Không hút thuốc nhưng vẫn bị ung thư phổi, đây là 6 lý do

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra 70% ca tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới. Một nghiên cứu cho biết, người nghiện thuốc lá trước năm 15 tuổi có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 4 lần so với người hút muộn hơn 10 năm, tức sau 25 tuổi. Trong khi đó, bỏ hút thuốc trên 10 năm sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi tới 30-50%.

Nguyên nhân phổ biến gây ung thư phổi là hút thuốc lá, vậy những nguyên nhân còn lại là gì?

1. Hút thuốc lá thụ động

Hút thuốc lá thụ động tức là hít phải khói thuốc lá từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc. Theo nghiên cứu, người hút thuốc thường thở ra 2 luồng khói chính và phụ: 20% khói thuốc hít vào bên trong cơ thể là luồng chính, 80% khói thuốc nhả ra không khí là luồng phụ. Trong khi đó, luồng khói phụ lại mang nhiều thành phần độc hại hơn so với luồng khói chính.

WHO cho biết, khói thuốc có khoảng 4.000 chất hóa học, trong đó có 40 chất gây ung thư như nicotin, oxide carbon, hắc ín, benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide,.. Những chất này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết tố, làn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ và các bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Một khảo sát ở Mỹ cho thấy, những người sống chung với người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 20-30% so với người bình thường.

2. Hít phải khí radon, amiăng

Theo một số nghiên cứu, hít phải khí radon (loại khí được hình thành và tồn tại trong đất một cách tự nhiên) và bụi amiăng (thường xuất hiện trong công đoạn sản xuất, khai thác, xây dựng  như nổ mìn, khoan, nghiền, trộn, đập phá tấm lợp,…) cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi. Hiệp Hội Ung thư Mỹ cho biết, những người thường xuyên làm việc dưới lòng đất hoặc sống ở tầng hầm có nguy cơ cao tiếp xúc với khí radon, gây ra ung thư phổi.

Về bụi amiăng, sau khi loại bụi này đi vào phổi, nó sẽ làm phổi bị tổn thương, tạo ra khối u, biến đổi thành khối u ác tính, từ đó gây ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính, tràn dịch màng phổi. Theo nghiên cứu, người hút thuốc lá có tiếp xúc với amiăng thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng tới 45 lần.

3. Ô nhiễm không khí

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH KHIẾN CON NGƯỜI TỬ VONG DO UNG THƯ PHỔI. CÁC NGHIÊN CỨU CHO THẤY, CÁC HẠT VẬT CHẤT NHỎ VÀ CÁC SOL KHÍ SUNFAT CÓ TRONG KHÍ THẢI XE CỘ SẼ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH UNG THƯ PHỔI. BÊN CẠNH ĐÓ, VIỆC ĐỐT THAN, CỦI, PHÂN HAY TÀN DƯ THỰC VẬT PHỤC VỤ CHO NẤU NƯỚNG, SƯỞI ẤM TRONG GIA ĐÌNH CŨNG LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC UNG THƯ PHỔI.

4. Uống nước nhiễm arsen

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Môi trường, nước uống nhiễm arsen (hay còn gọi là thạch tín) có thể gây ung thư phổi. Arsen và các hợp chất của nó thường có trong nước thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc phun hoa quả và các chất phụ gia.

Chất này có thể ngấm vào đất và mạch nước ngầm. Chính vì vậy mà những người uống nước từ các giếng nước khoan có nguy cơ nhiễm arsen.

5. Lối sống không lành mạnh

Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thịt đỏ, ăn đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động,… là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư phổi. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, cách tốt nhất để phòng tránh ung thư phổi ở cả người hút thuốc và không hút thuốc là có chế độ ăn lành mạnh và lối sống tích cực.

6. Yếu tố di truyền

Theo một vài nghiên cứu, những người có bố mẹ, anh chị em bị ung thư phổi có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao gấp 2 lần so với người khác. Theo các nhà nghiên cứu, nguy cơ ung thư phổi gia tăng ở những người có người thân mắc bệnh là do sự kết hợp của cả 2 yếu tố di truyền và ô nhiễm môi trường.

Theo Sức khỏe