Hồng Kông bắt giữ 9 người, gồm 6 học sinh cấp hai bị cáo buộc « âm mưu khủng bố »

Cảnh sát Hồng Kông ngày 06/07/2021 thông báo bắt giữ 9 người, trong đó có 6 học sinh cấp hai trong khuôn khổ một cuộc điều tra chống khủng bố.

Theo AFP, tổng cộng có năm người đàn ông và bốn phụ nữ, tuổi từ 15 -39 đã bị bắt hôm thứ Hai, 05/7. Theo như giải thích của ông Steve Li, lãnh đạo đơn vị cảnh sát chuyên trách thực thi Luật An ninh Quốc gia, trước giới báo chí, những người này đã tìm cách chế tạo bom bằng chất nổ TATP từ chất acetone peroxide, một loại chất dễ cháy nổ, nhằm tiến hành hoạt động khủng bố.

Vẫn theo lời cảnh sát Hồng Kông, chín người này thuộc một nhóm đòi độc lập tự xưng là « Returning Valiant ». Trong số ba người lớn bị bắt, có một người lái taxi, hai người kia làm việc ở một đại học và một trường cấp hai.

Các điểm tấn công của nhóm người này là một trong số các đoạn đường hầm nối Hồng Kông với Hoa Lục, hệ thống đường sắt hay các tòa án, với mục tiêu sau cùng là gây ra « những thiệt hại tối đa cho xã hội ».

Tại hiện trường, cảnh sát Hồng Kông đã tịch thu một lượng nhỏ chất nổ, các loại hóa chất để chế tạo TATP, điện thoại di động, thẻ SIM, một hướng dẫn cách đặt bom, bản đồ để rời thành phố cũng như là số tiền 90.000 đô la Hồng Kông. Các tài khoản ngân hàng trị giá khoản 600 ngàn đô la Hồng Kông cũng bị phong tỏa.

AFP nhắc lại, năm 2019, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có đã diễn ra, đôi khi biến thành bạo động, nhằm phản đối Bắc Kinh can dự vào đời sống chính trị Hồng Kông cũng như việc chính quyền đặc khu đi theo các chính sách hà khắc, bóp nghẹt các quyền tự do mà người dân Hồng Kông được hưởng cho đến ngày nay.

Dự luật về bảo vệ đời sống riêng tư : Các hãng Internet lớn dọa rời Hồng Kông 

Trong một thư gởi ghi ngày 25/06/2021, nhưng chỉ được công bố tuần này, Asia Internet Coalition – tập hợp các hãng Google, Facebook, Twitter, LinkedIn và Apple đã kêu gọi các cơ quan lập pháp Hồng Kông thay đổi các dự luật liên quan đến bảo vệ đời tư và phát tán các dữ liệu cá nhân (được gọi là doxing) vì các đề xuất sửa đổi này có thể được diễn giải một cách quá rộng dãi, làm cho các hãng internet và nhân viên của họ có nguy cơ bị coi là phạm luật. Theo dự luật này, việc tìm kiếm, tập hợp, tổng kết hoặc đăng lại các thông tin sẵn có trên mạng và không bị bảo hộ cũng có thể bị coi là một hành vi bất hợp pháp.

Các hãng internet này đe dọa rằng « cách thức duy nhất để tránh trừng phạt, cho các hãng công nghệ, có lẽ là ngừng đầu tư và cung cấp các dịch vụ ở Hồng Kông. Điều này có thể gây ra những hụt hẫng cho các doanh nghiệp cũng như người sử dụng ở Hồng Kông, đồng thời tạo ra những rào cản mới cho thương mại. »

Trước những lời đe dọa từ các hãng Internet, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm nay, đã lên tiếng phản bác khi biện minh rằng dự luật chỉ nhắm vào « cách thực hiện doxing bất hợp pháp ».

Theo RFI