Home Thế Giới Liban : Cửa ngõ để Pháp tiến vào đông Địa Trung Hải...

Liban : Cửa ngõ để Pháp tiến vào đông Địa Trung Hải và Cận Đông

Nghe đọc bài

Ngày 06/08/2020, hai ngày sau những vụ nổ tàn phá một phần cảng Beyrouth, tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nguyên thủ đầu tiên đến thăm Liban. Một tháng sau, ngày 01/09, chủ nhân điện Elysée lại đến thăm Liban như đã hứa trong chuyến đi đầu. Vì sao Macron đặc biệt quan tâm đến Liban như vậy ? Giữa Paris và Beyrouth có mối quan hệ như thế nào ?

Pháp – Liban : Một mối quan hệ đặc biệt

« Bởi vì, đó chính là Liban, bởi vì đó là nước Pháp », « nước Pháp sẽ không bao giờ buông rơi Liban », tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Liban ngày 06/08/2020 đã tuyên bố như trên. Không chỉ mang đến một thông điệp về « tình liên đới », « tình bằng hữu », nguyên thủ Pháp còn tổ chức một hội nghị quốc tế video quyên góp được 250 triệu euro để tái thiết thủ đô Liban.

Đối với một số nhà quan sát, cử chỉ này của tổng thống Macron là một sự tiếp nối trong quan hệ Pháp – Liban, nhưng số khác thì lên án một hành động can thiệp và chủ nghĩa thực dân mới. Với nhà báo Jean Christophe Ploquin, tổng biên tập báo Công giáo La Croix, chuyên trách mục Quan hệ Quốc tế, hành động này của nguyên thủ Pháp mang ý nghĩa hỗ trợ nhiều hơn là một sự can thiệp. Trên kênh truyền hình Arte, ông giải thích :

« Tại sao tổng thống làm điều đó? Bởi vì Liban giống như là một cửa ngõ để Pháp mở rộng ảnh hưởng vào vùng Cận Đông. Nước Pháp đã mất rất nhiều vị trí của mình tại Syria. Ảnh hưởng của Pháp ngày nay mờ nhạt đi nhiều so với cách đây vài năm.

Thế nên, nhờ vào mối quan hệ lịch sử lâu đời, nhờ vào công trình thành lập một Nhà nước Liban, tồn tại đến ngày nay và trong một chừng mực nào đó, đấy từng là một quyết định của Pháp, dưới sự bảo trợ của Hội Quốc Liên thời kỳ đó, thế nên mối quan hệ lâu đời này giữa Pháp và Liban đã tạo ra nhiều mối liên hệ bạn bè, gia đình giữa người dân Pháp và Liban. Việc Pháp đến hỗ trợ Liban trong hoàn cảnh này cũng là lẽ đương nhiên. »

Bởi vì giữa Pháp và Liban là một câu chuyện lịch sử dài hằng mấy thế kỷ. Những mối liên hệ đầu tiên bắt đầu từ thế kỷ XVI khi Pháp trở thành nước « bảo hộ » cộng đồng Công giáo phương Đông sinh sống tại vùng lãnh thổ Liban hiện nay. Vào thế kỷ XIX, những nhà truyền đạo thành lập một mạng lưới giáo dục Pháp ngữ tại Liban, đào tạo tầng lớp chính khách Công giáo Liban.

Năm 1920, với hiệp ước Sevres nhằm thu hẹp đế chế Ottoman, một quốc gia mới, nước Liban ra đời, nhưng nằm dưới sự ủy trị của Pháp, trong vòng hơn 20 năm từ 1920-1943. Đất nước Liban chỉ thật sự có được nền độc lập là vào năm 1946. Aurelie Daher, chuyên gia về Liban và Hezbollah, trên đài Arte, nhìn nhận rằng giữa Pháp và Liban, đúng là có một truyền thống bằng hữu lâu đời chứa đựng nhiều tình cảm.

« Nếu như có một điều mà nước Pháp làm được ở Liban mà không ai có thể làm được là có được sự đồng tình của mọi người dân Liban ở một điểm : nước Pháp là một cường quốc phương Tây thành thật để tâm, có ý tốt nhất với Liban. Mỗi khi có một cuộc khủng hoảng lớn như từng thấy trong quá khứ, chẳng hạn như cuộc đối đầu giữa Liban và Israel, hay như trước đây với cố tổng thống Jacques Chirac vào năm 2006, đúng là mỗi lần như thế Pháp thường xuyên có một vai trò vừa là nhà hòa giải, vừa là một cường quốc biết lý lẽ, luôn kêu gọi có một sự chừng mực. »

Quay lại Liban, nước Pháp mạo hiểm ?

