Lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch hiếm của thằn lằn ngón cánh

Các nhà cổ sinh vật học lần đầu tìm thấy mảnh xương hàm của một loài thằn lằn bay có nguồn gốc từ Trung Quốc trên đảo Wight của Anh.

Mẫu vật tình cờ được phát hiện bởi một cư dân địa phương trong lúc đi dạo gần vịnh Sandown, trên bờ biển phía đông nam hòn đảo. Nhà nghiên cứu Megan Jacobs từ Đại học Portsmouth của Anh đã kiểm tra hóa thạch và xác định nó thuộc về một loài thằn lằn ngón cánh thuộc họ Tapejaridae.

“Mẫu vật có tất cả đặc điểm đặc trưng của xương hàm Tapejaridae, bao gồm chiếc mỏ nhọn và nhiều lỗ nhỏ li ti chứa các cơ quan cảm giác để phát hiện thức ăn”, Jacobs cho biết trên tạp chí Cretaceous Research.

Nhóm nghiên cứu quyết định đặt tên cho mẫu vật là Wightia decivirostris. Hóa thạch của loài khủng long ngón cánh này trước đây chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và Brazil. Phát hiện ở Anh dường như có liên quan chặt chẽ hơn tới các loài Tapejaridae ở Trung Quốc.

Mảnh xương hàm hóa thạch của W. decivirostris nhìn từ nhiều góc chụp.
Mảnh xương hàm hóa thạch của W. decivirostris nhìn từ nhiều góc chụp. (Ảnh: Đại học Portsmouth).

“Những mẫu vật hoàn chỉnh ở Trung Quốc và Brazil tiết lộ W. decivirostris có đầu lớn với một chiếc mào khổng lồ to gấp đôi hộp sọ. Nó có màu sắc rực rỡ và có thể được sử dụng để thu hút bạn tình”, Jacobs mô tả.

Hóa thạch mới không chỉ cung cấp thêm thông tin về thằn lằn ngón cánh mà còn làm tăng thêm sự đa dạng của các loài bò sát cổ đại trên đảo Wight. Đồng tác giả của nghiên cứu David Martill, nhà sinh vật học tại Đại học Portsmouth, nhấn mạnh khu vực này là một trong những môi trường sống quan trọng nhất đối với khủng long và các loài bò sát cổ đại trong kỷ Phấn Trắng.

Người tìm thấy mảnh xương hàm W. decivirostris trên đảo Wight đã tặng mẫu vật cho Bảo tàng Dinosaur Isle ở Sandown với hy vọng nó sẽ sớm được trưng bày trước công chúng trong thời gian tới.

Theo Khoa học