Liệu Việt Nam đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020?

Phân bổ vốn nhà nước đạt mức cao nhất giai đoạn 2016-2020

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào trung tuần tháng 9 cho biết nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2020 được phân bổ trong tháng 8 tăng hơn 45% và trong 8 tháng qua tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ vừa nêu được ghi nhận đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2020,  giải ngân được đạt 250 ngàn tỷ đồng, tương đương 50,7% kế hoạch năm.

Nguyên nhân giải ngân chậm, được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích rằng vẫn bao gồm các yếu tố tồn tại cố hữu trong thời gian dài như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác bao gồm việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, cũng như việc triển khai có nhiều bất cấp giữa các cơ quan bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Nguồn vốn ODA giải ngân chậm

Bây giờ ông Thủ tướng quyết tâm như thế trong lúc một số ngành và địa phương trả lại vì người ta không hoàn thành, trong khi còn một số nơi quyết tâm thực hiện đạt 100%. Nhưng đây là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam thì không biết năm nay như thế nào. Ông Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể ở từng khâu, từng địa phương, từng ngành một với các đề án hết rồi. Nhưng theo tôi nghĩ thì vấn đề không đơn giản mà cũng rất là khó khăn
-Tiến sĩ Ngô Trí Long

Liên quan đến nguồn vốn ODA bị giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết thêm rằng nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch COVID-19, mà mọi hoạt động của các dự án đều bị chậm lại bao gồm về yếu tố con người như chuyên gia, nhà đầu tư và cả về tư vấn, giám sát, nhập khẩu máy móc…

Trao đổi với RFA, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, từng đưa ra nhận định về tình trạng giải ngân vốn ODA tại Việt Nam trong thời gian qua:

“Trước đây nhiều bộ ngành cho rằng vốn ODA là vốn cho không, nếu xin được dự án đầu tư thì bộ ngành mình, địa phương mình sẽ có dự án, từ đó có công ăn việc làm và khả năng tăng trưởng phát triển, vì thế họ cứ vẽ ra và xin chứ không tính đến hiệu quả kinh tế, cũng như tác động đến môi trường… Khi đó đã được phê duyệt, có vốn vay… nhưng đến bây giờ do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả kinh tế, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì thấy có không hiệu quả nhưng vẫn làm… như vậy có tham nhũng không? Nên nhiều nơi đã xem xét dừng dự án, trả lại vốn đầu tư công.”

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/8/2020.Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/8/2020. AFPQuyết tâm của Thủ tướng về giải ngân đầu tư công

Vào khi Việt Nam trở lại hoạt động bình thường,  sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, hồi trung tuần tháng 7 đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân làm trưởng đoàn kiểm tra tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và một số địa phương khác.

Mới đây nhất, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu từ công sau 8 tháng 2020 và trình một số biện pháp nhằm cải thiện tình trạng giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải “đồng bộ” cùng tăng tốc để giải ngân đạt mức cao nhất 100% trong năm 2020. Bởi vì, giải ngân đầu tư công được coi như là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế. Và theo Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư công thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Do đó, mục tiêu của Việt Nam trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải “nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, vào tối ngày 18/9, lên tiếng với RFA rằng ý chí và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về giải ngân đầu tư công trong năm 2020 là rất cao; thế nhưng thực tiễn có hoàn thành được hay không thì phải chờ đợi kết quả mà thôi.

Trước đây nhiều bộ ngành cho rằng vốn ODA là vốn cho không, nếu xin được dự án đầu tư thì bộ ngành mình, địa phương mình sẽ có dự án, từ đó có công ăn việc làm và khả năng tăng trưởng phát triển, vì thế họ cứ vẽ ra và xin chứ không tính đến hiệu quả kinh tế, tác động đến môi trường… Khi đó đã được phê duyệt, có vốn vay… nhưng đến bây giờ do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả kinh tế, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì thấy có không hiệu quả nhưng vẫn làm… như vậy có tham nhũng không? Nên nhiều nơi đã xem xét dừng dự án, trả lại vốn đầu tư công
-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh

“Bây giờ ông Thủ tướng quyết tâm như thế trong lúc một số ngành và địa phương trả lại vì người ta không hoàn thành, trong khi còn một số nơi quyết tâm thực hiện đạt 100%. Nhưng đây là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam thì không biết năm nay như thế nào. Ông Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể ở từng khâu, từng địa phương, từng ngành một với các đề án hết rồi. Nhưng theo tôi nghĩ thì vấn đề không đơn giản mà cũng rất là khó khăn.”

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, vào ngày 17/9, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ với giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries trong chiều cùng ngày.

Tại buổi gặp gỡ này, Thủ tướng Việt Nam chia sẻ thông tin về tỷ lệ giải ngân các chương trình dự án ADB trong 8 tháng năm 2020 chỉ đạt 36% và còn đến khoản hơn 900 triệu USD cần được giải ngân theo kế hoạch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị với đại diện của ADB cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn còn lại để nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Andrew Jeffries nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng ADB đánh giá Việt Nam đã bắt đầu thoát khỏi đại dịch COVID-19 và ông hứa hẹn sẽ cố gắng hết khả năng của mình trong nhiệm kỳ, để hỗ trợ Việt Nam tốt hơn.

Đài RFA nêu vấn đề liệu rằng chỉ còn vỏn vẹn 1 quý cuối cùng của năm 2020, ADB sẽ thực hiện giải ngân số vốn còn lại hơn 900 triệu USD theo như đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không? Tiến sĩ Ngô Trí Long giải thích:

“Muốn giải ngân được hay không thì không phải ngân hàng ADB có một cục tiền là đưa ngay, mà họ phải kiểm tra, goám sát xem có đúng mục đích, đúng chi tiêu, thực tế đúng theo cam kết hay không…chứ không phải cứ có tiền là giải ngân được. ADB phải kiểm tra, kiểm soát một cách hết sức chặt chẽ từng khâu một, tiến triển như thế nào, thực thi được bao nhiêu, nội dung công việc ra sao, kế hoạch có khả thi hay không…Không phải ông Thủ tướng nói thì họ sẽ giải ngân cho đâu.”

Đứng trước tình thế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam rất cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng khó có thể lạc quan qua quyết tâm của Chính phủ Hà Nội.

Hồi trung tuần tháng 8, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh-giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, được VnExpress dẫn lời cho rằng Việt Nam nên bỏ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, và mục tiêu năm 2020 chỉ tập trung vào tăng trưởng ở mức tối đa có thể trong điều kiện giữ ổn định và an toàn tốt nhất về y tế.

Đối với tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, thì một trong những giải pháp có thể áp dụng cho “căn bệnh trầm kha” giải ngân vốn đầu tư công chậm là:

“Chính quyền cũng nên có những gói tưởng thưởng vật chất tương xứng theo giá trị thị trường (tương đương với mức thưởng mà các doanh nghiệp lớn làm) mỗi khi một dự án ODA thực hiện đúng tiến độ như đề xuất.”

Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, vào hạ tuần tháng 7, đề nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều chuyển số tiền vốn vay đầu tư công còn thừa hơn 1.800 tỷ đồng sang cho các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.

Vào cuối tháng 8, Bộ tài chính cho biết 9 bộ, ngành xin trả lại 3.700 tỷ đồng vốn ODA, chiếm 32% dự toán được giao.

Trong một cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với địa phương trong tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng “chậm giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm người đứng đầu”.

Theo RFA