Little Saigon tưởng niệm Vua Quang Trung

Ý kiến nói quan trọng nhất là để cho thế hệ trẻ con cháu sau này còn thấy được di tích, biết được tại sao cho dù ở sát ngay bên cạnh Trung Cộng mà Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày nay. 

Đại lễ tưởng niệm Vua Quang Trung và 234 năm chiến thắng Đống Đa, chủ đề “Mừng Xuân Quý Mão, Nhớ Ngày Tây Sơn” do Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định tổ chức, diễn ra trọng thể hôm 29 Tháng Giêng (Mùng Tám Tết Quý Mão), trước tượng đài của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, tại góc đường Euclid và đường Emperor Quang Trung, thành phố Garden Grove.

Nghi thức khai mạc do Sĩ Quan Nghi Lễ-Không Quân Nguyễn Văn Chuyên điều khiển.

Ông cố vấn Cai Văn Khiêm, thành viên ban tổ chức, đã trình bày ba mục đích của ngày đại lễ: “Là để có cơ hội chúc Tết đến quý đồng hương, chúc thế giới hòa bình, quê hương yên vui, chúc mọi người mạnh khỏe và tràn ngập hạnh phúc yêu thương, thứ hai là dâng nén hương để tôn vinh Vua Quang Trung và nhà Tây Sơn với hai chiến thắng Mùa Xuân Rạch Gầm Xoài Mút 1785, và chiến thắng Đống Đa Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Hai chiến thắng lừng lẫy này để giữ vững sơn hà rất chính nghĩa bởi lẽ Vua Quang Trung và nhà Tây Sơn chỉ bảo vệ sơn hà chứ chưa bao giờ đem quân xâm chiếm một quốc gia nào khác cả! Chính nghĩa của nhà Tây Sơn nằm ở đó.”

“Và lý do thứ ba vô cùng quan trọng là trong tượng đài Vua Quang Trung là tinh thần nhà Tây Sơn, phối hợp giữa lòng yêu quê hương và lòng đoàn kết. Chúng tôi muốn hâm nóng tình yêu quê hương, nhất là với giới trẻ ngày hôm nay, cùng lúc nhắc đến chiếu thư của Vua Quang Trung, nói rằng ‘Nay ta giao 11 trấn ở Bắc Hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự. Nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lý lẽ mới cũ mà chống đối nhau. Ấy là chỗ hậu vọng của ta.’ Tinh thần Quang Trung chính là tinh thần đoàn kết, và tinh thần Tây Sơn cần luôn được hâm nóng để đưa vào lòng những thế hệ trẻ của chúng ta hiểu thế nào là quê hương,” ông nói.

 

Tam ca Liên Trường Qui Nhơn, Ái Phương, Châu Phượng, Thanh Nga hợp ca “Xuân Họp Mặt” trong lễ tưởng niệm Đại Đế Quang Trung

Ông tiếp: “Nói về lịch sử phải nói đến tương lai. Chúng ta học lịch sử để tìm một hướng đi mới cho tương lai, chúng tôi mong các cộng đồng của chúng ta luôn luôn được gắn bó để đưa đến những làn sóng mới phục vụ cho quê hương và cho cộng đồng.”

Ban tổ chức trưng hai bảng cáo thị, do Vua Quang Trung ban ra trước khi xảy ra cuộc tấn công vào thành Thăng Long 1789, một là Huấn Dụ Đoàn Kết, (Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Tháng Sáu, 1788); và một Hịch Xuất Binh: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ” (Quang Trung Hoàng Đế, Tháng Mười Hai, 1788).

Sau khi ban tế lễ dâng hương trước bàn thờ, tiếp đến là các vị dân cử, cùng đồng hương tiến lên dâng hương trước bàn thờ khói hương nghi ngút, trong khi ông Lê Anh Dũng thuộc Gia Đình Lại Giang, đọc bài văn tế Vua Quang Trung trong tiếng chiêng trống vang trời, với hào khí thiêng liêng trong lời văn đanh thép trong khí thế tiến quân, và những ai oán ngất trời khi đất nước vẫn còn chìm trong trầm luân cơ khổ hiện nay.

Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, viện chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, nói: “Cho dù có trải qua bao nhiêu ngàn năm nữa, tinh thần bất khuất vĩ đại của người Việt nói chung, vẫn tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân mở cõi, từ Vua Hùng khai quốc, cho đến các bậc tiên đế, đặc biệt là Vua Quang Trung, là một đại anh hùng dân tộc, một thiên tài về mọi mặt, đã thực hiện những kỳ công khiến con dân nước Việt ngàn năm trọng đức nhớ ơn.”

Các dân cử cùng cộng đồng cùng tế lễ dâng hương trong lễ tưởng niệm Vua Quang Trung

“Ở phương Bắc đã dẹp được chúa Trịnh, về phương Nam an bằng chúa Nguyễn, chấm dứt Trịnh Nguyễn phân tranh, đó là công lớn. Sau trận tốc chiến tốc thắng đánh tan 20 vạn quân Thanh ngày Mùng Năm Tết năm Kỷ Dậu 1789, khi bên trời Tây họ làm cách mạng mở ra phong trào tự do dân chủ, thì bên mình Vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, giữ vẹn toàn lãnh thổ đất nước nước Việt Nam, lại còn đánh tan quân Xiêm La tại trận Rạch Gầm-Xoài Mút,” hòa thượng nói tiếp.

“Là con dân nước Việt dù ở bất cứ thành phần nào, dù là tu sĩ hay sĩ nông công thương, dù là nam phụ lão ấu, là con Hồng cháu Lạc bốn ngàn năm văn hiến, thì phải tự hào có những bậc anh hùng như thế. Hội Tây Sơn Bình Định qua mấy chục năm rồi vẫn duy trì để hun đúc tinh thần chí khí của người Việt, dù xa quê hương ngàn dặm vẫn không quên tổ quốc, dù có vất vả mưu sinh cơm áo gạo tiền, nhưng vẫn không quên những bậc anh hùng hào kiệt của dân tộc, luôn nêu cao chí khí, xứng đáng với tiền nhân!,” hòa thượng nói thêm.

Hòa thượng chia sẻ thêm: “Dù tôn xưng đại đế Quang Trung nhưng vẫn không quên công đức của các vị Vua Lê, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn. Với cái nhìn của nhà Phật, chúng tôi nhìn thấy đó chẳng qua là những duyên nghiệp với nhau trong ba đời, mỗi người trong một vai trò lịch sử của mình mà thôi. Đừng vì mình là hậu duệ của dòng họ này mà thù hận dòng họ kia! Hãy để ơn trên an bài, sắp xếp có vay có trả.”

Ông Lê Anh Dũng, thuộc Gia Đình Lại Giang, cho hay: “Công sức xây dựng tượng đài Vua Quang Trung này do toàn thể dân chúng hải ngoại đóng góp tài chánh, mục đích là để con dân Việt luôn nhớ đến công cuộc chống quân xâm lược của những vị anh hùng chiến đấu để chống giặc phương Bắc, quan trọng nhất là để cho thế hệ trẻ con cháu sau này còn thấy được di tích, biết được tại sao cho dù ở sát ngay bên cạnh Trung Cộng mà Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày nay! Ngàn năm nữa và mãi mãi, nước Việt cũng không phụ thuộc vào đế quốc nào, chúng ta phải vươn lên trở thành dân tộc hùng cường.”

(Theo Người Việt)