Lãnh đạo Tập Cận Bình sử dụng diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để công khai chỉ trích Hoa Kỳ

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trực tuyến tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 21/09/2021. (Ảnh: Spencer Platt/POOL/AFP/Getty Images)
Nghe đọc bài

Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa chỉ trích TT Biden đã mềm mỏng với Trung Quốc trong bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc .

Hôm 21/09, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những nhận xét mang tính chỉ trích nhắm vào Hoa Thịnh Đốn trong một bài diễn văn được ghi hình trước, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống (TT) Joe Biden đã bị các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa chỉ trích vì đã không dùng bài diễn văn của mình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một số vấn đề.

“Những diễn tiến mới đây trong hình thế toàn cầu một lần nữa cho thấy rằng sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và cái gọi là chuyển đổi dân chủ không mang lại điều gì ngoài sự tổn hại,” ông Tập nói mà không nêu tên bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, nhận xét này là một ám chỉ rõ ràng về cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan hồi tháng trước (08/2021).

Trong hơn một tháng nay, chính quyền Trung Cộng đã sử dụng cuộc rút lui hỗn loạn của Hoa Kỳ để thực hiện một chiến dịch tuyên truyền, mô tả Hoa Kỳ như một đồng minh không đáng tin cậy và đặt nghi vấn về nền dân chủ của Hoa Kỳ. Mới đây nhất, hôm 18/09, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo đã tuyên bố trong một bài xã luận rằng “Hoa Kỳ và phương Tây đã tháo chạy để lại một mớ hỗn độn ở Afghanistan.”

Trong một lời chỉ trích úp mở khác mà không nêu đích danh quốc gia nào, ông Tập tuyên bố thế giới cần “từ bỏ thói quen chia bè kết phái hoặc tham gia các trận đấu một mất một còn.”

Chỉ trước đó vài ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã dùng ngôn từ tương tự trong một cuộc họp báo thường nhật. Ông cáo buộc Úc, Hoa Kỳ, và Anh Quốc có “tâm lý Chiến tranh Lạnh một mất một còn đã lỗi thời” với liên minh an ninh mới của họ.

Theo hiệp ước an ninh này, Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm với Úc, cho phép nước này khai triển một hạm đội gồm ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử vào năm 2040.

Trong bài diễn văn của mình, ông Tập đã nhiều lần kêu gọi hợp tác và chủ nghĩa đa phương, trong đó gồm cả “hành động ứng phó với COVID-19 toàn cầu được phối hợp tốt hơn nữa” giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Trung Cộng quyết định bịt miệng các bác sĩ cảnh báo sớm khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, cộng đồng quốc tế đã đặt câu hỏi về sự sẵn lòng hợp tác của nhà cầm quyền này trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, một căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.

Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì không hợp tác với một đội ngũ điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, tiến hành điều tra sơ bộ tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi đầu năm nay. Một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ được công bố vào tháng trước cho biết họ không thể đưa ra đánh giá kết luận về nguồn gốc của virus, do phía Trung Quốc từ chối hợp tác.

Ông Tập cũng tuyên bố rằng “Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xâm lược, bắt nạt những quốc gia khác, hay tầm cầu quyền bá chủ.” Tuy nhiên, tuyên bố này có thể sẽ không phù hợp với những người chỉ trích Trung Quốc, khi xem xét các hành vi gây hấn của nhà cầm quyền này tại Biển Đông và các chiến thuật chèn ép đối với Đài Loan.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra cam kết về môi trường trong bài diễn văn của mình, khi nói rằng Bắc Kinh “sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở hải ngoại.” Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ bình luận nào về các nhà máy nhiệt điện than nội địa, vì cho rằng Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới.

Bằng cách chỉ ra dữ liệu từ Công cụ theo dõi Tài chính công của ngành than toàn cầu, bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga-Âu-Á tại Brussels, đã lên Twitter nói rằng ông Tập không nên được tán dương vì cam kết này, khi xem xét “có bao nhiêu [nhà máy nhiệt điện than] mà họ [Trung Quốc] đã xây dựng trước đây.”

