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa này cũng cho rằng biên bản thỏa thuận năm 2014 đã có hiệu lực nên phải thực hiện theo đó.

Điều “ngu xuẩn” của cả hai cấp tòa là họ bắt bà Xuân thi hành một quyết định trái pháp luật, khi người ký xác nhận chứng thực thời điểm đó là ông Thân Trọng Dũng không phải là lãnh đạo UBND xã. Ông Dũng cũng đã có văn bản xin rút lại việc chứng thực này và gửi đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng, trước khi cơ quan này mở phiên xử phúc thẩm.

UBND huyện Vĩnh Linh cũng nhận sai, đề nghị tòa tuyên hủy sổ đỏ.

Sau khi thua kiện ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Xuân đã làm đơn gửi chánh án TAND tối cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Chẳng biết bà ấy còn xui nữa không.

(Theo Tuổi Trẻ)