Liệu xe điện VinFast ‘có cửa’ ở Mỹ hay không?

Chưa có khách hàng tương lai nào ở Mỹ được chạy thử xe điện VinFast

Ý kiến nói đường phố Việt Nam vẫn nhiều xe Nhật vì dân mình chuộng Toyota, Honda, Lexus hơn. Chỉ có những đại gia tiêu đôla như đốt tiền âm phủ nên việc mua một chiếc VinFast chẳng tốn kém, sử dụng ít lâu có hư hỏng cũng không tiếc.

California có gần 40 triệu dân, đông nhất nước Mỹ, sẽ là thị trường tốt cho xe điện trong những thập niên tới. Tiểu bang đã và đang thu hút các công ty xe điện đem sản phẩm vào, trong đó có VinFast của Việt Nam là một công ti còn rất non trẻ, mới ra đời năm 2017, từ một đất nước đang phát triển, chưa được biết đến với những sản phẩm kỹ nghệ cao.

Tháng 11 năm ngoái, VinFast đã đưa hai mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tham gia triển lãm ô tô tại thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ để giới thiệu với khách hàng tương lai. Đây là lần đầu tiên một công ty ô tô từ Việt Nam mang mẫu sản phẩm vào Mỹ quảng cáo chào hàng.

Từ tháng 4 trên Facebook và một số báo mạng tại Hoa Kỳ có những quảng cáo mời khách hàng mua xe VinFast chỉ cần đặt cọc 200 đôla Mỹ. Một đợt khuyến mãi khác cho những ai đặt mua xe trước sẽ được ba đêm miễn phí ở khu nghỉ dưỡng VinPearl Nha Trang.

Chưa biết khi nào mới thực sự thấy xe VinFast chạy bon bon trên đường phố Mỹ và lâu dài có được người tiêu dùng tín nhiệm hay không.

Sau trưng bày xe mẫu tại các cuộc triển lãm, ở một vài khu vực như Quận Cam và vùng San Francisco nhiều người đã thấy một mẫu xe VinFast được đặt trong tủ kính trên một xe tải chạy lòng vòng qua phố, dừng ở chỗ đông người qua lại để quảng cáo.

Các mẫu xe VF8 và VF9 trông như xe SUV loại nhỏ. Còn máy xe ra sao thì chưa khách hàng tương lai nào được chạy thử.

Một cửa hàng VinFast tại Mỹ

Vì sản phẩm được quảng cáo cho người Việt ở Mỹ nhiều hơn nên dân Mỹ ít người biết về một dòng xe điện có thương hiệu Việt Nam, đơn giản vì chưa thấy VinFast cho chạy quảng cáo trên tivi, báo chí Mỹ như nhiều xe thường xuyên quảng cáo khuyến mãi.

VinFast VF8 là chiếc xe duy nhất trong phòng trưng bày, giá căn bản 46.000 đôla và có bảo hành cho 125.000 miles (1 mile = 1.6 km) hay 10 năm. Như thế bảo hành về số miles của VinFast cao hơn xe Hyundai hay KIA của Nam Hàn. Còn thời gian 10 năm cũng giống như hầu hết các xe mới bán ra tại Mỹ.

Khác những xe điện đang có trên thị trường, pin của xe VinFast phải thuê theo giá 40 đôla cho 600 ev miles hay 120 đôla một tháng thì chạy không giới hạn. Khi hiệu năng pin xuống còn 70% công ti sẽ thay pin mới miễn phí.

Khách hàng đã đặt cọc 200 đôla để mua xe, nếu quyết định lấy xe và không khấu trừ số tiền đó vào giá thành thì sẽ được 3 tháng sạc bình điện nhanh.

VinFast dùng công nghệ vỏ xe từ Ý, máy xe từ Đức nhưng nếu dùng pin sản xuất với chất graphite từ Trung Quốc sẽ không được ưu đãi trừ thuế, vì để sản xuất ra hợp chất này sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, không phù hợp với chính sách hiện hành của Hoa Kỳ.
VinFast VF8 và VF9 với giá trên dưới 50.000 đôla, nếu được ưu đãi trừ 7.500 đôla thuế thu nhập thì giá thành cũng không đắt lắm vì mẫu mã như SUV loại nhỏ, so với một xe Tesla dòng S hiện nay là khoảng 70.000 đôla.

