Iran sẽ có hệ thống vệ tinh tiên tiến từ Nga

Nga sẽ cung cấp cho Iran một hệ thống vệ tinh có khả năng theo dõi và giám sát các mục tiêu quân sự tiềm năng không chỉ ở Trung Đông.

Trong bài viết trên trang The Washington Post của tác giả Joby Warrick, kế hoạch này bao gồm cung cấp cho phía Iran một vệ tinh loại Kanopus-V do Nga sản xuất, được trang bị camera độ phân giải cao sẽ tăng cường đáng kể khả năng do thám của Iran khi cho phép giám sát liên tục các cơ sở từ các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Ba Tư, các căn cứ quân sự của Israel cho đến doanh trại quân đội Mỹ hiện đóng quân tại Iraq, trích quan điểm của quan chức thuộc quân đội Hoa Kỳ. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc phóng vệ tinh lên quỹ tạo hoàn toàn có thể diễn ra trong vài tháng tới.

Ở thời điểm chiếc Kanopus-V được bán trên thị trường cho mục đích dân sự, nhiều quan chức quân sự Iran đã tham gia vào các giao dịch mua lại chiến cơ từ Nga. Đặc biệt, nhà lãnh đạo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ưu tú của Iran đã thực hiện nhiều cuộc viếng thăm đến điện Kremlin kể từ năm 2018 nhằm giúp đàm phán các điều khoản của thỏa thuận. Tại diễn biến mới nhất vào mùa xuân năm nay, các chuyên gia Nga đã đến Iran để giúp đào tạo nhân viên mặt đất để vận hành vệ tinh từ một cơ sở mới được xây dựng gần thành phố Karaj, miền bắc nước này.

Chi tiết về thỏa thuận đã được mô tả tóm tắt bởi một quan chức, một cựu quan chức Hoa Kỳ cùng một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Đông, cả ba yêu cầu giấu tên với lý do nhạy cảm xung quanh các nỗ lực thu thập thông tin tình báo. Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về những thông tin trên.

Các tiết lộ được công bố trong bối cảnh Tổng thống Biden đang chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên sau khi nhậm chức với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vụ phóng vệ tinh của Iran do Nga sản xuất chuẩn bị xảy ra có thể tiếp tục thêm vào một danh sách dài các vấn đề gây tranh cãi đang làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Moscow và Washington, trong đó đáng chú ý nhất là các hoạt động hack gần đây của Nga cùng nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ. Những người phản đối việc Hoa Kỳ tái gia nhập hiệp định hạt nhân với Iran nhiều khả năng sẽ sử dụng thông tin bị rò rỉ trên để phản đối bất kỳ can thiệp của Mỹ tại Tehran mà không nhất thiết phải đả động đến tham vọng quân sự của nước này trong khu vực.

Nếu được thực hiện đầy đủ, thỏa thuận với Nga sẽ là một sự thúc đẩy đáng kể đối với nàn tảng quân sự của Iran vốn đang gặp khó khăn trong nỗ lực đưa vệ tinh quân sự do thám lên quỹ đạo. Sau một số thất bại vào năm ngoái, Iran đã phóng thành công một vệ tinh quân sự có tên Nour-1, nhưng phi thuyền này nhanh chóng bị một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chế giễu hệt như một cái “webcam bị lỗi”.

Iran se co he thong ve tinh tien tien tu Nga
Phương tiện phóng Qased (Courier) của IRGC mang theo Nour-1, vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran, cất cánh từ bệ phóng của nó ở sa mạc trung tâm tại Iran, ngày 22 tháng 4 năm 2020. (Ảnh: SepahNews)

Theo thỏa thuận, vệ tinh mới của Iran sẽ được phóng tại Nga, đồng thời sở hữu phần cứng cũng được sản xuất tại nước này, bao gồm một camera có độ phân giải 1,2 mét – một cải tiến đáng kể so với khả năng hiện tại của Iran, mặc dù vẫn còn kém xa so với chất lượng mà các vệ tinh do thám của Mỹ đạt được hay của các nhà cung cấp vệ tinh truyền hình thương mại. Điều quan trọng là, Iran sẽ có khả năng “giao nhiệm vụ” cho vệ tinh mới do thám và giám sát các vị trí họ muốn.

