Luật bảo vệ môi trường được thông qua với gần 92% phiếu tán thành

Nghe đọc bài

Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% tổng số đại biểu quốc hội tán thành.

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 17/11 đồng thời cho hay Luật bảo vệ môi trường (BVMT) mới với 16 chương và 171 điều qui định về hoạt động BVMT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Tuy vậy, nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường được qui định tại khoản 3, Điều 29 của luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021.

Một điểm đặc biệt được nêu ra trong Luật mới này là lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Cụ thể, Luật quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Ngoài ra, nội dung trong Luật BVMT mới sẽ cắt giảm 40% thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Như vậy, bắt đầu từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành sẽ thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014; đồng thời khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020 và Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018 cũng hết hiệu lực thi hành.

Ở một diễn biến khác, theo Tuổi Trẻ Online, trước giờ Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật BVMT sửa đổi, một ĐBQH ở An Giang là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng ông thấy cần phải hoãn việc thông qua dự luật này vì điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội.

Cụ thể ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là: “Việc công khai đánh giá tác động môi trường cho phép và đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức độc lập, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường. Nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người”.

Theo RFA