Liên Hiệp Châu Âu đổi chiến lược, vừa “đối thoại” vừa “đấu tranh” với Nga

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Nga sẽ không diễn ra trong trước mắt do không hội tụ đủ điều kiện, dù được Pháp và Đức ủng hộ nhiệt tình, còn phía Nga cũng đánh giá là “thực sự cần thiết”. Tuy nhiên, thay vì chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt, Bruxelles sẽ mở thêm kênh “đối thoại” với Matxcơva trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang “ở mức thấp nhất”.

Đây là nhận định được người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell nêu trong báo cáo công bố ngày 16/06/2021 về cách tiếp cận mới trong mối quan hệ với Nga và được chính ông khẳng định là “thực dụng” gồm ba điểm : “đáp trả, gây sức ép và đối thoại”.

Trừng phạt kinh tế không mang lại hiệu quả mong muốn

Từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, Bruxelles đình chỉ mọi cuộc họp thượng đỉnh với Nga và ban hành trừng phạt. Thậm chí Liên Hiệp Châu Âu mới nâng thêm một bậc các biện pháp trừng phạt : Thay vì chỉ nhắm vào cá nhân, sắp tới sẽ nhắm đến cả nhiều lĩnh vực kinh tế Nga, nếu thấy cần thiết. Chiến lược này đi ngược với cách tiếp cận truyền thống “xen kẽ giữa ngăn chặn và hợp tác” của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga, theo giải thích của chuyên gia Sarah Pagung, với đài France 24. Từ năm 2014, “phần ngăn chặn đã chiếm ưu thế”.

Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt này mang lại hiệu quả không như mong đợi. Càng phải đối mặt với trừng phạt, chính quyền Matxcơva càng tìm cách củng cố sức mạnh trên nhiều hồ sơ, từ đối nội (nhân quyền, triệt đối lập) đến đối ngoại (tấn công tin học, ủng hộ chế độ Lukachenko ở Belarus, can thiệp ở Thượng Karabakh, Syria, Mali, Trung Phi…). Trong khi trên thực tế, Bruxelles cần đến Matxcơva để giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế. Trừng phạt kinh tế Nga cũng tác động đến Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Liên Hiệp Châu Âu cũng bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Chính vì vậy, trả lời đài France 24, ông Zachary Pakin, chuyên gia về quan hệ Nga-châu Âu tại Trung tâm Nghiên Cứu Chính Sách Châu Âu (CEPS), cho rằng “mục tiêu giảm căng thẳng với Matxcơva cũng có thể là hướng đến việc tạo những cơ hội kinh doanh mới với Nga”. Tại Bruxelles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu điểm này khi nhấn mạnh đến “đối thoại để bảo vệ lợi ích” của Liên Hiệp Châu Âu và để bảo đảm “ổn định” cho châu lục nhưng “sẽ không nhân nhượng những giá trị và lợi ích của (khối)”.

Liên Hiệp Châu Âu bị Nga xếp hàng thứ yếu

Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về trọng lượng của Bruxelles trước Nga. Vẫn theo ông Zachary Pakin, tổng thống Putin ngày càng coi Liên Hiệp Châu Âu là “cánh tay nối dài của Washington về mặt ngoại giao và sẽ ưu tiên đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ”. Về một số hồ sơ quốc tế khác như Syria hay Bắc Cực, Nga sử dụng các kênh đối thoại với NATO hoặc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga cũng “lo ngại Liên Hiệp Châu Âu lại lên lớp về mặt xử lý các vấn đề nội bộ, trong khi đây là điều ông Vladimir Putin không muốn”.

Hình ảnh người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu bị “mất mặt” trong chuyến công du Nga vẫn còn đó. Còn tổng thống Pháp cũng thất bại khi cố gắng nối lại đối thoại với tổng thống Nga khi mời ông Putin đến khu nghỉ dưỡng Brégançon tháng 09/2019. Trong khi đó, nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng bị chia rẽ trong vấn đề đối ngoại với Nga, ví dụ mới nhất là quyết định bác tổ chức thượng đỉnh với Nga theo đề xuất của Pháp-Đức sau một đêm thảo luận dài. Một số nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ đáng tin cậy với Nga. Một số khác thì muốn có được kết quả đối thoại trước khi họp thượng đỉnh.

Về phần mình, Matxcơva hiểu rõ ưu thế trên trường quốc tế, thông qua phát biểu của đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu Vladimir Chizhov khi trả lời đài Euronews ngày 23/06 : “Lờ Nga hay tìm cách cô lập Nga chưa bao giờ có lợi cho bất kỳ ai”.

Theo RFI