Lê Tùng Vân là nạn nhân của báo đảng

Báo đảng làm ầm ĩ vụ ông Lê Tùng Vân rời nơi cư trú ở Long An để lên Sài Gòn làm căn cước công dân
Nghe đọc bài

Một nhà quan sát nói: “Xưa kia, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là nạn nhân của một sự trích dẫn không đầy đủ. Ngày nay, ông Lê Tùng Vân là nạn nhân của một trích dẫn không đầy đủ, ngoài bối cảnh, ngoài ngữ cảnh, và sai lệch. Báo chí như thế này thì thảm quá.”

14 năm trước, báo chí tường thuật rằng Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nói rằng: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Vậy là một làn sóng công chúng cuồng nộ chỉ trích ông một cách nặng nề và chất vấn lòng yêu nước của ông.

Thế nhưng câu trích dẫn đó không đầy đủ và có ý làm sai lệch ý thật của ông. Năm 2008, trong một buổi họp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông nói về tình trạng các nhà chức trách nước ngoài ‘kỳ thị’ và xem thường hộ chiếu Việt Nam, ông nói nguyên văn như sau:

“…Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ! Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng…”

Nhưng có mấy ai chịu khó tìm hiểu để biết Đức Tổng Giám Mục nói đầy đủ ra sao, và vô hình chung, nhiều người đã trở thành những quan tòa đưa ra những phán xét gây tổn hại đến ông.

Báo đảng liên tiếp đưa nhiều thông tin bất lợi cho những người ở Tịnh thất Bồng lai

Mới đây, vẫn cách trích dẫn kém lương thiện đó gây ngộ nhận cho một ông cụ hơn 90 tuổi, đang là ‘bị can’ một một vụ án đơn giản mà thành phức tạp. Dưới cái tít có dòng chữ đầy ác ý, “Cú lừa khuynh đảo của những tay đại bịp”

Một nhà báo viết rằng bị can đã: “thừa nhận mình đã nói: ‘…đạo Phật chỉ khuyên người ta đừng làm ác và nếu người ta làm ác thì không có cái luật nào để trị tội người làm ác đó… trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là pháp luật; bỏ cái tôn giáo, bỏ cái luật pháp đó qua một bên đi…’.”

Nạn nhân của trích dẫn không đầy đủ

Thoạt đầu, đọc qua tôi cũng ngạc nhiên vì làm sao một ông cụ tu tại gia có thể nói như thế được. Qua tìm hiểu tôi mới biết là hai chữ “thừa nhận” là thừa. Quan trọng hơn là nhà báo đã trích dẫn sai và không đầy đủ, nhà báo cũng không đặt câu nói trong bối cảnh.
Bối cảnh là một cái video clip hài do nhóm “Năm Chú Tiểu” dàn dựng và sản xuất. Nên nhớ rằng đây là tiểu phẩm hài. Tuy hài nhưng có nội dung giáo dục công dân. Trước câu sự phân vân của người hỏi về sự khác biệt giữa tôn giáo và luật pháp, ông Lê Tùng Vân trong vai ‘thầy’ nói như sau:

“Vậy chứ ngày ngày xưa Đức Phật hành đạo như thế nào? Có phải rằng Đức Phật không có làm cái gì sai trái. Ngài nhớ xưa Đức Phật không hề ăn trộm, không hề ăn cướp, không hề giết người. Tức là gì? Tức là Đức Phật tuân theo luật pháp. Ngài về lại trần gian ngài phổ biến: Tất cả tuân theo luật pháp. Các ngài phải ý thức được tầm quan trọng của luật pháp. Luật pháp thì bắt buộc con người ta không được làm ác; làm ác là phải bị tội, bị trừng phạt. Còn các ngài thấy đấy, đạo pháp chỉ khuyên người ta đừng làm ác, và nếu người ta có làm ác cũng hổng có luật nào để trị tội người làm ác đó.

Vậy thì hai bên, bên nào mạnh, bên nào yếu, cái nào bắt buộc hơn, cái nào quyết chí hơn Có phải là sự bắt buộc và quyết chí không? Còn cái lời khuyên? Khuyên thì người ta có thể nghe theo, hoặc là người ta có thể không nghe theo. Cho nên hai ngài hãy nên nhớ kĩ điều đó. Trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là luật pháp.

Bỏ cái tôn giáo, bỏ luật pháp qua một bên đi; cái nào mà buộc người ta phải quyết tâm, quyết chí làm một đường, làm cho có hiệu quả. Cái mà hiệu quả đó mới có ích cho nhân loại. Phải hông ngài?

Cái nào giúp cho nhân loại sống hiền lành được (“được” nghe hai ngài, ta nhấn mạnh chữ “được” đó), thì cái đó mới là hiệu quả, cái đó mới là cái tốt, cái đó mới là chân lí, mà không tôn giáo nào qua chân lý cả.”

Như các bạn thấy trong một đoạn ngắn, mà ông nhắc đến “luật pháp” sáu lần. Ông ấy đề cao vai trò của luật pháp vì luật pháp có quy định, còn tôn giáo thì chỉ khuyên. Lời khuyên của tôn giáo không có hiệu quả bằng quy định của luật pháp. Luật pháp là bề ngoài, tôn giáo là trong tâm. Nhưng ông còn nói một cái ý rất quan trọng rằng bất cứ điều gì giúp cho người ta sống hiền lành được thì đó là chân lý, và không có tôn giáo nào hơn chân lý được.

Tôi không biết nói như vậy thì có chỗ nào là ‘đại bịp’? Còn câu trích dẫn của nhà báo thì các bạn thấy đó: không đủ, ngoài bối cảnh và ngoài ngữ cảnh.

Ngày xưa Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là nạn nhân của trích dẫn không đầy đủ. Ngày nay thì ông Lê Tùng Vân là nạn nhân của trích dẫn sai và ngoài bối cảnh. Đúng là lịch sử lặp lại.

Nguyễn Văn Tuấn