Kể từ ngày có độc lập, Liban liên tục trải qua nhiều cuộc xung đột và chiến tranh với sự can dự của nhiều cường quốc khác nhau (Hoa Kỳ, Syria, Israel, Iran, Pháp…). Ngày nay, tầm ảnh hưởng của Pháp ở Trung Đông bị suy giảm, nhưng văn hóa Pháp vẫn chiếm một vị trí quan trọng tại Liban. Khoảng 40% dân Liban nói tiếng Pháp, 23.000 công dân Pháp sinh sống ở Liban và 210.000 người Liban định cư ở Pháp. Hệ thống trường trung học Pháp ngữ tại Liban vẫn do chính phủ Pháp tài trợ.

Dù vậy, Pháp cũng chỉ là đối tác thương mại hàng thứ 7 của Liban, đứng sau cả Trung Quốc, Hy Lạp, Ý, Hoa Kỳ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Thị phần của Pháp tại Liban tụt giảm từ 10% như cách nay 20 năm nay chỉ còn có 3,4%. Theo số liệu do bộ Ngoại Giao Pháp cung cấp, đầu tư của Pháp tại Liban là ở mức 600 triệu euro/năm. Ít nhất khoảng 100 doanh nghiệp Pháp làm ăn ở nước này, chủ yếu trong các ngành chế biến lương thực-thực phẩm, viễn thông và hoạt động siêu thị.

Ngược lại, Liban sản xuất nội địa rất ít, đây cũng chính là một trong những vấn đề cơ cấu của đất nước. Xuất khẩu của Liban sang Pháp rất khiêm tốn 1,54 triệu euro năm 2018, Pháp chỉ là khách hàng thứ 18 của Liban. Bất chấp những mối quan hệ chặt chẽ lâu đời như thế, vì sao quan hệ thương mại giữa hai nước lại thấp đến như vậy ? Ông Antoine Basbous, nhà sáng lập Observatoire des Pays Arabes (Đài Quan sát các quốc gia Ả Rập), trên kênh truyền hình Arte lý giải như sau :

« Tôi nghĩ rằng thách thức thương mại chỉ chiếm hàng thứ yếu. Trong mối quan hệ song phương này, văn hóa, lịch sử, giáo dục mới chính là những hoạt động trao đổi chính, và nhất là bên cạnh tình hữu nghị, tình liên đới như tổng thống Pháp bày tỏ, còn có một thách thức địa chính trị.

Nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã bám trụ được tại Syria, quốc gia láng giềng. Có thể nói là họ đã chiếm lấy vị trí của nước Pháp. Rồi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa tràn đến Libya, và đông Địa Trung Hải. Sự việc cho thấy là Pháp rơi vào trạng thái gần như bị tước đoạt các lợi ích cốt lõi của mình.

Vì vậy, nếu như Pháp quay lại Liban là vì còn có những tính toán địa chính trị. Đương nhiên, đó không phải là một chuyến đi dạo. Liban là một bãi mìn, cần phải tiến từng bước một cách cẩn trọng, nhất là phải quan sát kỹ những tệ nạn mang tính cơ cấu của đất nước này.

Nếu chúng ta cứ nhắm mắt mà đi, thì có nguy cơ kích ngòi nổ. Bởi vì, lỗi cơ cấu lớn của Liban chính là chỗ đất nước đã bị Hezbollah, một tổ chức dân quân tự vệ ʺbắt cócʺ. Cánh tay vũ trang này của Iran tại Địa Trung Hải hiện kiểm soát đường biên giới lãnh hải, các cảng hàng không và cảng biển. Nếu như điện Elysée không hiểu điều này, đương nhiên Pháp xem như đặt chân vào một bãi mìn. »

Quan hệ Pháp và Liban tuy có một bề dầy lịch sử nhưng không phải lúc nào cũng êm ả. Người dân Pháp hẳn chưa quên hai vụ tấn công khủng bố nhắm vào các lực lượng nước ngoài là Hoa Kỳ và Pháp, đóng quân tại Liban cách nay 37 năm, ngày 23/10/1983. Trong vụ tấn công đó, 58 lính dù Pháp trung đoàn 1 từ căn cứ Pau đến Liban chưa đầy một tháng đã bỏ mạng.

