Malaysia hủy dự án 10,5 tỷ USD liên quan tới Trung Quốc

Trên hầu hết hòn đảo nhân tạo nằm sát bờ biển Malaysia – nơi vẫn đang thi công dang dở dự án 10,5 tỷ USD, chỉ có một vài phương tiện cá nhân được phép đi vào khu vực đã dựng hàng rào.

Bên trong khu dự án Melaka Gateway, một bến tàu hiện đại dành cho tàu cực lớn đang được hoàn thiện. Các khu đất khác được phân cho các công trình bến phà và các khu thương mại. Các công trình này nằm trên eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Nằm xa hơn, một dự án cải tạo đất khác đang được tiến hành trên hòn đảo thứ hai. Toàn bộ dự án quy mô lớn này dự kiến hoàn thành trong 10 năm.

Tuy nhiên, giới chức Malacca – khu vực cách 90 phút lái xe so với thủ đô Kuala Lumpur – dường như vẫn không hài lòng với tiến độ này, Vào cuối tháng 11, chính quyền địa phương đã quyết định hủy dự án cải tạo đất giao cho nhà thầu KAJ Development vì sau 4 năm, dự án vẫn “không phát triển”.

Thủ hiến Malacca Sulaiman Ali khẳng định dự án Melaka Gateway sẽ không bị bỏ rơi nhưng sẽ do một nhà thầu khác đảm nhiệm. “Quá trình phát triển sẽ tiếp tục, nhưng chúng tôi có một số vấn đề kỹ thuật cần được sửa chữa”, ông Sulaiman nói.

Với nhà thầu KAJ, lời giải thích này được xem là “vô nghĩa” và họ đang cân nhắc biện pháp pháp lý chống lại Malacca.

“Chúng tôi không có lựa chọn nào. Dự án của chúng tôi bị hủy sau khi chúng tôi đổ rất nhiều nguồn lực thực hiện các nghiên cứu về tác động tới môi trường và trả chi phí cấp phép”, giám đốc điều hành KAJ Michelle Ong cho hay.

Bà Ong, 61 tuổi, cho biết công ty bà trong 30 năm qua đã phải bán nhiều tài sản để cấp vốn cho dự án.

Với giới quan sát, quyết định của Malacca với khu dự án Melaka Gateway rộng 246 héc-ta cho thấy dấu hiệu rằng các dự án liên quan tới Trung Quốc dường như đang bị lọt vào tầm ngắm ở Malaysia.

Yếu tố Trung Quốc

Malaysia hủy dự án 10,5 tỷ USD liên quan tới Trung Quốc - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Hoạt động cải tạo đất trong dự án Melaka Gateway (Ảnh: Nikkei)

Dự án quy mô lớn này được trao cho KAJ – một nhà thầu Malaysia vào năm 2016 dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Một năm sau đó, KAJ đã quyết định hợp tác với các công ty Trung Quốc PowerChina International Group, Shenzhen Yantian Port Group và Rizhao Port Group để cùng phát triển dự án. Trong số đó, PowerChina nằm trong tập đoàn nhà nước Trung Quốc State Power Investment.

Mặc dù đây là một dự án tư nhân, tuy nhiên, những hoài nghi xung quanh sự xuất hiện của công ty Trung Quốc trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, công trình này có thể sẽ trở thành một phần của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.

Chính quyền kế nhiệm ông Najib do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad dẫn đầu vốn có quan điểm không ủng hộ những dự án có thể làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Malaysia. Ngoài Melaka Gateway, Malaysia cũng đã dừng các dự án đường sắt East Coast Rail Link trị giá 16,2 tỷ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Dự án East Coast sau đó đã được phép tiếp tục xây dựng sau khi chi phí đã được cắt giảm xuống 5,3 tỷ USD.

Trong quá trình rà soát các dự án hợp tác với Trung Quốc sau khi lên nắm quyền tháng 5/2018, chính phủ của ông Mahathir cũng từng thu hồi giấy phép điều hành cảng của công ty KAJ. Tuy nhiên, sau khi KAJ đòi bồi thường thiệt hại, giấy phép trên được cấp lại trong 7 tháng.

Bà Ong cho rằng vai trò của các nhà thầu Trung Quốc trong dự án Melaka Gateway đã bị thổi phồng quá mức. Bà cho biết 3 công ty này tham gia với vai trò đối tác kỹ thuật, mua sắm vật tư và xây dựng.

Bà cũng tiết lộ thêm hợp đồng với PowerChina đã bị hủy năm ngoái do công ty Trung Quốc không hoàn thành nghĩa vụ. Việc hợp tác với Shenzhen Yantian Port Group và Rizhao Port Group cũng đã bị đình chỉ từ năm 2018. Năm 2019, hoạt động cải tạo đất do những nhà thầu nhỏ hơn từ Trung Quốc tiến hành.

Bà Ong cũng phủ nhận dự án của KAJ nằm trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Bà cho rằng dự án chỉ “nhằm hưởng lợi từ con đường tơ lụa trên biển mà Trung Quốc đề xuất”.

Trả lời báo Nikkei, một quan chức cấp cao của Malaysia nói rằng việc KAJ không thừa nhận sự tham gia của Trung Quốc trong quá trình phát triển dự án, dẫn tới việc công trình này bị xếp vào nhóm “dự án Trung Quốc”.

“Nhà thầu KAJ càng trao nhiều hợp đồng cho phía Trung Quốc thì càng khiến sự nghi ngờ của chúng tôi gia tăng”, quan chức trên nói.

Bà Ong bác bỏ tuyên bố trên và nói rằng nhà thầu Trung Quốc được chọn dựa vào thành tích và khả năng hoàn thành đúng hạn dự án.

Theo Dân trí