Indonesia đến bờ vực vỡ trận trước Covid-19, vaccine Trung Quốc có phải là “tội đồ”?

Nghe đọc bài

Nikkei Asian Review chỉ ra rằng, dịch Covid-19 “nhấn chìm” Indonesia thực sự là diễn biến bất ngờ bởi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào tháng 5, Indonesia dường như đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch.

Nikkei cho rằng, có 5 lý do chính dẫn đến tình hình nghiêm trọng ở Indonesia, trong đó những nghi ngờ về vaccine Sinovac của Trung Quốc đang gia tăng.

Tình hình dịch Covid-19 ở Indonesia đang “căng như dây đàn” do biến chủng Delta tấn công mạnh mẽ. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và đông dân nhất trong khu vực Đông Nam Á này đã công bố số ca nhiễm kỷ lục trong ngày 8/7 là 38.391 ca. Con số này gấp 6 lần số ca mắc của một tháng trước đó, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp đôi so với đầu tháng.

Chỉ mới hồi tháng 5, các ca nhiễm mỗi ngày ở Indonesia giảm hơn một nửa so với mức cao điểm vào tháng 2, và trong khi phần lớn đất nước vẫn còn hạn chế chống dịch, cuộc sống có vẻ đang dần bình thường trở lại.

Hai tháng trôi qua nhanh chóng, Indonesia hiện trở thành tâm dịch ở Đông Nam Á. Số người chết mỗi ngày cũng tăng ở mức kỷ lục với 1.040 người hôm 7/7, đánh dấu lần đầu tiên số người chết ghi nhận trong một ngày vượt hơn 1.000.

Nikkei: Indonesia đến bờ vực vỡ trận trước Covid-19, vaccine Trung Quốc có phải là tội đồ? - Ảnh 1.

Số người chết mỗi ngày ở Indonesia hiện đã vượt con số 1.000. Ảnh: Reuters

Indonesia chậm siết chặt các quy định hạn chế

Số ca nhiễm mới mỗi ngày lần đầu tiên đạt mốc 20.000 vào ngày 24/6 và từ đó số ca mới liên tục tăng cao đột biến. Mọi việc càng tồi tệ hơn nhiều trong những ngày gần đây khi số ca nhiễm vượt 30.000 trong ba ngày liên tiếp kể từ hôm 6/7.

Số ca bệnh tăng đột biến khiến các bệnh viện ở nhiều khu vực trên đảo Java đông dân cư của Indonesia quá tải. Các giường bệnh tại 6 khu vực hành chính, bao gồm cả thủ đô Jakarta, đang lấp đầy ở mức 80%. Đã có những báo cáo về tình trạng thiếu ôxy khiến chính phủ phải xoay xở bằng cách vận chuyển ôxy công nghiệp đến các bệnh viện.

Dù nhà chức trách cho rằng làn sóng bùng phát dịch lần này là do người dân tụ tập trong dịp lễ tôn giáo Eid al-Fitr (Ăn chay) hồi giữa tháng 5 – theo Bộ trưởng Y tế Indonesia nhận định, cao điểm thường xảy đến “từ 5 -7 tuần” sau các kỳ nghỉ dài. Nhưng mãi đến ngày 3/7, đảo quốc ở Đông Nam Á mới bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp kéo dài 2 tuần (PPKM Darurat).

Một quan chức chính phủ cho biết, ban đầu, chính quyền địa phương và cộng đồng bác bỏ việc áp dụng các hạn chế xã hội nghiêm ngặt hơn vì lo ảnh hưởng kinh tế, nhưng sau khi các ca nhiễm có chiều hướng gia tăng, các bên mới bắt đầu “sực tỉnh”.

Từ Indonesia nhìn sang các nước Đông Nam Á

Theo số liệu trong 2 tuần qua, các ca nhiễm mới mỗi ngày ở Indonesia tăng đột biến, ở mức khoảng 120% trong những ngày gần đây. Đây là con số tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức một con số trong những ngày gần đây trong khi số ca bệnh ở Philippines cũng giảm, còn Thái Lan lại chứng kiến số ca nhiễm tăng khoảng 60%.

Tuy nhiên, tính theo số dân, Malaysia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo số liệu của trang Our World in Data, Malaysia ghi nhận 236,48 ca/1 triệu người vào ngày 6/7, cao hơn rất nhiều so với con số 114,03 của Indonesia.