Liệu rằng có mạo hiểm khi Pháp muốn thắt chặt lại quan hệ với Liban ? Nhà báo Jean Christophe Ploquin nhắc lại rằng nước Pháp từng có một đại sứ bị ám sát trong những năm 1980. Do vậy, theo ông, mối quan hệ này vẫn luôn hàm chứa nhiều rủi ro.

« Khi quyết định dấn thân vào Liban, nước Pháp biết là mình đang mạo hiểm. Nếu chúng ta nhìn vào bản đồ khu vực, đối chiếu với những nước có ảnh hưởng lớn tại Liban, thì nguy cơ lớn nhất ngày nay chính là Iran, nguồn hậu thuẫn chính của phe Hezbollah, nhánh chính trị và dân quân tự vệ quan trọng tại Liban. Nhưng Iran đang bị suy yếu do những sức ép quốc tế quá lớn. Vậy thì Iran phải chọn giải pháp nào ? Thật sự bước vào đối đầu với Pháp hay là cố gắng tìm kiếm một thỏa hiệp? Đây là một đề tài.

Rồi Syria kế bên, về mặt lịch sử, luôn có một vai trò rất quan trọng tại Liban, thì lại có khuynh hướng chống Pháp. Giữa Paris và Damas chưa bao giờ « cơm lành, canh ngọt » cả, nhưng Bachar al-Assad hơn bao giờ hết cũng bị suy yếu. Thế nên, Syria cũng chẳng có cách nào để là một cường quốc gây bất ổn như trong quá khứ. Đúng là nước Pháp đang mạo hiểm. Những rủi ro đó đã được tính đến. »

Liban : Bàn cờ đọ sức giữa Pháp với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc

Một điều chắc chắn là vụ nổ tại Beyrouth là « một cơ hội » duy nhất cho nhiều cường quốc thế giới tạo áp lực tại Liban, được ví như là một trục chiến lược quan trọng. Là một trong số nơi có nhiều bờ biển quan trọng, Liban từng là điểm giao thương lý tưởng giữa Địa Trung Hải với các vương quốc phương Đông.

Ngày nay, nhiều nước còn xem đấy như là điểm kết tuyệt vời cho dự án Con đường tơ lụa mới nổi tiếng của Trung Quốc. Nhiều nguồn tin báo chí tiết lộ lợi ích của Bắc Kinh đối với cảng biển Tripoli, phía bắc Liban, cũng như là nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Giả thuyết này từng được ông Hassan Nasrallah, tổng thư ký của phe Hezbollah nhắc đến trong một bài diễn văn xem đấy như là một giải pháp thay thế cho các cuộc thương thuyết với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và phương Tây.

Trong một bài viết có tựa đề « Liban, bàn đạp không thể thiếu cho Pháp tại Đông Địa Trung Hải », hai tác giả, Georges Chebib, chủ doanh nghiệp và nhà tư vấn về quan hệ quốc tế và Sébastien Boussois, nhà nghiên cứu ngành khoa học chính trị tại Cecid, trên tờ La Tribune có cho rằng Liban giờ còn là tâm điểm của nhiều thách thức địa chính trị.

Sau vụ nổ ngày 04/08/2020, Beyrouth sẽ cần những khoản vốn to lớn để xây dựng lại cảng biển và Bắc Kinh đã có những hứa hẹn. Ngoài khơi đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ tranh chấp với Hy Lạp tìm kiếm khai thác nguồn dự trữ dầu khí được cho là dồi dào, cũng đang dòm ngó đường biên giới lãnh hải của Liban.

Khi điện đàm thuyết phục Donald Trump với hy vọng có một thỏa thuận có thể chấp nhận được với Iran và phe Hezbollah, tổng thống Macron biết rằng đối mặt với Pháp còn có hai đối thủ khác là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, cũng muốn được chia phần tại đông Địa Trung Hải.

Cuối cùng, theo hai tác giả, trong dài hạn, việc Pháp cùng với các nước phương Tây giúp tái thiết Liban cũng như việc có được thỏa thuận hợp lý giữa Iran và Hezbollah, sẽ ngăn cản cửa ngõ đông Địa Trung Hải rơi vào túi tiền của trục Iran – Trung Quốc, nhất là sau khi hai cường quốc này ký kết một loạt các thỏa thuận hợp tác kinh tế và quân sự.

Theo RFI

Exit mobile version