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết bài diễn văn của ông Tập là một tài liệu tham khảo tốt, nhưng trọng tâm phải là hành động của họ hơn là lời nói.

Ông nói với The Epoch Times rằng: “Lịch sử đàm phán của Trung Cộng không phải quá tốt,” khi lưu ý rằng Đảng này đã thất hứa về vấn đề tự do chính trị cho Tây Tạng và Hồng Kông. “Họ đàm phán khi tình hình thuận lợi, nhưng sử dụng quân sự gây hấn và bắt nạt khi tình huống không được [như vậy],” ông nói.

tập cận bình chỉ trích mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden diễn thuyết tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York hôm 21/09/2021. (Ảnh: Eduardo Munoz-Pool/Getty Images)

Tổng thống Biden

TT Biden, trong bài diễn văn đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ khi nhậm chức, tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang “trở lại thảo luận tại các diễn đàn quốc tế.” Ông cũng kêu gọi các quốc gia “làm việc cùng nhau hơn bao giờ hết” trong các vấn đề toàn cầu, kể cả vấn đề biến đổi khí hậu và sự lây lan của virus Trung Cộng.

“Chúng tôi không tầm cầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành những khối cứng nhắc,” ông Biden nói, không nêu tên bất kỳ quốc gia nào.

Ông nói thêm rằng, “Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình cho những thách thức chung.”

Bình luận của ông Biden được đưa ra sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nêu ra những lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới tiềm tàng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP hôm 18/09.

Một số nhà quan sát thấy rằng ông Biden không đề cập đến “Trung Quốc” trong bài diễn văn của mình. Hôm 21/09, khi được hỏi lý do tại sao trong cuộc họp báo thường nhật, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết việc không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc là “cho thấy mục tiêu của ông ấy [TT Biden] là đưa ra nghị trình chủ động của chúng tôi về các vấn đề lớn mà chúng ta có thể hợp tác giải quyết, trong đó bao gồm cả với Trung Quốc.”

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã chỉ ra cách tiếp cận mềm mỏng của ông Biden đối với Trung Quốc.

“Ông ấy nên nêu rõ mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho thế giới – chứ không phải giả vờ như không có chuyện đó,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) viết trên Twitter về việc ông Biden đã bỏ qua từ “Trung Quốc” trong bài diễn văn của mình.

Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) đã chỉ trích ông Biden vì đã sử dụng “chính sách ngoại giao thông cáo báo chí” trong bài diễn văn của mình, theo một tuyên bố.

“Đâu là lời kêu gọi của Tổng thống Biden yêu cầu Trung Quốc cộng sản phải chịu trách nhiệm về [các] hành vi xấu xa, bao gồm cả mối đe dọa ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan và các nước khác, hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ hàng loạt của Bắc Kinh và sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19?” ông Hagerty nói thêm.

Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã kêu gọi ông Biden “chấm dứt sự xoa dịu nhu nhược” của ông đối với ông Tập, theo một tuyên bố được công bố từ văn phòng của ông sau bài diễn văn của tổng thống.

“Với tư cách là ngọn hải đăng vĩ đại nhất của tự do và dân chủ trên thế giới, Hoa Kỳ phải làm mọi thứ trong khả năng của mình, cùng với các đồng minh của mình, để hạn chế tầm hoạt động của Trung Quốc cộng sản, chống lại các chính sách của họ và khiến họ phải trả giá cho những vi phạm nhân quyền đang diễn ra, các cuộc tấn công vào các nền dân chủ và sự diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ,” ông Scott nói.

Ông nói thêm rằng, “Việc Tổng thống Biden từ chối thực hiện cách tiếp cận này không có gì khác hơn là coi thường nhiệm vụ của mình và thể hiện sự yếu kém không thể bào chữa được.”

Bắc Kinh đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại giam giữ ở vùng Tân Cương, phía Tây Trung Quốc.

Nguyễn Lê biên dịch