Iran: Nợ mắt phải trả bằng mắt

Một tòa án Iran gần đây kết án một người đàn ông với hình phạt buộc phải chịu cảnh mù lòa, vì điều mà ông ta đã làm với một hàng xóm của mình trước đó.

Theo Daily Mail, người đàn ông 45 tuổi không rõ danh tính, bị kết án theo nguyên tắc trừng phạt thích đáng, được gọi là “qisas”.

Qisas quy định người phạm tội đã có hành động như thế nào thì sẽ bị trừng phạt tương tự. Người đàn ông bị trừng phạt vì ẩu đả với người hàng xóm trên đường phố ở Fasham năm 2018, khiến người này bị hỏng một mắt.

Theo luật Hồi giáo, kẻ phạm tội vẫn còn một cơ hội cuối cùng trước khi bị thi hành án. Nếu nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân (trong trường hợp nạn nhân qua đời) chọn nhận bồi thường và ân xá cho kẻ phạm tội.

Không rõ bị cáo sẽ bị mất một mắt để đền tội hay mù cả hai mắt. Hình phạt này đôi khi vẫn xảy ra ở Iran.

Năm 2008, một bị cáo bị tuyên phạt chịu cảnh mù lòa trong một vụ tấn công người khác bằng acid. Tuy nhiên, nạn nhân đã tha bổng cho bị cáo ngay ở giây phút trước khi thi hành án.

Vụ việc tương tự xảy ra năm 2015, các bác sĩ Iran đã lấy một bên mắt của người phạm tội, trong một vụ tấn công bằng acid.

Một năm sau, một người đàn ông khác cũng bị tuyên án vì ném vôi vào mắt của cháu gái khi đó mới 4 tuổi, khiến nạn nhân bị mù.

Iran là quốc gia Hồi giáo áp dụng luật Sharia hà khắc. Một số quốc gia áp dụng luật này đưa ra những hình phạt như chặt tay, móc mắt, thậm chí chặt đầu nếu một người phạm tội nghiêm trọng.

Tháng 2.2021, tòa án Iran đã bị các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì tuyên phạt Hadi Rostami, một bị cáo bị bệnh tâm thần, 60 lần phạt roi và bị cắt cụt 4 ngón tay.

Theo 24h