Luật sư chỉ trích CSVN vụ bắt Nguyễn Thúy Hạnh

Bà Nguyễn Thúy Hạnh được công luận biết đến là người khởi xướng Quỹ 50K giúp tù nhân lương tâm. Courtesy of Facebook Nguyen Thuy Hanh

Ý kiến của giới luật sư nói vụ bắt blogger Nguyễn Thúy Hạnh cho thấy nhà cầm quyền CSVN đang “khan hiếm dần những người muốn bắt, cần bắt nên rồi đây, có lúc phải bắt ép” vì hoạt động của bà này “không nguy hiểm tới mức như người ta suy diễn”. 

Nguyễn Thúy Hạnh được công luận biết đến là người khởi xướng Quỹ 50K giúp tù nhân lương tâm. Hồi năm ngoái, sau vụ nhà cầm quyền CSVN tấn công võ trang ở Đồng Tâm, bà là người tiếp nhận tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình (người bị bắn chết trong cuộc tấn công) qua tài khoản cá nhân. Ngân hàng Vietcombank sau đó đã đóng băng tài khoản của bà Hạnh theo lệnh của Bộ Công an CSVN.

Trên thực tế, bà Hạnh không phải nhà hoạt động, nhưng lại bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự CSVN 2015.

“Không đáng bị bắt, không nên bị bắt”

Một tuần sau thời điểm bà Hạnh bị bắt, Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội chia sẻ: “Trước khi bị bắt khoảng một tuần, bà Hạnh có qua văn phòng tôi ký giấy mời luật sư để tôi giúp cô yêu cầu gỡ phong tỏa tài khoản ngân hàng [nhận phúng điếu ông Lê Đình Kình từ cộng đồng], đồng thời bà cũng ký luôn giấy mời luật sư phòng khi gặp chuyện bất ngờ. Không biết có phải vì bà có linh cảm gì trước hay không. 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (thứ ba, trái qua) ngồi cạnh ông Nguyễn Tường Thụy, 71 tuổi, đang thọ án 11 năm tù với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước”. Courtesy of Facebook Nguyen Thuy Hanh 

Chỉ sau khi tôi ký đơn yêu cầu và gửi đi mấy ngày, người ta bắt bà. Không biết có phải tại tôi, tại yêu cầu của tôi mà bà ấy bị bắt đi nhanh hơn không nữa. 

Dù rằng luôn nhắc nhở mình, không để cảm xúc lấn át. Tình cảm và trách nhiệm của người luật sư phải là rất rõ ràng, không được đánh đồng. Thế nhưng, tôi cảm nhận sự ấm áp, chân tình từ bà Hạnh. Tôi không nói ra nhưng trong tâm tôi, tôi coi bà như mẹ tôi vậy. Tôi nghĩ rằng, người như bà không đáng bị bắt, không nên bị bắt, bà không nguy hiểm tới mức như người ta đồn đoán, suy diễn. Có vẻ như đang khan hiếm dần những người muốn bắt, cần bắt nên rồi đây, có lúc phải bắt “ép”, kiểu như ta đi hái trái non.”

“Tha thiết làm một công dân yêu nước”

Vị luật sư từng tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ Đồng Tâm, bình luận thêm: “Việc bắt bà Hạnh càng làm cho người ta nhìn thấy rõ, làm việc tốt trong xã hội này không phải là chuyện dễ, nhất là khi mà việc đó không thuận theo ý chí của những người cầm quyền. Ranh giới giữa người tốt và người vi phạm pháp luật rất mong manh và người ta có thể “xử lý” bất kỳ lúc nào họ muốn.

Dân trí hiện nay không còn kém như xưa. Người dân hiểu hết nhưng chỉ vì an phận, vì hèn nên họ không dám lên tiếng mà thôi. Đa số những người bất đồng chính kiến, họ không sợ tù tội như những ông quan chức tham lam. Họ chỉ sợ họ hèn hoặc họ không được thể hiện suy nghĩ của mình tại toà chứ không sợ số năm tù mà mình sẽ bị tuyên. 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh từng nhiều lần biểu tình, giương biểu ngữ phản đối thái độ ươn hèn của nhà cầm quyền trước hành vi hung hăng của Trung Quốc. Courtesy of Facebook Nguyen Thuy Hanh

Thế nên, để giảm thiểu sự mâu thuẫn trong xã hội, đã đến lúc nhà nước này cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thẳng thắn đối thoại, lắng nghe phản biện từ người dân thay vì tìm cách ngăn cản, đấu tố hay bắt bớ họ, đúng như tinh thần mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 15/4/2021. Và cũng đã đến lúc cần định nghĩa đúng từ “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự để tránh trường hợp hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật một tuỳ nghi tới mức tùy tiện.”

Cùng thời điểm, ông Mạc Văn Trang, nhà quan sát, bình luận: “Nếu Thúy Hạnh muốn bỏ nước ra đi cũng thật dễ dàng. Con trai lớn của cô có bằng thạc sĩ bên Pháp, con thứ hai có bằng đại học bên Mỹ và đã có việc làm với lương cao, có thẻ xanh… Khi đủ điều kiện họ sẽ đàng hoàng bảo lãnh cho cô sang. 

Còn muốn “đi tắt đón đầu” như mấy đương kim đại biểu Quốc hội bằng cách mua quốc tịch thì Hạnh cũng đủ tiền. Nhưng Hạnh có bao giờ muốn rời bỏ đất nước mà cô yêu cháy bỏng và cũng vì quá yêu nước mà phải dấn thân đấu tranh cho những điều tốt đẹp. Cô chỉ tha thiết làm một công dân yêu nước, thương nòi chứ không thể khác, dù biết rằng khổ ải, hiểm nguy luôn rình rập.

Một chính quyền tự xưng là “của dân, do dân, vì dân”, có bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 và chương 2 Hiến pháp 2013 “tiến bộ”, nhưng lại chuyên dùng mưu hèn, kế bẩn, đầy đọa những người như Hạnh vào ngục tù, thì chỉ chứng tỏ bản chất thấp kém của chính quyền đó trước bàn dân thiên hạ và trước lịch sử.

Các thế lực đen tối không thể nào bôi nhọ, khuất phục được Nguyễn Thúy Hạnh vì cô yêu nước, thương dân với tâm hồn trong sáng, với trái tim bao dung, tràn đầy yêu thương và ứng xử cẩn trọng.”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn