Không có tự do báo chí thì xử phạt ‘thông tin sai sự thật’ có hợp lý?

Một trong những nội dung theo Nghị định 119/2020 của Chính phủ Việt Nam về Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản… với nhiều mức phạt tăng mạnh trong hoạt động báo chí là từ ngày 1 tháng 12 năm 2020, báo chí nào bị cho là thông tin sai sự thật có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 12 năm 2020 từ Việt Nam, liên quan quy định này ông nói:

“Quy định xử phạt này tôi cũng có nghe, số tiền phạt như vậy là quá lớn, tại Việt Nam thì 100 triệu không hề đơn giản trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài ra, thế nào là sai sự thật, thế nào là đúng sự thật rất là khó xác định, nhất là những vấn đề tiêu cực của xã hội, và những vấn đề của hệ thống. Hay vấn đề tham nhũng chẳng hạn, khi đồn thổi thì nói không phải, sau đó lại bắt đúng người mà người ta đã đồn rồi. Việc xác định sự thật rất khó khăn, mà phạt nặng như vậy thì rất khó khăn cho người làm báo hiện nay.”

Quan trọng nhất là nghị định này họ không định nghĩa rõ khái niệm về sự thật, nó mơ hồ nên việc sử phạt theo tôi là không khả thi.-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Cụ thể theo Nghị định 119, nếu hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, bị phạt từ 5-10 triệu đồng, hay nặng hơn là từ 50-70 triệu đồng. Trong khi trước đây chỉ phạt 1-3 triệu đồng hay 5-10 triệu đồng.

Còn nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70-100 triệu đồng so với trước đây chỉ phạt 20-30 triệu đồng. Ngoài việc buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải, còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1-12 tháng. Trong khi trước đây chỉ đình chỉ từ 1 đến 3 tháng.

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020. Đây là xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới –RSF- công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.

Với đất nước bị xếp hạng thấp về tự do báo chí thì như thế nào là ‘báo chí thông tin sai sự thật’? Và xử phạt như vậy có hợp lý?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từng giữ chức Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh HTV, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 12 năm 2020, từ Sài Gòn nhận định:

“Quan trọng nhất là nghị định này họ không định nghĩa rõ khái niệm về sự thật, nó mơ hồ nên việc sử phạt theo tôi là không khả thi. Thứ hai khi nói về sự thật theo tôi hiểu thì chính phủ ra quy định này liên quan công bộc và an ninh quốc gia. Ở đây cần phân biệt giữa đời tư công dân và đời tư công bộc, và những vấn đề liên quan an ninh quốc gia. Ví dụ như sự thật liên quan ngày chết ông Hồ Chí Minh, nếu như trước đây ai nói ổng chết ngày 2/9 là vi phạm sự thật, nhưng sau này ai cũng biết ổng chết vào ngày 2/9. Như vậy sự thật ở đâu?”

Ngoài ra Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già còn nêu ví dụ sự thật về Công hàm Phạm Văn Đồng và Mật nghị Thành Đô. Hay mới nhất đây đó là sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, ông nói tiếp:

“Tôi nhấn mạnh sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung với tư cách là một công bộc, thì người dân có quyền biết, có quyền giám sát, có quyền đặt câu hỏi. Thế ông Chung có thật sự bị ung thư hay không, hay ổng có tiền sử bệnh tâm thần như báo chí đưa tin hay không? Như vậy nói tóm lại cái sự thật mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra thì sự thật đó là của họ tự định đoạt, họ muốn thật thì là thật, họ muốn giả thì là giả.”

Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP.
Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP.

Qua những thông tin không rõ ràng trên báo chí thời gian qua như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, hay thông tin về bà cựu thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thông tin về sức khỏe Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng… thì Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng nó đặt cho người đưa tin vào tình trạng rất bấp bênh về sự an toàn. Ông nói tiếp:

“Tôi cho rằng nghị định xử phạt về đưa tin không đúng sự thật, nó chỉ có giá trị trong thời đoạn hiện nay, tức là thời đoạn chuẩn bị cho Đại hội đảng, nên họ muốn răng đe. Chứ sau kỳ Đại hội đảng, thì tôi nghĩ đâu cũng vào đó, bởi vì cái đất nước này không tồn tại sự thật từ rất lâu rồi. Và sự thật này do người cộng sản họ định đoạt, thì như vậy nó không còn là sự thật đúng nghĩa của nó.”

Theo RSF, do truyền thông Việt Nam bị chỉ đạo bởi Đảng Cộng Sản, các nguồn thông tin độc lập duy nhất được loan đi là từ các bloggers, các nhà báo độc lập. Đảng cộng sản Việt Nam biện giải cho việc bỏ tù những bloggers, nhà báo độc lập như thế bằng cách căn cứ ngày càng nhiều hơn vào các điều 79, 88 và 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Theo đó thì ‘những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, ‘tuyên truyền chống nhà nước’, ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước’ bị trừng trị bởi những bản án dài năm.

Họ nói cái cần quản lý thì không quản lý, cần phải bảo vệ phóng viên đi tác nghiệp báo chí, người bảo vệ không có mà cứ lo xử phạt, tự do báo chí ngày càng đi xuống.-Nhà báo Nguyễn An Dân

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 12 năm 2020 từ Việt Nam liên quan vấn đề này, Nhà báo Nguyễn An Dân cho biết ý kiến của mình:

“Tự do báo chí hiện nay tại Việt Nam đang thụt lùi. Sau khi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định quy hoạch báo chí, nhiều phóng viên đã liên hệ tôi nói họ rất nản… Họ nói cái cần quản lý thì không quản lý, cần phải bảo vệ phóng viên đi tác nghiệp báo chí, người bảo vệ không có mà cứ lo xử phạt, tự do báo chí ngày càng đi xuống.”

Liên quan Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản… có hiệu lực từ ngày 1/12. Dưới một góc nhìn khác, Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định:

“Việc ra quyết định xử phạt như thế này để hạn chế việc các phe phái trong đảng mượn báo chí của đảng để đánh nhau trên truyền thông, đưa tin có lợi cho phe phái của mình. Theo tôi là cần thiết để tránh cho dân bị hỗn loạn tin tức. Thứ hai là cái gì đúng sai thì cứ dùng luật báo chí để phân xử. Trước giờ nhà nước quản lý báo chí theo ý chí chính trị của cá nhân lãnh đạo, của đảng, theo tôi giờ xử phạt như vậy là tốt, việc này sẽ giúp tránh nhiễu loạn thông tin khi phe phái đánh nhau trước mỗi kỳ đại hội sắp xếp nhân sự chức vụ.”

Theo Ủy Ban Bảo vệ Ký giả- CPJ, trong năm 2019 Việt Nam đã bỏ tù 12 nhà báo và là một trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới có biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.

Theo RFA

Các nhà báo mới nhất bị bắt là các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập như ông Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Thành…

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhận định thêm:

“Tự do báo chí tại Việt Nam hầu như không có gì khả quan hơn, mà nó còn siết chặt lại, như số tiền phạt tăng lên như thế. Còn tự do ngôn luận trên không gian mạng thì trước đây có rộng mở đôi chút, nhưng từ khi có Luật An Ninh Mạng, bắt bớ rất là nhiều thì nó cũng có hạn chế. Nhưng ít nhất tự do ngôn luận trên không gian mạng cũng đỡ hơn trên báo chí.”

Trước đó, Báo cáo về Tự do Báo chí Thế giới 2019 cũng xếp Việt Nam vào hạng thứ 176 trong số 180 quốc gia, tức là không có tự do báo chí.