Thị trường Mỹ hiện nay đã có xe điện với nhiều thương hiệu của Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Đức. VinFast nhảy vào sẽ là cuộc tranh đua gắt vì phải chứng minh được chất lượng sản phẩm không kém các loại xe đang được nhiều người quen dùng.

Văn phòng của VinFast đã được di chuyển từ Việt Nam qua Singapore, vì theo lãnh đạo của công ti việc kế toán và kiểm toán trong nước chưa đạt tiêu chuẩn tài chính quốc tế, như thế rất khó để cơ quan SEC (U.S. Securities and Exchange Commission) cho lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ.

Điều làm cho giới đầu tư e ngại về tương lai VinFast là sự kiện hôm tháng Sáu vừa qua các giới chức cao cấp người nước ngoài làm việc cho VinFast bỗng dưng nghỉ việc, gồm Emmanuel Bret, phó tổng giám đốc thương mại toàn cầu; Franck Euvrard, phó tổng giám đốc phát triển sản xuất; Hong Bae, phó tổng giám đốc phát triển kỹ thuật; và Bruno Tavares đứng đầu về tài chánh (CFO).

Gần đây báo chí trong nước còn đưa tin về số nợ khổng lồ của VinGroup, lên đến 376.000 tỷ đồng, có phải là quá cao so với giá trị sản phẩm thực của công ty.

Sau đó, từ hôm 30/8, nhiều báo ở Việt Nam lại đăng bài nói rằng các chỉ số tài chính của VinGroup vẫn đang ở ngưỡng “rất an toàn”.

Một số người vẫn nghi ngờ, cho rằng tập đoàn VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng, với Bộ Chính trị đứng sau, nhất quyết không để những chỉ trích hay thông tin không tốt về VinFast được loan truyền.

Hiện nay bà Lê Thị Thu Thủy là bề mặt của VinFast trên thương trường quốc tế. Liệu bà có đủ uy tín và kinh nghiệm để thuyết phục những nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu của VinFast một khi lên được sàn chứng khoán Phố Wall.

Xe VinFast chủ yếu bán cho “âm binh”

Mọi việc đang chậm lại. Lãnh đạo của VinFast đã phải đẩy lùi các kế hoạch để sản phẩm có mặt tại thị trường Mỹ và lên sàn chứng khoán qua năm 2023. Sau vài năm sản xuất xe chạy bằng xăng dầu ở Việt Nam, VinFast nay cũng đã quyết định ngưng sản xuất loại xe này và chỉ còn sản xuất xe điện.

Đến nay chưa có những đánh giá khách quan về xe VinFast trong thị trường Hoa Kỳ vì sản phẩm chưa có khách hàng sử dụng. Thời gian sẽ cho biết xe điện VinFast có được người sử dụng đánh giá cao hay không?

Xe VinFast chưa chạy trên đường phố Mỹ mà sau lần đem xe đi triển lãm ở Los Angeles vào tháng 11, 2021 báo chí trong nước đã ca ngợi VinFast lên tận mây xanh.

Tôi hỏi một người trong nước về số người Việt làm chủ xe VinFast, anh cho biết đường phố vẫn nhiều xe Nhật vì dân mình chuộng Toyota, Honda, Lexus hơn. Anh nói có những đại gia tiêu đôla như đốt tiền âm phủ nên việc mua một chiếc VinFast chẳng tốn kém, sử dụng ít lâu có hư hỏng cũng không tiếc.

Chất lượng của xe VinFast chưa biết ra sao. Ai sẽ bỏ 50.000 đôla để mua xe trong thời gian đầu chào hàng ở Mỹ, có phải họ là những âm binh, xài đôla như tiền âm phủ?

Bùi Văn Phú