Little Saigon ở San Francisco ‘không còn như xưa’

Hội Ái Hữu HO San Francisco trước cổng chào Little Saigon
Nghe đọc bài

“Đặc thù của cộng đồng người Việt mình, là muốn lịch sử ghi nhớ chúng ta từ đâu đến, muốn con cháu chúng ta biết rằng chúng ta không phải là cộng đồng di dân, tha phương cầu thực, mà là cộng đồng tị nạn Cộng Sản, đi tìm tự do,” chủ tuần báo Mõ cho hay.

“Welcome to Little Saigon-San Francisco-Sài Gòn Nhỏ.” Những bảng hiệu có dòng chữ này, treo trên các cột đèn dọc con đường Larkin, như “chỉ dấu” của cộng đồng người Việt ở địa danh nổi tiếng có cây cầu Golden Gate Bridge của tiểu bang California.

Little Saigon ở San Francisco chỉ “vỏn vẹn” trên con đường Larkin, đoạn từ ngã tư đường O’Farrell tới Eddy.

“Tuy chỉ là một ‘góc phố’ như thế, nhưng ‘Little Saigon ở San Francisco’ là một câu chuyện dài,” nhà báo Huỳnh Lương Thiện, chủ tuần báo Mõ, nói. “Thậm chí trước đây người ta còn định đặt là ‘Vietnam Town’ chứ không phải ‘Little Saigon’ như bây giờ.”

“Câu chuyện dài” mà ông Thiện kể cho chúng tôi nghe, có thể tóm gọn lại như sau.

Khởi đầu vào năm 1991, thị trưởng thành phố khi đó là ông Art Agnos khi đi dọc khu phố thấy có cơ sở kinh doanh của người Việt, thì nghĩ tại sao không lập ra Vietnam Town, tựa như China Town? Nhưng lúc đó cũng chỉ là ý tưởng của ông. Hết nhiệm kỳ, nơi đây cũng chưa có gì gọi là “Vietnam” hay “Saigon” gì cả.

Qua tới nhiệm kỳ sau, ông Willie Brown cũng tán thành việc lập nên một Vietnam Town ở San Francisco.

Ngày 23 Tháng Chín, 2003, Thị Trưởng Willie Brown ký nghị quyết thành lập khu văn hóa và thương mại Vietnam Town. Nhưng rồi thời gian qua mau, “Vietnam Town” cũng chỉ nằm… trên giấy.

Cho đến khi dưới thời của Thị Trưởng Gavin Newsom, nay là thống đốc California, cộng đồng người Việt ở đây mới được thành lập, với một ủy ban do ông Huỳnh Cát Minh làm chủ tịch, phó chủ tịch là ông Đặng Nguyễn Phú, nay đã nghỉ hưu.

Ngày 15/7/2008, khu phố Vietnam Town chính thức được khánh thành với cổng chào là hai trụ đá hoa cương đặt hai tượng lân khá đặc biệt.

Chuyện đặt hai bê có tượng lân cũng khá… phức tạp. Ông Thiện kể: “Vì thành phố chật hẹp quá, nên nếu xây dựng mô hình này sẽ phải san lấp vỉa hè. Cuối cùng, sau nhiều lần ‘tranh đấu’ thì hai trụ đá hoa cương được đặt xuống lề đường luôn.”

Cổng chào hình thành với chi phí hơn $100,000, trong đó, thành phố hỗ trợ $80,000, và cộng đồng đóng góp hơn $32,000 sau một cuộc gây quỹ.

Chỉ tấm bảng vàng khắc trên bệ đặt tượng lân, có hàng chữ “Little Saigon,” chúng tôi thắc mắc: “Vì sao không phải Vietnam Town mà lại là Little Saigon?”

Ông Thiện nói: “San Francisco có China Town, Japan Town, nhưng đặc thù của cộng đồng người Việt mình, là muốn lịch sử ghi nhớ chúng ta từ đâu đến, muốn con cháu chúng ta biết rằng chúng ta không phải là cộng đồng di dân, tha phương cầu thực, mà là cộng đồng tị nạn Cộng Sản, đi tìm tự do. Vì thế danh xưng ‘Saigon’ đã được chọn.”

Ngày khánh thành Little Saigon ở San Francisco, 15/7/2008

Nhưng tại sao không phải “Saigon Town” mà là “Little Saigon”? Ông Thiện giải thích: Khi chúng ta ra đi là đã mang theo một phần quê hương, một phần của Sài Gòn trong tâm tưởng. Nay có cơ hội đặt danh xưng, để nhớ về thủ đô Sài Gòn, nhớ những kỷ niệm xưa với những con đường cũ, khu phố nhỏ xinh, hay… người yêu bé bỏng, thì ‘Little Saigon’ cũng là dễ hiểu.”

Hơn 10 năm trước, Little Saigon ở San Francisco rất đông, lễ Tết có hơn 20,000 người dự là chuyện thường, tưng bừng.

