Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc

Trung Quốc là đất nước nhiều siêu giàu mới nổi nhất thế giới. Năm 2020, họ vượt mặt Mỹ (696 người) về số lượng tỷ phú với tổng cộng 1058 người.

Nghe đọc bài

Đất nước trên 5 triệu người siêu giàu

Đầu năm 2021, Trung Quốc báo cáo tổng kết kinh tế năm 2020. Họ cho thấy đạt tổng GDP $14,86 nghìn tỷ, đứng thứ nhì toàn cầu, sau Mỹ ($20,81 nghìn tỷ). Dĩ nhiên, các triệu phú, tỷ phú Trung Quốc đóng góp một phần công lao không nhỏ.

Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc - Ảnh 1.

Người siêu giàu Trung Quốc tăng nhanh, dự đoán có thể đạt trên 10 triệu vào năm 2025

Hiện, Trung Quốc đang có khoảng 5,3 triệu triệu phú, chiếm 9,4% tổng triệu phú toàn cầu. Theo ước tính từ Tập đoàn Tài chính Đa Quốc gia HSBC (Anh), họ chiếm hẳn 30% tổng GDP Trung Quốc.

Từ lâu, giới siêu giàu Trung Quốc đã khét tiếng ưa phô trương tài sản và lối sống thượng lưu. Trên các trang mạng xã hội, họ đua nhau khoe siêu xe, túi xách hạng sang, trang phục hàng hiệu…

Đầu năm 2021, Su Mang – nữ triệu phú kiêm người nổi tiếng gắn liền với biệt danh “Yêu nữ thích hàng hiệu phiên bản Trung Quốc” tham gia chương trình thực tế 50km Taohuawu. Cô được hỏi “650 nhân dân tệ (tương đương 2,3 triệu đồng) thì có đủ để ăn 1 ngày không?” và đã có câu trả lời khiến công chúng Trung Quốc sốc toàn tập. “Tôi cần nhiều hơn. Làm sao mà tôi có thể ăn uống với số tiền thấp như vậy được?”

Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc - Ảnh 2.

Su Mang, “Yêu nữ thích hàng hiệu phiên bản Trung Quốc”

Khoe khoang là vạ miệng

Ngay sau phát ngôn của Su, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng. Nhiều người phẫn nộ chỉ ra, tiền ăn hàng ngày của họ còn không tới 30 tệ (khoảng 105.000 đồng).

Thực tế, vị trí GDP cao nhì thế giới của Trung Quốc không tương ứng với nước giàu. Khi chia đều cho 1,4 tỷ dân, nó cho thấy thu nhập bình quân chỉ $10.839 /người (tương đương 250 triệu đồng), thấp hơn GDP trung bình toàn cầu ($18,381) hẳn $7.542 (tương đương 174 triệu đồng).

Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc - Ảnh 3.

Sau phát ngôn “650 tệ không đủ ăn 1 ngày”, Su Mang trở thành bia hứng gạch đá dư luận

Su phải nhanh chóng đính chính rằng, 650 tệ là không đủ cho cô ăn uống hết thời gian tham gia chương trình (21 ngày), chứ không phải chỉ 1 ngày. Cư dân mạng Trung Quốc không tin, tiếp tục giữ thái độ gay gắt.

Trước Su, Annabel Yao (23 tuổi) – ái nữ của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei trị giá $1,4 tỷ (khoảng 31.904 tỷ đồng) cũng bị cư dân mạng “làm gỏi” vì khoe khoang được cha tặng “món quà sinh nhật đặc biệt”. Đó là hợp đồng trở thành ca sĩ của một công ty giải trí nổi tiếng.

Trong mắt nhiều người Trung Quốc, Su và Yao là những fuerdai (con nhà giàu, nhờ cha mẹ lắm của mới nhiều tiền chứ chẳng tài cán gì). Họ bày tỏ sự bất mãn và coi thường, chỉ cần nhìn thấy có sơ hở là “miệng lưỡi tấn công” không thương tiếc.

Biện minh hay xin lỗi cũng đều bị phớt lờ

“Tôi chưa bao giờ tự cho là công chúa,” – Yao đăng video giải thích trên Weibo. “Tôi thấy mình cũng như hầu hết bạn bè cùng tuổi, phải nỗ lực học hành hết sức mới được vào một trường học tốt”. Nào ngờ, sự trần tình của cô lại như “đổ dầu vào lửa”. Công chúng Trung Quốc nhất định không tin Yao đã “sống một cuộc sống chật vật”, duy trì thái độ chán ghét.

Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc - Ảnh 4.

Công chúng Trung Quốc ghét thói khoe sang của giới nhà giàu

“Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc mở cửa, thông thương toàn cầu,” – Tiến sĩ Jian Xu, Đại học Deakin cho biết. “Người giàu ngày càng giàu hơn, còn người nghèo lại dậm chân tại chỗ. Khi so sánh bản thân với người nổi tiếng cũng như thu nhập của họ, nhiều người liền thấy mình quá vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Họ cảm thấy chán nản, bất lực và nảy sinh phẫn uất”.

“Đôi khi, sự phẫn uất bị đẩy lên đỉnh điểm,” – Xu tiếp tục. Ông lấy ví dụ vào tháng 5/2021, nữ diễn viên Trịnh Sảng (1991) tiết lộ được trả công đóng phim hẳn 2 triệu tệ/ngày (khoảng 7 tỷ đồng). Kết thúc dự án, cô kiếm tổng cộng 160 triệu tệ (khoảng 563 tỷ đồng).

“160 triệu tệ thì có bao nhiêu số không vậy?” – một tài khoản Weibo bức xúc viết. “Nhân viên công sở làm bục mặt cả tháng mới được 6000 tệ (khoảng 21 triệu đồng). Muốn có 160 triệu tệ, họ cần đi làm không ngừng nghỉ 2222 năm, tức là cần phải sống được từ thời Nhà Tần (221 – 206 TCN) đến giờ”.

Mặc dù bị ghét bỏ và công kích thậm tệ, giới giàu Trung Quốc vẫn không thể ngừng khoe của. Một số người cố né búa rìu dư luận bằng mánh khóe “khoe như không khoe”, ví dụ như nữ triệu phú MengQiqi77. Cô đăng dòng trạng thái “phàn nàn” trên Weibo rằng khu phố quá ít trạm sạc xe điện. “Vì thế, tôi đành phải chuyển nhà tới một cơ ngơi lớn hơn có gara riêng cho chiếc Tesla của ông xã”.

Lần khác, MengQiqi77 đăng bài “chê trách” chồng quá tiết kiệm, chỉ dám mặc “bộ cánh” của Zegna có giá 30.000 tệ (khoảng 106 triệu đồng).

Khi nhà giàu cũng khóc: Nỗi khổ làm gì cũng bị ghét của giới siêu giàu Trung Quốc - Ảnh 5.

Dù khoe của khéo đến mức nào, siêu giàu Trung Quốc vẫn bị ghét bỏ, thậm chí thù địch

Chẳng bao lâu sau khi công khai những dòng “khoe như không khoe” này, MengQiqi77 cũng bị “lật tẩy” và kỳ thị. Có vẻ như dù bằng cách nào, giới giàu Trung Quốc cũng khó được yêu thích khi cứ ham “cho thiên hạ thấy mình giàu”.

Tham khảo: BBC