Luật nào giúp hoạt động từ thiện được công minh, không bị tố ‘xà xẻo’?

Từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn…. Nghị định này được cho là đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai; đồng thời khuyến khích cộng đồng chung tay đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Nghị định nhấn mạnh, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nếu các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Và mặc dù nó là pháp luật, nhưng nội dung của nghị định này lại không phù hợp với văn bản luật cao hơn nó. Đó là Bộ luật Dân sự. Vì thế, đây là văn bản cần được đề nghị bãi bỏ. Thứ nhất vì nó trái với Bộ luật dân sự; thứ hai là nó không phù hợp với nhu cầu của xã hội. – Luật sư Đặng Đình Mạnh

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông:

“Nội dung Nghị định 64/2008 hoàn toàn không phù hợp với hoạt động từ thiện của xã hội. Hoạt động từ thiện không phải là trách nhiệm riêng của Nhà nước mà nó là trách nhiệm của tất cả những ai đang quan tâm. Vì vậy, việc cứ ôm đồm việc này chỉ riêng cho cơ quan nhà nước sẽ làm mất đi hiệu quả từ công tác từ thiện do xã hội mang lại.

Và mặc dù nó là pháp luật, nhưng nội dung của Nghị định này lại không phù hợp với văn bản luật cao hơn nó. Đó là Bộ luật Dân sự. Vì thế, đây là văn bản cần được đề nghị bãi bỏ. Thứ nhất vì nó trái với Bộ luật dân sự; thứ hai là nó không phù hợp với nhu cầu của xã hội.”

Thực tế những năm qua cho thấy, Nghị định này không còn phù hợp vì người dân dường như không tin vào các tổ chức của chính phủ bằng các cá nhân, đặc biệt là giới nghệ sĩ.

Truyền thông trong nước cho hay, số tiền MC Phan Anh năm 2016 quyên góp được lên đến 24 tỷ đồng. Đó là con số kỷ lục đối với một cá nhân thời điểm đó. Số tiền mà diễn viên hài Hoài Linh quyên góp trong đợt lũ miền Trung tháng 10 năm 2020 là hơn 14 tỷ đồng, trong khi ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được hơn 100 tỷ đồng. Đây là số tiền kỷ lục của một cá nhân quyên góp với mục đích từ thiện, tính đến hôm nay.

Nhìn nhận thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội – cho rằng, việc ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi đóng góp, chia sẻ với người dân vùng lũ lụt là một hành động tốt, nhưng “một người điều hành 100 tỷ không thể bằng cả tổ chức được”. Cùng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng một nghị định nhằm thay thế Nghị định số 64.

Ngày 6 tháng 9 năm 2021, khi mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về việc thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện của các nghệ sĩ, Bộ Tài chính ra thông báo cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng nghị định mới. Nghị định này được soạn thảo theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện với những quy định cụ thể đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.

000_8T847F.jpg
Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam vào ngày 16 tháng 10 năm 2020. AFP

Cũng trong ngày 6 tháng 9, Chánh văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô khi trả lời báo chí cho biết, trong thời điểm dư luận đang quan tâm đến vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện, nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì cơ quan công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Theo ông Xô, đây là tội danh ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ hoặc ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để quản lý nguồn tiền được quyên góp từ cá nhân hay tổ chức, Nhà nước phải dựa trên các luật định. Nghị định 64 đã lỗi thời nên phải thay đổi:

“Nghị định mới chúng tôi đang hướng đề nghị sửa là phải công khai minh bạch. Một cá nhân hay tổ chức uy tín có thể đứng ra quyên góp. Nhưng trong vòng 10 ngày sau khi quyên góp phải công khai chi thu tài khoản đó. Nghị định 64 ban hành từ năm 2008, thời gian đã quá lậu rồi. Ngày xưa người ta đóng góp cho cơ quan chính trị xã hội, bây giờ người ta thấy có những nhân vật nổi tiếng, người ta tin tưởng người ta giao. Nhưng những người này lại không chuyên nghiệp.

Qua nghị định mới chính phủ sẽ sửa lại, khuyến khích người dân làm từ thiện nhưng phải công khai, minh bạch. Vấn đề là pháp luật phải quy định những điều đó để người ta đừng có lợi dụng. Tiền bạc phải rõ ràng, phân minh thì người ta mới tin tưởng được.

Trước đây chỉ nói là khuyến khích thôi chứ không có quy định cụ thể. Lần này phải sửa. Phải có những quy định, những cơ sở pháp lý rõ ràng để tránh trường hợp ăn chặn, biển thủ tiền quyên góp từ cộng đồng. Phải làm sao để không còn những gian dối để xảy ra những tranh chấp đáng tiếc. Phải có cơ sở pháp lý để hành xử đối với những người vi phạm pháp luật. Từ đó người dân cũng thận trọng hơn khi đóng góp, không thể chỉ bằng niềm tin như lâu nay.”

Có thể thấy, để tránh những nghi ngờ gây bất ổn xã hội và thiệt thòi cho người nghèo – đối tượng nhận cứu trợ, cả Nhà nước lẫn người làm từ thiện, đều cần có những điều chỉnh phù hợp.

Qua nghị định mới chính phủ sẽ sửa lại, khuyến khích người dân làm từ thiện nhưng phải công khai, minh bạch. Vấn đề là pháp luật phải quy định những điều đó để người ta đừng có lợi dụng. Tiền bạc phải rõ ràng, phân minh thì người ta mới tin tưởng được. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Hôm 30 tháng 3 năm 2021, tại buổi hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64 tổ chức tại Hà Nội, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, hoạt động cứu trợ tự nguyện có tổ chức cao của người dân từ đợt bão lũ miền Trung tháng 10 năm 2020 đã đặt ra các vấn đề về chính sách và pháp luật cần giải quyết, bao gồm: tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng; hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia; có chính sách nhất quán, ổn định để khuyến khích và hỗ trợ.

Ngoài chuyện các cá nhân đang bị tố ăn chặn tiền từ thiện, các cơ sở Nhà nước từ nhiều năm qua cũng bị báo chí Nhà nước phanh phui một số vụ việc. Chẳng hạn như năm 2019, cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng do các đoàn từ thiện tặng cho trung tâm nhân dịp Trung thu, ra bên ngoài khi trời tối và bị phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí. Có 12 người liên quan vụ tuồn hàng ra ngoài, trong đó có 8 cán bộ của trung tâm.

Cũng vào mùa bão lũ ở Quảng Bình cách đây vài năm, cán bộ thôn ăn chặn tiền từ thiện của dân một cách trắng trợn bị báo chí Nhà nước loan tải. Theo đó, sau khi đoàn từ thiện từ miền Nam đến thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, tỉnh Quảng Bình trao 53 suất quà trị giá 500 nghìn đồng cho 53 hộ dân. Khi đoàn cứu trợ rời khỏi thôn thì cán bộ thôn đến từng nhà thu lại mỗi người 400 nghìn đồng với lý do “để tập trung phân bổ chia đều cho các hộ dân”.

Theo RFA