Khi chuyên gia thân Trung Quốc nhận định về Biển Đông

Giáo sư Mark J.Valencia được cho là một học giả quốc tế hiếm hoi chuyên viết bài bênh vực lập trường Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Gần đây nhất là bài báo có tựa “Biden, China and South China Sea: a different perspective”, tạm dịch “Biden, Trung Quốc và Biển Đông: một quan điểm khác”, được đăng trên tờ Asia Times hôm 29 tháng 12 năm 2020.

Trong bài viết này, ông Valencia ngụy biện rằng Trung Quốc không hề quân sự hóa các đảo, bãi đá ở Biển Đông mà do “Việt Nam và Mỹ đã không ngừng quân sự hóa” ở vùng biển này nên Trung Quốc phải đáp trả. Bắc Kinh xem đây là mối đe dọa cho lực lượng quân sự và hạ tầng của Trung Quốc tại đây.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định về cách viết của Giáo sư Mark Valencia:

“Bây giờ ông Mark J. Valencia là một học giả thân Trung Quốc. Ông ấy đã viết hơn 150 đầu sách nghiên cứu dài chủ để về biển, về hải quân, về luật biển và về tòa về biển. Trong đó có những cuốn sách viết chung với hai học giả của đảng cộng sản Trung Quốc là Tiến sĩ Long Hồng, Tiến sĩ Ngô Sĩ Căn.

Cách viết của ông Valencia không có gì lạ, bởi ông ta viết dưới góc độ của người Trung Quốc chứ không phải từ góc độ học giả độc lập và khách quan.

Nhưng nếu ông Valencia mà đi dự các diễn đàn quốc tế mà gặp những học giả người Việt Nam thì thế nào người ta cũng phản ứng. Theo tôi hiểu thì ông này chưa dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore lần nào dù ông ở Singapore rất nhiều. Ông này có nhận thức không đúng với nền tảng chuyên môn, không khách quan và phi chính trị.”  

Cách viết của ông Valencia không có gì lạ, bởi ông ta viết dưới góc độ của người Trung Quốc chứ không phải từ góc độ học giả độc lập và khách quan. -Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp  

Trong năm 2020, Giáo sư Mark J.Valencia cũng nhiều lần viết bài về tình hình Biển Đông dưới cái nhìn của chính quyền Bắc Kinh. Đơn cử như bài viết hôm 11 tháng 4 năm 2020 trên báo South China Morning Post tựa đề “Slandering China does not help resolve disputes in the South China Sea rich in seafood”, tạm dịch “Vu khống Trung Quốc không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản”.

Bài báo tố cáo các tàu cá Việt Nam xâm phạm và bị bắt tại vùng biển Indonesia và Malaysia nhiều hơn rất nhiều so với số lượng các tàu cá Trung Quốc xâm phạm và bị bắt tại vùng biển hai nước nêu trên. Bài báo cũng dựng chuyện rằng rất nhiều tàu Việt Nam khai thác hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Bài viết này xuất hiện sau sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Hôm 2 tháng 4 năm 2020, tàu cá số hiệu QNg-90767-TS do ông Trần Hồng Thọ sở hữu bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Đến chiều ngày 3 tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh phát biểu rằng, sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm.

Trước đó, vào tháng 3, cũng trên tờ South China Morning Post, ông Valencia viết bài “Why the US-Vietnam strategic alliance in the South China Sea is unlikely to last”, tạm dịch “Tại sao liên minh chiến lược Việt – Mỹ khó bền vững”. Bài báo đề cập việc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, và đặt câu hỏi rằng, liên minh giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tồn tại được bao lâu khi hai nước không có chung nền văn hóa, không cùng hệ thống chính trị hay tư tưởng, mà chỉ có chung ‘mối đe dọa Trung Quốc’.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định:

“Tôi không ngạc nhiên nhưng tôi lấy làm lạ về nhân vật này. Cách đây hơn 10 năm, nhiều học giả của Việt Nam có trích dẫn những bài viết của Valencia với những bài bình luận về Đông Nam Á rất nghiêm túc, nhưng từ ngày ông Valencia cộng tác với Trung Quốc, nhận những hiếu hỉ từ Trung Quốc thì ông có những quan điểm đi ngược lại với những sự thật ở Biển Đông và phản khoa học trong những vấn đề quan hệ quốc tế Đông Nam Á.

Tôi không trách Mark Valencia mà tôi trách Hà Nội vì sao không tập họp được những nhà nghiên cứu tên tuổi có uy tín trên thế giới để nói những tiếng nói trung thực trong vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia Đông Nam Á.   

Bản thân tôi khi đọc những bài viết của Valencia, tôi tính viết một bài phản biện lại ông ta, nhưng hiện nay những dữ liệu, tư liệu, chính sách về quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam về vấn đề hải đảo, thềm lục địa đều là Tối mật. Do đó, tôi không có đủ tài liệu để làm căn cứ đấu tranh lại, bảo vệ quyền lợi chính nghĩa của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Vấn đề đó đặt ra cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam muốn đập lại, muốn phản biện lại những luận điệu của nhà cầm quyền Bắc Kinh; đập lại những quan điểm của bọn bá quyền nước lớn thì phải dựa trên cái cơ sở nào?”

Cách đây hơn 10 năm, nhiều học giả của Việt Nam có trích dẫn những bài viết của Valencia với những bài bình luận về Đông Nam Á rất nghiêm túc, nhưng từ ngày ông Valencia cộng tác với Trung Quốc, nhận những hiếu hỉ từ Trung Quốc thì ông có những quan điểm đi ngược lại với những sự thật ở Biển Đông và phản khoa học trong những vấn đề quan hệ quốc tế Đông Nam Á. – Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc

Theo ông Đinh Kim Phúc, 13 năm qua, việc quốc tế hóa, công khai hóa, phi nhạy cảm hóa hồ sơ biển Đông đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện để đấu tranh trong vấn đề Biển Đông. Nhưng vấn đề minh bạch hóa tư liệu Biển Đông thì hiện nay giới nghiên cứu trong và ngoài nước phải trông chờ. Phải minh bạch thì các nhà nghiên cứu mới có đủ cơ sở dữ liệu để tranh biện lại tất cả những ai nói ngược lại lịch sử, nói ngược lại với công pháp quốc tế, nói ngược lại những vấn đề mà Luật biển LHQ 1982 đã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của những nước có biển, có đảo cũng như các quốc gia không có đảo.

Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng hạ tầng ở các bãi đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều hạ tầng với đường băng, nhà chứa máy bay, lắp đặt hệ thống radar, triển khai nhiều loại tên lửa ở các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Ngay sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, Trung Quốc điều động nhiều loại máy bay quân sự đến khu vực này. Từ khoảng 5 năm qua, chiến đấu cơ của Trung Quốc thường xuyên có mặt ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Trong năm qua, quân đội Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với các cuộc tập trận và một số hoạt động như diễn tập chống tàu ngầm, diễn tập hộ tống, triển khai máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm đến đá Chữ Thập, diễn tập chiếm đảo, bảo vệ an ninh đảo…

Theo rfa