Kinh tế Pháp thấm đòn virus corona

Sau 10 ngày sinh hoạt cầm chừng vì lệnh phong tỏa, Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE thẩm định kinh tế Pháp hoạt động 65 % so với bình thường. Một tháng trong tình trạng phong tỏa, kinh tế Pháp mất 3 điểm tăng trưởng.

Theo thẩm định của viện INSEE được đưa ra hôm 26/03/2020 trong vỏn vẹn một tuần lễ, 35 % công suất cỗ máy kinh tế Pháp bị đóng băng. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn nữa nếu lệnh phong tỏa kéo dài. Không hy vọng “bù lại” những thiệt hại trong quý 1 và 2 năm nay. 

Một tuần vừa qua, các lĩnh vực nào bị “tê liệt hơn cả” ? 

Các chỉ số của INSEE cho thấy gần 90 % các công trường xây dựng đã phải ngừng hoạt động. Kế tới là lĩnh vực công nghiệp: các nhà máy chỉ hoạt động 50 % so với bình thường, và con số này dao động tùy theo từng ngành nghề. Thí dụ như các nhà máy sản xuất xe hơi tại Pháp đã phải đóng cửa, cho công nhân tạm nghỉ việc, hưởng quy chế “thất nghiệp tạm thời”. Ngược lại các nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ từ găng tay cho đến khẩu trang, dung dịch khử trùng … thì làm việc 24 giờ trên 24 mà vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. 

Nhìn đến lĩnh vực dịch vụ, nếu như hầu hết các ngân hàng hoạt động cầm chừng thì ngược lại trong ngành viễn thông, hay các công ty bảo hiểm … nhân viên vẫn làm việc gần như bình thường, chủ yếu là nhờ một bộ phận nhân sự làm việc từ nhà. Riêng ngành du lịch và tất cả các dịch vụ kèm theo, từ nhà hàng đến khách sạn, hay các khu giải trí … thì tương lai chưa biết đi về đâu và không ít công ty thực sự bị đe dọa phá sản. 

Chỉ số tiêu thụ của dân Pháp thì sao ? 

Đương nhiên với lệnh phong tỏa ngày càng khắt khe kể từ hôm 17/03/2020 đến nay, theo INSEE các hoạt động cũng đã giảm tối thiểu 35 % so với bình thường. Hàng quán, rạp phim, rạp hát, hộp đêm, hay các cửa hàng quần áo, trang thiết bị điện tử… đều đã phải đóng cửa. Một số người vẫn mua hàng qua internet, nhưng không thấm vào đâu so với bình thường. INSEE nói đến một sự “tuột dốc” trong các lĩnh vực này. Khoản chi tiêu của các hộ gia đình dành cho nhu yếu phẩm và thuốc men có khuynh hướng tăng thêm 5 %  trong 10 ngày qua. 

Lòng tin của giới chủ cũng “rơi xuống vực sâu” ? 

Với một bức tranh ảm đạm chưa biết tới khi nào virus corona mới buông tha, Pháp nói riêng và thế giới nói chung bao giờ mới thoát khỏi dịch bệnh ? Giới chủ thấy tương lai mịt mù. Theo viện INSEE chỉ số về mức độ tin tưởng của giới chủ tại Pháp đã “rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980 tới nay”. Tức là kể từ khi INSEE lập ra chỉ số về mức độ tin tưởng của lãnh đạo các công ty.

Đáng ngại hơn nữa như chính giám đốc Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp ghi nhận đó là “cuộc thăm dò về mức độ tin tưởng của giới chủ được thực hiện trong hai tuần lễ đầu tháng 3/2020, tức là trước ngày toàn dân Pháp được kêu gọi giới hạn đi lại, và “ở trong nhà”.

Các dự phóng kinh tế liên tục thay đổi tùy theo mức độ lây lan của dịch bệnh

Đúng như vậy. Mới hôm 18/03/2020 Paris dự báo GDP trong năm nay giảm 1 %. Một tuần lễ sau Bruno Le Maire, bộ trưởng Kinh Tế Pháp không che giấu “Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu tương tự như cuộc đại khủng hoảng hồi năm 1929”. Hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes dự báo GDP của Pháp trong năm 2020 giảm 3 % nếu Pháp bị phong tỏa trong hai tháng. Cũng Euler Hermes báo động : số doanh nghiệp Pháp tuyên bố phá sản đã liên tiếp giảm trong bốn năm qua, nhưng thành tích đó bị Covid-19 thổi bay. Chỉ số này sẽ tăng 8 % từ nay tới cuối năm. Cơ Quan Quan Sát  Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE cũng không lạc quan hơn INSEE bao nhiêu với dự báo “các hoạt động giảm 50 % so với bình thường”. Ẩn số còn lại là giai đoạn đen tối đó “kéo dài bao lâu?”.