Ông Lê Nguyên Bình, hội phó lo về nội vụ của Hội Ái Hữu HO San Francisco, nhớ lại: “Đầu những năm 1990, bà con gốc Việt đến đây sinh sống nhiều lắm. Hồi ấy chúng tôi đã có Trung Tâm Cộng Đồng người Việt San Francisco, Hội Ái Hữu HO San Francisco, Hội Cao Niên San Francisco, Hội Phụ Nữ San Francisco.”

Ông cho rằng, ý tưởng thành lập các hội, đoàn của người Việt là “bắt nguồn” từ Nam Califonia. “Chúng tôi nghĩ, dưới đó (Nam California) làm được, mình làm được! Dưới đó số 1, mình số 2,” ông Bình nói.

Từ ngày Little Saigon ở San Francisco được khánh thành, hằng năm nơi đây đều tổ chức kỷ niệm ngày Quốc Hận 30-4, Hội Chợ Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, do các Hội Phụ Nữ, Hội Cao Niên tổ chức với nhiều hoạt động mạnh. Trong đó, năm nào trường Việt Ngữ Âu Cơ cũng là nơi để các em được vui chơi Trung Thu.

“Không biết bao giờ mới được như ngày xưa”

Từ năm 2010, trường Việt Ngữ Âu Cơ, bắt đầu tiếp nối bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại San Francisco và Vùng Vịnh. Vào thời điểm đó, lớp học đàn tranh đầu tiên của chúng tôi được mở dưới sự hướng dẫn của nhạc sư Võ Vân Ánh. Lớp nhạc đã trưởng thành và được phát triển thành công cho cả ba thế hệ học viên.

Nhóm đàn tranh Sử Việt được thành lập vào năm 2010 do bởi lớp đàn tranh của Trung Tâm Văn Hóa Âu Cơ, do nhạc sư Võ Vân Ánh, người từng đoạt giải Emmy, phụ trách. Bên cạnh việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, định hướng và mục tiêu lâu dài của nhóm đàn tranh Sử Việt là đưa các thế hệ trẻ hòa nhập vào nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.

“Hồi ấy, các hoạt động văn hóa được duy trì thường xuyên,” ông Nguyễn Duy Hùng, thư ký Hội Ái Hữu HO San Francisco bồi hồi kể. “Giới trẻ tham gia rất đông, thí dụ mỗi năm chạy rước đuốc dân quyền, con cháu anh em HO, các vị cao niên đều có mặt đông đủ, cả từ San Jose và nhiều thành phố phụ cận.”

“Các con tôi ngày xưa, kêu đứa nào, đứa nấy đi liền. Nhưng khi các con lớn lên và có vợ con thì rất khó kêu chúng nó đi. Điều này ‘lực bất tòng tâm’ nên chúng tôi chỉ còn biết duy trì ngày nào hay ngày nấy.”

Ông Hùng có vợ là bà Tô Lệ Hằng, cô giáo dạy ở trường Việt Ngữ Âu Cơ suốt 24 năm qua, buồn rầu nói: “Mấy năm trở lại đây, trường cũng có tổ chức Tết Trung Thu đấy, nhưng quy mô không lớn như trước đây.”

Theo ông Thiện, rất nhiều chuyện của “thời hoàng kim” đã đi vào dĩ vãng, và để lôi kéo người trẻ gốc Việt tham gia hoạt động cộng đồng, cần “đầu tầu.” Nhưng các vị cao niên dần dần về hưu, chuyển đi tiểu bang khác sống cùng con cháu, hoặc qua đời.

Chúng tôi rất mong hậu duệ của mình giữ được truyền thống nên giờ chỉ còn trường Việt Ngữ Âu Cơ, nơi mà cho đến nay vẫn còn duy trì dạy nhạc, tiếng Việt cho các em.

Hiện nay, cộng đồng người Việt ở San Francisco khoảng 17,000 người. San Francisco vẫn rất hấp dẫn du khách thập phương, nhưng để duy trì hoạt động một “tiểu Sài Gòn” như ở các thành phố khác, có lẽ chỉ còn trông chờ vào các doanh nghiệp thành công như tiệm Thăng Long, phở Tháp Rùa, tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches,…

Một chút nuối tiếc, bà Uyên Trần, một trong những cư dân có hơn 30 năm sống ở San Francisco, cho biết: “Không biết bao giờ mới được như ngày xưa. Từ trước COVID-19, hoạt động của cộng đồng người Việt ở đây đã đi xuống. China Town vẫn ‘sống’ và Japan Town cũng còn, nhưng Little Saigon giờ chỉ còn… biểu tượng, là hai trụ đá hoa cương.”

Tuy nhiên, với cộng đồng người Việt ở đây, hai tiếng “Sài Gòn” luôn là tình yêu và nỗi nhớ, và như lời ông Huỳnh Lương Thiện, “Sài Gòn” sẽ luôn là một phần không thể nào quên trong tâm tưởng của những người con xa xứ.

(Theo Người Việt)