Khủng hoảng thời đại ở Trung Quốc: Bắc Kinh bất lực với 2 lựa chọn tệ hại ngang nhau

Theo một báo cáo mới của chính phủ Trung Quốc, tốc độ già hóa ở Trung Quốc đã tăng nhanh đáng kể trong thập kỷ qua với vấn đề rõ rệt nhất là ở các vùng nông thôn.

Vấn đề có thể trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt vì các nhà nhân khẩu học cho rằng các chính sách hiện tại sẽ không thể bắt kịp xu hướng này.

Báo cáo Độ tuổi của Trung Quốc năm 2020 do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc phát hành cho biết số người trên 60 tuổi – độ tuổi nghỉ hưu – vào tháng 11 năm ngoái là 264 triệu người, chiếm 18,7% tổng dân số.

Lựa chọn khó khăn

Năm 2010, con số này là 178 triệu người, tương đương 13,3% dân số, trong khi năm 2000 là 130 triệu người, tương đương 10,3% dân số.

Số người trên 65 tuổi cũng tăng lên. Ở 16 trong số 31 tỉnh đại lục, số người từ 65 tuổi trở lên vượt quá 5 triệu người, trong đó 6 tỉnh có hơn 10 triệu người từ 65 tuổi trở lên.

Khủng hoảng thời đại ở Trung Quốc: Bắc Kinh bất lực với 2 lựa chọn tệ hại ngang nhau - Ảnh 1.

Sẽ cần nhiều dịch vụ hơn để đáp ứng nhu cầu của dân số già của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Vấn đề già hóa diễn ra rõ nét hơn ở nông thôn, khi độ tuổi người trên 60 chiếm 23,8% dân số nông thôn, so với 15,8% ở thành phố. Khoảng cách 8% nàylớn hơn đáng kể so với 4,3% được ghi nhận vào năm 2015.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng đầu tư công và chi tiêu cho vấn đề già hóa vẫn chưa đủ.

Năm ngoái, lương hưu cơ bản trung bình hàng tháng là khoảng 170 nhân dân tệ (21,75 USD), trong khi tổng cộng 51,7 tỷ nhân dân tệ (8 tỷ USD) đã được chi cho phúc lợi của người cao tuổi trên toàn quốc trong năm đó.

Đến cuối năm 2020, cả Trung Quốc có 329.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi với tổng số 8,21 triệu giường bệnh chăm sóc người cao tuổi, tương đương 31 giường bệnh/1.000 dân.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh giảm tiếp tục đe dọa sự sụt giảm dân số nghiêm trọng trong tương lai. Bắc Kinh đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép tất cả công dân sinh con thứ 3.

Bài toán không thể giải

Quốc gia này cũng đã thông qua luật thiết lập thời hạn 30 ngày “hạ hỏa” cho các cặp vợ chồng muốn kết thúc cuộc hôn nhân của họ. Đây là nỗ lực giảm tỷ lệ ly hôn tăng cao của cả nước.

Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng các kế hoạch sẽ đổ bể nếu không thể giải quyết chi phí sinh con.

Khủng hoảng thời đại ở Trung Quốc: Bắc Kinh bất lực với 2 lựa chọn tệ hại ngang nhau - Ảnh 2.

Chi phí chăm sóc người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: Xinhua

Hiện tại, tỷ trọng thu nhập khả dụng của hộ gia đình là khoảng 43% GDP ở Trung Quốc, trong khi nó thường chiếm từ 60% đến 70% trên toàn thế giới, Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu cấp cao và chuyên gia dân số tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết.

Ông Yi nói: “Với mức thu nhập khả dụng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thấp như vậy, các gia đình Trung Quốc không thể đủ khả năng để nuôi hai hoặc ba con và tỷ lệ sinh khó có thể tăng lên”.

Ông cho biết Trung Quốc đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên cắt giảm thuế hay giảm các khoản đóng góp bắt buộc cho lương hưu và an sinh xã hội để tạo động lực cho các gia đình sinh thêm con hay chi tiêu nhiều hơn để đối phó với tình trạng số lượng người cao tuổi gia tăng.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng già hóa nghiêm trọng, có nghĩa là Bắc Kinh cần chi tiêu lớn cho lượng dân số già và sẽ không thể nâng cao đáng kể tỷ trọng thu nhập từ lương của dân số”.

“Nói cách khác, Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một nghịch lý khó giải: nếu không nâng cao tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, thanh niên sẽ không thể nuôi con, tỷ lệ sinh vẫn thấp và tốc độ già hóa sẽ tăng nhanh; nhưng nếu tăng tỷ trọng thu nhập từ lương trong GDP, chính phủ sẽ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng già hóa vì không đủ tiền để chăm sóc nhóm đối tượng này”.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu tại một hội nghị quốc gia về dân số già và cho biết rằng cần có nhiều chương trình hơn để đối phó với vấn đề này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã, ông cho rằng các quan chức nên tìm cách cải thiện hệ thống y tế, đồng thời tăng cường an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.

Mặt khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nêu bật các giá trị truyền thống để tôn vinh người cao tuổi trong bài phát biểu vào tuần trước.

Trong tuần này, Trung Quốc cũng công bố kế hoạch giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, đặt mục tiêu là 5,2 ca tử vong trên 1.000 ca sinh vào năm 2025.