“Tuy không phải tốt nhất trên thế giới, nhưng vệ tinh có độ phân giải cao thích hợp cho các mục đích quân sự. Khả năng này sẽ cho phép Iran duy trì một ngân hàng dữ liệu về các mục tiêu với độ chính xác cao cũng như cập nhật ngân hàng mục tiêu đó chỉ trong vòng vài giờ mỗi ngày”, dẫn lời quan chức Trung Đông quen thuộc với gói phần cứng của vệ tinh

Quan chức này cũng cho biết thêm, một tình huống khác cũng cần được quan tâm không kém là khả năng Iran có thể chia sẻ hình ảnh với các nhóm vũ trang đồng minh với Iran trên khắp khu vực, từ phiến quân Houthi đang chiến đấu với lực lượng chính phủ do Ả Rập Xê-út hậu thuẫn ở Yemen, cho đến các chiến binh Hezbollah ở miền nam Lebanon và lực lượng Shiite ở Iraq và Syria. Được biết, nhiều nhóm vũ trang thân cận Iran có liên quan đến các cuộc tấn công bằng tên lửa liên tiếp nhắm vào các căn cứ quân sự tại Iraq, nơi đóng quân của quân đội cùng các huấn luyện viên quân sự Mỹ

Trong khi mục đích của vệ tinh vẫn được giữ kín, cả Iran và Nga đều công khai ý định cùng nhau tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vũ trụ. Kể từ năm 2015, nhiều cơ quan báo chí truyền hình ở Iran đã đưa tin về các công ty của Iran và Nga đã tham gia một thỏa thuận cho phép Iran có được một “hệ thống viễn thám có thể được sử dụng để thu thập thông tin trên bề mặt Trái đất, bầu khí quyển cùng các đại dương”

Bài báo liệt kê các đối tác Nga của thỏa thuận là NPK BARL và VNIIEM, hai công ty sẽ chế tạo và phóng vệ tinh trong mối quan hệ hợp tác với công ty thương mại nhà nước Iran Bonyan Danesh Shargh và Cơ quan Vũ trụ Iran.

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho biết khả năng do thám mới của Iran sẽ đặc biệt đáng lo ngại, do những tiến bộ gần đây của Tehran trong hệ thống dẫn đường tên lửa. Iran đang sản xuất một loạt tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có thể tấn công các mục tiêu ở xa với độ chính xác cao, khả năng tiếp cận hình ảnh từ vệ tinh được cải thiện giờ có thể khiến hiệu quả của chúng còn tăng lên gấp nhiều lần.

Iran se co he thong ve tinh tien tien tu Nga
Một bức ảnh do Bộ Quốc phòng Iran cung cấp vào ngày 1 tháng 2 năm 2021 cho thấy vụ phóng tên lửa mang vệ tinh mới nhất của Iran, được gọi là Zuljanah, tại một địa điểm không được tiết lộ.

Các chuyên gia khác lưu ý, Iran trước đây từng cố gắng có được các hình ảnh mang độ phân giải cao bằng cách mua chúng từ các công ty vệ tinh thương mại, mặc dù khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực của Tehran về các mục tiêu quân sự bằng cách này luôn bị hạn chế.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về phi hạt nhân hóa và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California cho biết: “Khả năng tự thu thập dữ liệu bằng hình ảnh là điều mà mọi lực lượng quân đội đều muốn sở hữu. Việc hợp tác có được công nghệ từ phía Nga về cơ bản sẽ cho phép người Iran rút ngắn con đường đạt được khả năng này, thứ sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức nếu để họ tự mình thực hiện”

“Quân đội Iran có vui mừng không? Có chứ, vì đây thực sư là một sự thay đổi mang tính chiến lược”, ông Lewis nhận xét, “Dù là nếu cứ để bình thường thì sớm muộn gì họ cũng tự nghiên cứu được nó thôi mà”