Trước mắt có những dấu hiệu cụ thể nào cho thấy cỗ máy kinh tế của Pháp đang bị chựng lại ? 

Covid-19 đã bắt đầu gây nhiều “thương tích” về mặt kinh tế. Tại Pháp, rõ rệt nhất, như chính bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đã báo động “cỗ máy công nghiệp của Pháp chỉ hoạt động 25 %” so với một tuần lễ bình thường. Kế tới là  nhu cầu tiêu thụ về điện trên toàn quốc giảm 15 % trong tuần lễ đầu tiên Pháp có lệnh phong tỏa. Điểm thứ ba, là kể từ hôm 17/03/2020 khi lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực, một phần ba người lao động trong tình trạng “thất nghiệp tạm thời”, một phần ba làm việc từ xa và phần còn lại đi làm bình thương. Dấu hiệu thứ tư là khối lượng rác thải ra đã giảm đi đáng kể. Syctom, chuyên quản lý rác thải của Paris và 84 thành phố phụ cận cho biết rác họ xử lý giảm đi 25 % trong tuần qua, do các nhà hàng, quán cà phê và nhiều cửa hiệu đã phải đóng cửa.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy các sinh hoạt bị chựng lại đó là trên các tuyến xe chuyên chở công cộng, số hành khách đếm được trên đầu ngón tay. Ứng dụng Citymapper cho thấy tại Paris và Lyon chẳng hạn chỉ có 5 % những hành khách quen thuộc còn di chuyển bằng xe buýt, metro hay tàu điện tramway. Cảnh kẹt xe vào giờ cao điểm chung quanh các phố lớn từ Paris đến Bordeaux hay Lyon, Strasbourg … không còn nữa. Ứng dụng Sytadin “báo động” từ 40 năm qua chưa bao giờ vùng Île de France vào giờ cao điểm ghi nhận “Zero cây số tắc đường giao thông”.

Mỹ và Đức tung những kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng ngàn tỷ đô la, còn Pháp? 

Đúng là tại Hoa Kỳ, chính phủ vừa đạt đồng thuận với Quốc Hội lưỡng viện về một gói kích cầu 2.000 tỷ đô la. Đức vốn có truyền thống tiết kiệm chi tiêu công cộng cũng đã thông báo một kế hoạch gần 1.100 tỷ euro. Về phía Pháp, chính phủ tấn công cùng lúc trên nhiều mặt.

Thứ nhất là giải pháp chữa cháy. Trước mắt, riêng trong tháng 3/2020 các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội từ phía doanh nghiệp được “giảm, dời lại hay hủy bỏ”. Đây là khoản thất thu 32 tỷ euro chính phủ sẽ gánh chịu.

Biện pháp thứ nhì là hỗ trợ người lao động và cả doanh nghiệp : chính phủ đài thọ các phí tổn trong trường hợp nhân viên bị mất việc vì lý do “kỹ thuật” tức là vì tác động dây chuyền virus corona gây nên. Biện pháp thứ ba là thành lập một quỹ liên đới trị giá 1 tỷ euro tránh để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là rất nhỏ của Pháp bị khai tử. Sau cùng, Nhà nước đứng ra bảo lãnh đến 300 tỷ euro tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Bộ Kinh Tế không loại trừ khả năng sẽ còn “đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa” để cứu vãn kinh tế. Tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố sẽ làm tất cả “dù phải trả bằng bất cứ giá nào”.

Paris không phải một mình ra trận. Tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) đã thông báo một kế hoạch « bom tấn 750 tỷ euro » để hỗ trợ 19 nước thành viên eurozone. Bên cạnh đó, BCE đã rót 100  tỷ euro cho các ngân hàng trung ương của các nước thành viên tránh để khu vực đồng euro thiếu hụt tiền mặt. Có điều BCE không hạ lãi suất chỉ đạo ngân hàng như Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ. Khủng hoảng kinh tế và tài chính virus corona gây nên là kịch bản khó tránh khỏi. Lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang ráo riết tìm một cơ chế phối hợp về mặt tài chính để đối phó hiệu quả hơn.

Theo RFI