Khoai lang và khoai tây khác nhau về dinh dưỡng như thế nào?

Khoai lang từ lâu đã được ca tụng là một “anh hùng” trong cộng đồng sức khoẻ thể chất. Nhưng chúng có thực sự mang lại nhiều lợi ích hơn khoai tây trắng thông thường?

Liệu khoai lang so với khoai tây sẽ thế nào nếu xét về dưỡng chất? Bảng dưới đây sẽ cho bạn biết cụ thể thành phần macronutrient (cấu thành từ protein – chất đạm, carbohydrates – chất bột đường, và fat – chất béo) và micronutrient (chất dinh dưỡng vi lượng) của khoang lang và khoai tây trắng:

Bảng so sánh giữa khoai tây trắng và khoai lang.
Bảng so sánh giữa khoai tây trắng và khoai lang.

Có thể thấy khi chưa nấu chín, hai loại củ này không có quá nhiều khác biệt xét về năng lượng cung cấp, carbonhydrates, chất béo, hay protein. Nhưng có lẽ chẳng ai quan tâm đến điều đó, bởi lúc này chúng vẫn còn sống, đâu thể hấp thụ được? Để có thể so sánh chuẩn xác chúng, hãy cùng xem dưỡng chất của cả hai khi chúng được luộc chín và nướng lên.

Khi luộc chín khoai lang và khoai tây thông thường (đã gọt hết vỏ) trong nước ngọt, bạn sẽ phát hiện ra một số điểm khác biệt về mặt dưỡng chất khá thú vị. Khoai lang có chứa nhiều calories, carbohydrates và chất béo hơn khoai tây đã luộc, nhưng khoai tây lại có nhiều protein hơn.

Khoai lang luộc vs khoai tây trắng luộc: Từ trái sang phải là các cột tinh bột, chất xơ, và đường
Khoai lang luộc vs khoai tây trắng luộc: Từ trái sang phải là các cột tinh bột, chất xơ, và đường.

Không hề ngạc nhiên, khoai lang luộc chứa lượng đường nhiều gấp hơn 14 lần so với khoai tây luộc (11,6g so với 0,8g trong 100g). Phần lớn đường trong khoai lang đến từ sucrose, trong khi glucose và fructose chỉ chiếm một lượng nhỏ. Cả khoai lang và khoai tây đều chứa lượng chất xơ tương đương (lần lượt 2,1g và 1,6g trong 100g), nhưng khoai tây luộc lại chứa lượng tinh bột gần gấp đôi so với khoai lang luộc (15,2g so với 8,1g trong 100g). Về mặt chất dinh dưỡng vi lượng, khoai lang luộc vượt trội về vitamin C, magie, canxi, sắt, và phốt-pho, trong khi khoai lang chứa nhiều kali, vitamin B1 và acid folic hơn.

Tiếp theo, hãy so sánh khoai lang và khoai tây trắng khi nấu theo kiểu nướng. Khi nướng lên, khoai lang có lượng calories, carbohydrate, và chất béo trong 100g cao hơn, nhưng khoai tây trắng thì có protein cao hơn (2,2g so với 1,6g trong 100g). Khoai lang nướng chứa lượng chất xơ hơn gấp đôi, ít tinh bột hơn, nhưng lại nhiều đường hơn hẳn so với khoai tây thường.

Khoai lang nướng vs khoai tây trắng nướng: Từ trái sang phải là các cột tinh bột, chất xơ, và đường
Khoai lang nướng vs khoai tây trắng nướng: Từ trái sang phải là các cột tinh bột, chất xơ, và đường

Hãy nhìn vào hàm lượng chất dinh dưỡng vi lượng, một lần nữa khoai lang lại vượt trội khi xét về 10/12 loại khoáng chất (khoai lang và khoai tây nướng có cùng lượng selen, nếu bạn đang thắc mắc). Về vitamin, khoai lang có vitamin C và vitamin A cao hơn nhiều so với khoai tây trắng, nhưng khoai tây lại có lượng vitamin B1, B3 và acid folic cao hơn.

Như vậy, sau khi tìm hiểu về hàm lượng dinh dưỡng của khoai lang và khoai tây thường khi luộc và nướng, có lẽ bạn sẽ đồng ý rằng rất khó để chọn ra loại củ bổ dưỡng hơn. Khoai lang hiển nhiên “đội vương miện” khi xét đến chất dinh dưỡng vi lượng, nhưng khoai tây thường không phải là trò đùa.

Dù là luộc hay nướng, khoai tây đều ít chất béo và đường hơn so với khoai lang. Vậy khoai lang có xứng đáng với vương miện nói trên? Chưa thuyết phục lắm. Đúng là nó có nhiều chất dinh dưỡng vi lượng, có vị ngon tuyệt, và là loại thực phẩm siêu đa năng, nhưng khoai tây cũng đâu kém cạnh?

Về phần bạn, bạn thích khoai lang hay khoai tây?

Theo Khoa học