Mạng 5G: Pháp trên chuyến tầu cuối

Ngày 29/09/2020, chính phủ Pháp chính thức rao bán đợt một mạng 5G với phổ sóng từ 3,4-3,8GHz. Nhưng trước ngày khai mạc, tranh cãi dấy lên dữ dội tại Pháp giữa những người « nghi kỵ » và phe ủng hộ công nghệ mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, Pháp đang chậm trễ, nếu không bắt kịp chuyến tầu cuối này, đất nước có nguy cơ trở thành dạng « một nước “tự trị” của Mỹ hay là Trung Quốc ».

Sử dụng một phần phổ sóng trong khoảng từ 3,4 đến 3,8 GHz, công nghệ 5G mang đến một dải băng tần rộng hơn công nghệ 4G và cho phép một lưu lượng chuyển tải dữ liệu nhanh hơn đến gấp 10 lần. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một sự khởi đầu. Công nghệ 5G sẽ còn cho thấy rõ sức mạnh của mình nhiều hơn khi dải băng tần 26GHz, dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2023 tại Pháp.

Theo quan điểm của phe chủ trương công nghệ mới, mạng 5G được cho là chứa đựng nhiều hứa hẹn cho một cuộc cách mạng công nghiệp chẳng hạn như các vật dụng có kết nối. Việc có thể phân tích các dữ liệu tại một thời điểm thực tại cho phép xây dựng nhà xưởng hay kho bãi tự động hóa, cải thiện việc bảo trì các trang thiết bị, tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, hay nghĩ ra những thành phố « thông minh » có khả năng tối đa hóa các cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông trên bộ…)

Lập trường này đã không được một bộ phận người dân và giới chính trị tại Pháp tán đồng. Những người thuộc phe « nghi kỵ » cho rằng sóng mạng 5G có hại cho sức khỏe cộng đồng. Bởi vì, năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về bệnh ung thư từng xếp các tần sóng âm trong khoảng từ 30kHz – 300 GHz vào diện yếu tố có thể gây bệnh ung thư cho con người.

Vẫn theo phe chống, công nghệ mạng 5G là một nền công nghệ có hại cho môi trường. Lập trường này của phe nghi kỵ càng được củng cố khi ông Olivier Roussat, chủ tịch hãng viễn thông Bouygues Telecom, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Điều chỉnh Lãnh thổ và Phát triển Bền vững khẳng định : « Sau năm đầu tiên triển khai, tiêu thụ năng lượng của tất cả các hãng khai thác sẽ còn tăng lên đáng kể ».

Mặt khác, đối với phe chống, 5G sẽ chẳng có ích gì cho người tiêu dùng, ngoài việc « cho phép xem phim khiêu dâm có độ phân giải cao trong thang máy hay chỉ để kiểm tra xem có còn hũ yaourt nào trong tủ lạnh hay không » như lời chỉ trích đầy khiêu khích của ông Eric Piolle, thị trưởng thành phố Grenoble thuộc đảng Xanh.

Về điểm này, giới chuyên gia nhìn nhận công nghệ mới 5G đúng là chỉ giúp cải thiện dịch vụ hiện có đối với công chúng và giải tỏa bớt áp lực tình trạng quá tải mạng viễn thông hiện nay. Theo các dữ liệu từ Cơ Quan Điều Phối Viễn Thông Điện Tử Pháp, tiêu thụ dữ liệu của người sử dụng tăng đều 40% mỗi năm.

Tuy nhiên, với chính phủ tổng thống Macron, nước Pháp đang chậm trễ trong cuộc đua công nghệ này. Thế hệ mạng viễn thông mới này là thiết yếu, mang tính chiến lược cho tính cạnh tranh của nước Pháp. Quốc vụ khanh phụ trách mảng Kỹ thuật số, ông Cedric O cảnh báo Pháp không thể bỏ qua mạng 5G, nếu « muốn tái di dời các hoạt động sản xuất mang tính chiến lược và tái vũ trang nền kinh tế đất nước ».

Không có 5G, Pháp sẽ bị tụt hậu và mất đi tính hấp dẫn so với những nước được trang bị tốt hơn. Hậu quả là các nhà xưởng có nguy cơ sẽ di dời sang những nước khác để tận dụng bước vọt kỹ thuật do 5G mang lại. Do vậy, đối với bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, đây còn là « một thách thức về tính cạnh tranh và chủ quyền công nghệ » của đất nước.

Cuối cùng đối với chính phủ Pháp, việc rao bán các băng tần sóng 5G sẽ mang về một nguồn thu đáng kể 2,17 tỷ euro trong lúc ngân quỹ đang bị thâm hụt ngày càng nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh virus corona chủng mới gây ra.

Le Monde dẫn phân tích của Idate, Viện nghiên cứu chuyên ngành, cho rằng « Nước Pháp phải tăng tốc nếu như nước này không muốn trở thành một nước tự trị của Mỹ hay Trung Quốc ».

Theo RFI