Các quan chức chính phủ và các nhà dịch tễ học đều nhận định, dịch bệnh ở Indonesia leo thang nhanh chóng kể từ sau lễ Eid al-Fitr hồi giữa tháng 5.

Mỗi năm, sau kỳ nghỉ lễ Ramadan, người Indonesia có truyền thống trở về quê với đại gia đình, trong làn sóng được gọi là “Mudik”. Dù “Mudik” luôn là một sự kiện siêu lây nhiễm trong thời kỳ dịch bệnh, dù vài lần phải trả giá đắt, nhiều người ở Indonesia vẫn chủ quan.

Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm đi lại từ đầu đến giữa tháng 5, nhưng ít nhất 1,5 triệu người được cho là đã về nhà theo làn sóng “Mudik” này. Đây được cho là nguyên nhân khiến Indonesia tiếp tục bị “thủng lưới”.

Dữ liệu về xu hướng di chuyển của quốc đảo này từ Google cho thấy, người Indonesia đã “đi chơi nhiều hơn” trong vài tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 7/2020, xu hướng di chuyển đến các địa điểm như nhà hàng và trung tâm mua sắm giảm trung bình 28% nhưng chỉ giảm 9,5% trong cùng kỳ năm nay.

Hiệu quả của vaccine Trung Quốc bị nghi ngờ

Sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh đã làm bùng nổ làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Indonesia.

Nikkei dẫn lời một quan chức, cho biết nhà chức trách “không ngờ các biến chủng mới của virus như Delta và những biến thể khác sẽ xâm nhập và lây lan rất nhanh như bây giờ, vì vậy đã có tâm lý chủ quan và chần chừ trong việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt hơn.”

Việc tiêm chủng chậm chạp cũng là nguyên nhân khiến Indonesia vỡ trận. Chỉ có 5,2% số người trưởng thành Indonesia đã được tiêm vaccine đầy đủ tính đến ngày 6/7.

Cho đến cuối tháng 6, gần 85% vaccine mà Indonesia nhận được là từ Trung Quốc, và đã có những nghi ngờ về hiệu quả của số vaccine này, đặc biệt là trong việc chống lại biến chủng Delta.

Sự hoài nghi đối với các mũi tiêm vaccine của Trung Quốc càng tăng khi các báo cáo của các nhân viên y tế cho biết, những ca tử vong do tiêm vaccine chủ yếu là tiêm loại vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Indonesia lưu ý, vaccine Trung Quốc vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, và rằng, các ca đã được tiêm đầy đủ vẫn nhiễm bệnh là được tiêm các loại vaccine khác nhau chứ không chỉ là tiêm vaccine của Trung Quốc.

Tại một sự kiện do Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài Jakarta tổ chức gần đây, khi được hỏi về những nghi ngờ đối với vaccine của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin lý giải, “Đúng là có sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vaccine, nhưng đợt dịch bùng phát lần này ở Indonesia là do biến chủng Delta. Nó tấn công mọi quốc gia.”

Nikkei: Indonesia đến bờ vực vỡ trận trước Covid-19, vaccine Trung Quốc có phải là tội đồ? - Ảnh 3.

Người dân Jakarta, Indonesia xếp hàng chờ nạp đầy bình ôxy để cung cấp cho bệnh nhân Covid-19 hôm 5/7. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đỉnh dịch vẫn chưa đến?

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan gần đây thừa nhận, chính phủ đang chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” với số ca mới mỗi ngày lên đến con số 70.000.

Nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, Tri Yunis Miko Wahyono thậm chí còn vẽ một bức tranh tồi tệ hơn. Ông cho biết, nếu tỷ lệ ca nhiễm tăng mỗi ngày 30% vẫn không thay đổi và chính phủ không nhanh chóng có biện pháp kiềm chế, số ca nhiễm mỗi ngày có thể lên mức 100.000 ca.

Ông dự đoán, đỉnh dịch có thể xảy ra vào cuối tuần tới đây, sau khi nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và khẩn cấp.

“Tình hình bất ổn hơn vì hiện nay có rất nhiều ca nhiễm tự cách ly tại nhà, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ,” ông nói. Và ông cho rằng, việc áp dụng PPKM khẩn cấp cho đến ngày 20/7 là không đủ để hạn chế làn sóng lây nhiễm đang ngày càng tăng.