Home Việt Nam Luật pháp cộng sản xử Ngọc Trinh như Ngọc Anh

Luật pháp cộng sản xử Ngọc Trinh như Ngọc Anh

Ngọc Trinh và Ngọc Anh
Nghe đọc bài

Rõ ràng những so sánh trong việc truy tố, bắt giam người mẫu Ngọc Trinh với việc phạm tội của ông Chu Ngọc Anh cho thấy có sự áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

Tình hình thực thi luật pháp ở Việt Nam trên thực tế hiện nay cho thấy cán cân công lý là điều dùng để chỉ sự công bằng của luật pháp, nó không ngang bằng nhau, rõ ràng nó đang lệch về một bên với nhiều lý do khác nhau.

Vụ án người mẫu Ngọc Trinh là một ví dụ. Cách đây không lâu cô bị công an ở Sài Gòn khởi tố bắt tạm giam ba tháng với tội danh “gây rối trật tự công cộng” với lý do điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác gây nguy hiểm.

Sau ba tháng bị khởi tố, ngày 15 Tháng Giêng, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin cho hay, Viện Kiểm Sát Nhân Dân ở Sài Gòn ban hành cáo trạng, truy tố nữ người mẫu này theo Khoản 2, Điều 318 BLHS với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù. Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 2 Tháng Hai tới đây.

Qua vụ này, giới chuyên gia cho rằng việc xử lý để răn đe là điều cần thiết, nhưng nên dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, bằng tiền hay lao động công ích… là đủ.

Tuy Viện Kiểm Sát xác định bị can Ngọc Trinh có tình tiết giảm nhẹ hình phạt là ăn năn hối cải, đã thành thật khai báo, nhưng cũng có tình tiết tăng nặng, là phạm tội nhiều lần nên bị truy tố với khung hình phạt như nêu trên.

Trên mạng xã hội, có nhiều người thắc mắc, vì sao Ngọc Trinh lại bị truy tố đến mức hình phạt có thể lên cao nhất là bảy năm tù hoặc nhẹ nhất cũng là hai năm tù như vậy? Đồng thời, người ta so sánh với trường hợp của ông Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ, cựu chủ tịch Hà Nội, bị Hội Đồng Xét Xử vụ đại án Việt Á cũng tuyên phạt bản án ba năm tù giam, gần tương đương với mức án thấp nhất đối với người mẫu Ngọc Trinh.

Ai cũng biết bị cáo Chu Ngọc Anh bị truy tố “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Ngoài ra, bị cáo Chu Ngọc Anh trước đó đã bị Bộ Công An khởi tố và khám xét nơi ở, với lý do nhận $200,000 từ ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Việt Á.

Công luận thấy rằng, nếu so sánh hành vi phạm tội “đua xe” của người mẫu Ngọc Trinh, với các hành vi phạm tội của ông Anh, đó là chưa kể tới hành vi nhận hối lộ, hành vi nào nguy hiểm hơn và tại sao có cùng một mức án gần như nhau?

Tệ hơn nữa, Bộ Công An đã bỏ qua không truy tố tội danh nhận hối lộ của ông Chu Ngọc Anh, chỉ coi hành vi phạm tội đó là hành vị nhận quà. Bộ Công An cho rằng ông Chu Ngọc Anh không đòi hỏi hay tác động để ông Việt phải biếu món quà vừa kể.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam hiện hành, hành vi nhận $200,000, tương đương gần 5 tỷ VND sẽ nhận bản án từ 20 năm tù đến chung thân.

Rõ ràng những so sánh trong việc truy tố, bắt giam người mẫu Ngọc Trinh với việc phạm tội của ông Chu Ngọc Anh cho thấy có sự áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

Theo định nghĩa, “Tiêu chuẩn kép là cùng một sự việc, hành động, nhưng lại có nhận định đánh giá theo nhiều hướng khác nhau, xử lý tùy theo cái nào có lợi và phù hợp với mục đích của mình, đa số dùng để bao biện hoặc hợp lý hóa cho hành vi của mình, áp đặt lên phía còn lại.”

Trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, việc điều tra, xét xử các vụ án, nếu áp dụng “tiêu chuẩn kép,” có nghĩa là, “hai sự việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau.”

Điều 16, Hiến Pháp Việt Nam, năm 2013 sửa đổi quy định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là, nhà nước phải bảo đảm tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật và có quyền không bị phân biệt đối xử được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ.

Đồng thời, luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, việc con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt và kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý. Mà bất kỳ tổ chức, công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật.

Ví dụ kể trên chỉ là một trong muôn vàn những bản án bất công ở một quốc gia có nền tư pháp thiếu công lý, nổi tiếng với những bản án bỏ túi như ở Việt Nam.

Phải chăng chế độ toàn trị của đảng Cộng Sản không do nhân dân trực tiếp bầu ra nên đảng đã tạo ra những đặc quyền, đặc lợi để bảo vệ “người của chế độ,” và tiêu chuẩn kép được áp dụng trong xét xử vụ án tham nhũng của quan chức và những bị can từng là quan chức lãnh đạo, và họ được áp dụng mức án “nhẹ” hơn theo luật định?

(Theo Người Việt)

Exit mobile version