Home Việt Nam Huy Đức kêu gọi lập Ủy ban hạch tội Nguyễn Tấn Dũng

Huy Đức kêu gọi lập Ủy ban hạch tội Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Tấn Dũng
Nghe đọc bài

Việc thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để hạch tội Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan vẫn còn rất cần thiết. Nhưng, cách tiếp cận từ những vụ như Gang Thép Thái Nguyên hay Vinashin… không phải chỉ là đưa ai đó ra tòa.

Trong sáu năm Nguyễn Tấn Dũng giữ chức thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát.

Di sản tệ hại nhất của Nguyễn Tấn Dũng không phải là tham nhũng, là sự tha hóa của bộ máy mà là sự phản bội lại công cuộc cải cách theo hướng kinh tế thị trường.


Đổi mới của Việt Nam khởi đầu 12/1986 chỉ mới ở mức cho phép “phát triển kinh tế nhiều thành phần”. Phải đến Đại hội VII, 1991, mới bắt đầu xuất hiện khái niệm “kinh tế thị trường”. Tháng 1/1994, trước lo sợ “chệch hướng”, “kinh tế thị trường” được thêm đuôi “có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Mặc dù những người soạn thảo “Cương lĩnh ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” tại Đại hội VII đã biết vai trò hạn chế của quốc doanh nhưng, “định hướng xã hội chủ nghĩa” đặt các chính sách không thể nằm ngoài nguyên tắc “quốc doanh là chủ đạo”.
Từ 1991, cải cách, bắt đầu trên nền tảng Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự 1995, đặc biệt, Luật Các Tổ chức Tín dụng 1998, Luật Doanh Nghiệp 1999… đều đưa đất nước theo hướng phát triển đúng đắn.


Nếu như Chính phủ Phan Văn Khải đã dùng mọi nỗ lực để bãi bỏ giấy phép con, trên nguyên tắc, nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết và “điều gì dân chúng làm được thì nhà nước không làm”. Thì Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một mặt ồ ạt nâng các doanh nghiệp nhà nước lên tập đoàn, một mặt để các bộ ngành mặc sức cài cắm điều kiện kinh doanh, giấy phép [chỉ trong khoảng 2008-2014, xuất hiện mới khoảng 7.000 giấy phép con].

Xu hướng này đã được cảnh báo từ 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu.


Mô hình doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành đã chết nhưng những chính sách đi chệch khỏi định hướng kinh tế thị trường thì vẫn còn gây hậu quả sâu sắc và lâu dài. Nó không chỉ khiến cho doanh nghiệp luôn bị nhũng nhiễu mà còn làm cho bộ máy nhà nước càng ngày càng lộng quyền.


Việc thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để hạch tội Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan vẫn còn rất cần thiết. Nhưng, cách tiếp cận từ những vụ như Gang Thép Thái Nguyên hay Vinashin… không phải chỉ là đưa ai đó ra tòa. Chỉ cần so sánh Thép Thái Nguyên với Thép của Hòa Phát là đã đủ để thấy vai trò của nhân dân trong kinh tế thị trường.


“Định hướng xã hội chủ nghĩa” không phải là cản trở lớn nhất của kinh tế thị trường, “quốc doanh chủ đạo” mới là vấn đề của kinh tế thị trường. Nếu không thay “quốc doanh là chủ đạo” bằng nguyên tắc “hiệu quả của nền kinh tế mới là chủ đạo” thì Việt Nam chẳng những không có kinh tế thị trường mà cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” Đảng muốn cũng không bao giờ có.

Huy Đức

Exit mobile version